Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2007

Sống giữa lòng dân - HXL



TIỂU SỬ CÁ NHÂN HỒ XUÂN LAI

I.- THỜI NIÊN THIẾU:

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Một vùng đất nghèo dinh dưỡng: chua, phèn, ngập mặn thật nặng, cát, phù sa, quanh năm hết gió lào, hạn hán lại bị bão lụt nặng nề. Gần 90% là nông dân nghèo, quanh năm đói cơm rách áo, phải tha phương cầu thực khắp nơi và tôi cũng là một người cùng chung cảnh ngộ. Cha mất lúc 5 tuổi, được 8 tuổi mẹ đẻ đi lấy chồng khác, ở với mẹ Cả. Năm 9 tuổi phải đi ở giữ con và làm việc vặt cho một tên địa chủ ở làng Hà Thanh, huyện Gio Linh. Năm 10 tuổi đi học nghề thợ Bạc, 11 tuổi bỏ nghề về ở với ông chú ruột ban ngày giúp việc gia đình, ban đêm tranh thủ học chữ quốc ngữ, nhờ có con ông bác là học sinh giúp đỡ. Năm 14 tuổi thi đỗ sơ học yếu lược. Năm 15 tuổi trở về dạy trẻ ở các thôn Bảng Sơn, Trung Yên, An Giạ và Gia Độ.
Trong cuộc đời niên thiếu, thời gian đi dạy học là thời gian tôi cảm thấy cuộc sống tương đối thoải mái nhất, được giao tiếp rộng rãi với bạn bè và cũng chính là thời gian tôi dần dần giác ngộ cách mạng.
Năm 1938, lúc đó tôi mới 15 tuổi, dạy học ở thôn Bảng Sơn, huyện Cam Lộ, được anh Trần Siêu, con ông cậu ruột thường kể cho nghe tình hình cực khổ của người dân lao động do sưu cao thuế nặng của bọn thực dân cai trị, do sự áp bức bóc lột của bọn vua quan phong kiến và bọn cường hào gian ác. Được anh Siêu rủ đi nghe một buổi diễn thuyết bí mật tại rú Cồn Trung. Năm 1939, lúc 16 tuổi, tôi dạy học ở thôn Trung Yên, thường chơi thân với anh Hoạt, con cụ Cử Luyện ở Lập Thạch và anh Diệu con ruột ông Lê San, Lê Hoạch là những người hoạt động cách mạng bí mật thời bấy giờ và được các anh kể cho nghe tình hình trong nước cũng như tình hình trên thế giới, cho xem truyện cấm “Bước đường cùng” và động viên bằng những câu hò cách mạng v.v…Có một chuyện hò các anh nói từ năm 1939 mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ như sau:
“Ngó qua Châu Âu, nước Nga đang phất cao ngọn cờ tự do bình đẳng.
Ngó về Châu Á, cộng sản Tàu tiến bước rất nhanh.
Đạo làm trai như anh ngồi khoanh tay chịu vậy sao đành.
Không đứng lên phất cờ khởi nghĩa để cứu dân mình hỡi anh”.
Năm 1940, tôi 17 tuổi, dạy học tại thôn Gia Độ, nơi quê nhà và được ông Hồ Khắc, ông Trần Thưởng là những cựu chính trị phạm, tổ chức vào Hội Cứu tế đỏ là một tổ chức biến tướng của Hội tương tế, do cố thủ tướng Trần Hữu Dực sáng lập. Thời gian này được dự hai cuộc họp kín tại làng Giáo Liêm và Bãi Đạc ở Gia Độ. Được tham dự lễ kỹ niệm Cách mạng tháng Mười Nga tại Bàng Dương Lệ.v.v…



còn tiếp...

2 nhận xét:

Hồ Xuân Lai nói...

Từ hôm nay, Hồ Xuân Lai sẽ lần lượt giới thiệu đến bạn đọc tập hồi ký "Sống giữa lòng dân" của mình.

Xin cám ơn mọi người đã quan tâm chia sẻ!
Cầu chúc hạnh phúc cho nhân quần trong cuộc sống!
hoxuanlai@

Hồ Xuân Lai nói...

Do tính chất của hồi ký, có những phần được đăng tải trên Blogspot.com sẽ hơi dài.
Mong bạn đọc thông cảm!
hoxuanlai@