Thứ Tư, 4 tháng 7, 2007

Sống giữa lòng dân - Hồ Xuân Lai


NHỮNG DẤU ẤN
KHÔNG QUÊN

IX. NHỮNG LẦN THOÁT CHẾT

1. Chủ quan khinh đỊch:

Tháng 3 năm 1947, chỉ sau Tết Nguyên đán mấy ngày, địch tổ chức trận càn lớn đầu tiên vào xã Phong Gia, mục tiêu trận càn là đánh vào thôn Gia Độ vì Gia Độ là nơi trung tâm đầu não của xã, nên lực lượng dân quân du kích của xã cũng tập trung ở đây. Sau khi địch đánh chiếm thị xã Quảng Trị, xã đã huy động toàn dân thực hiện vườn không nhà trống, đập phá nhà cửa, đào hào chiến đấu, chặt tre rào làng, lập phòng tuyến cản địch cả dưới sông và trên bộ.
Địch hành quân bằng cơ giới theo đường Cửa Việt đổ quân tại ngã ba Đại Hào, bí mật vượt qua các thôn, tập kết tại thôn Dương Lộc, huy động đồng bào công giáo phối hợp tiến về thôn Gia Độ. Khi gặp phòng tuyến và lực lượng du kích cản trở chúng bắt đầu nổ súng dữ dội vào thôn Gia Độ. Đồng bào bắt đầu chạy giặc và cán bộ cùng rút dần về phía Giáo Liêm. Tôi cũng đi dần về cuối thôn rồi bắt đầu dừng lại quan sát tình hình, vì tin rằng lực lượng du kích của ta đang giao chiến với giặc ở đầu làng. Mãi nhìn về hướng có tiếng súng nổ, thì bỗng thấy một toán địch xuất hiện trước mặt, chỉ cách khoảng 40-50m, tôi liền chạy theo một con đường nhỏ lui về phía sau thôn, nhưng vừa ra khỏi thôn lại gặp ngay một toán địch khác đang đi tới, chạy trở lại cũng không được tôi liền nhảy xuống cánh đồng ruộng nước chạy về phía Xuân Thành, bọn địch không thể nhảy xuống ruộng đuổi theo tôi, nên chúng dừng lại trên đường và tập trung súng bắn theo tôi, liều chết tôi cứ chạy, đạn nổ trên đầu, đạn cày dưới chân, đạn găm trước mặt, đạn xẹt hai bên, may sao toán địch không có súng máy nên tôi thoát chết.
Trong trận này gần một trung đội du kích và một số cán bộ hy sinh, nhiều đồng bào và dân quân bị thương và bị bắt.

2. VưỢt sÔng Mai XÁ:

Tháng 7-1947 địch phối hợp tổ chức một trận càn quét lớn vào 2 xã Phong Đăng và Phong Gia. Chúng hành quân theo lối bao vây bọc kín : quân thị xã đổ về theo hướng Phúc Lộc, Dương Lệ, quân Đại Hào phối hợp với quân đồn Bố Bản tiến vào hướng Đại Hòa, Quảng Lượng, Quảng Điền, Hương vệ Nhu Lý, tiến sang phía Việt Yên, quân Cửa Việt hành quân bằng thuyền theo dọc sông Thạch Hãn.
Cả ba mặt đều có địch, chúng tôi chỉ còn một cách gọi thuyền chài vượt sông Thạch Hãn sang phía Gio Linh. Tôi và một số cán bộ du kích ngồi kín trong mui một chiếc thuyền, sang được 2 phần ba sông thì gặp một chiếc thuyền của địch từ phía Cửa Việt lên, anh thuyền chài kêu: Các anh ơi thuyền địch gần quá rồi làm sao đây ? May sao trong thuyền có một anh bộ đội biệt động chỉa súng vào anh thuyền chài bảo: anh chèo mau lên, nếu buông chèo tôi bắn. Chiếc thuyền ghé vào bờ chúng tôi nhảy lên chạy vào làng Cồn Soi, đồng thời chiếc thuyền địch cũng ghé vào bờ đuổi theo chúng tôi. Bí đường buộc chúng tôi phải liều nhảy xuống sông vượt sang Mai Xá. Cách bờ Mai Xá chỉ còn 4-5m thì bọn địch đến kịp chúng dừng lại trên bờ xả súng bắn theo chúng tôi. Tôi đuối sức không bơi được nữa, định đứng xuống để lội vào bờ, nhưng nước còn sâu, nên bị chìm luôn xuống nước, tôi ngoi lên mấy lần nhưng không bơi được nữa, may sao có một người bơi phía sau tôi đã cầm tay tôi lôi lên mặt nước, đẩy mạnh vào bờ, tôi đứng xuống thì chân chạm đất, nên đã lội được lên bờ, chúng tôi chạy vào làng Mai Xá, may sao không ai trúng đạn cả.
Âm mưu của địch trong trận càn quét này là bao vây tìm diệt, nên chúng tàn sát rất dã man. Nhiều cán bộ, du kích và đồng bào, không kịp vượt sông Thạch Hãn đã bị bắn giết hoặc bị bắt. Trong đó một số cán bộ cách mạng lão thành bị giết tại chỗ và bị thủ tiêu mất tích như các ông Hồ Khắc, Hồ Kiệm, Trần Thưởng, Nguyễn Y, Nguyễn Lẩm, Hoàng Phùng ở Gia Độ v.v...

3. Bị địch bao vây:

Khoảng tháng 10 năm 1947 địch phối hợp lực lượng lớn càn quét một lúc vào địa bàn 2 huyện Gio Linh và Triệu Phong. Khoảng 8 giờ sáng quân địch đã áp sát 2 xã Phong Đăng và Phong Gia. Phía Gio Linh còn yên tĩnh, nên chúng tôi đều vượt sông chạy sang các thôn Vinh Quang, Mai Xá.
Tôi và một số cán bộ, du kích xã chạy vào làng Mai Xá, tình hình rất vắng vẻ, một số bà con cho biết, được tin địch càn từ hôm qua, nên cán bộ và nhân dân đã sơ tán hết rồi, chỉ còn các cụ già và phụ nữ có con mọn ở lại thôi. Tình hình vẫn yên tĩnh, nên chúng tôi vẫn nghỉ lại Mai Xá, đợi địch rút sẽ trở về. Nhưng vào khoảng 10 giờ thì có tin báo địch xuất hiện tại Vinh Quang đang tiến về Mai Xá, nhân dân bắt đầu xôn xao và chúng tôi bảo nhau chạy ra hướng Lâm Xuân, Nhĩ Hạ. Không ngờ vừa ra khỏi Mai Xá thì gặp lực lượng địch phục kích sẵn, bắn xối xã vào chúng tôi, chúng tôi chạy ngược về Mai Xá và lạc nhau mỗi người mỗi ngã. Tôi vào làng chạy vào hết nhà này sang nhà khác, nhưng không còn gặp một ai, có lẽ bà con đã xuống hầm tránh đạn hết. Khi chạy ngang qua một căn nhà lá trống trải, thấy có bà cụ già khoảng trên dưới 60 tuổi, ăn mặc rách rưới, đang ngồi trước cửa tôi mừng quá chạy vào nhờ cụ giúp đỡ chỉ cho chỗ ẩn núp để tránh giặc! Cụ bảo, nhà tôi trống trải không có chỗ nào ẩn núp được đâu, con tôi nó cũng chạy hết từ sáng rồi! Tôi năn nỉ: bốn phía đều có địch bao vây, không thể chạy đi đâu được nữa, mẹ cho núp ở đâu đây trong nhà hoặc núp dưới bàn thờ cũng được, nhà mẹ trống trải thế này chúng không lục soát đâu!
Suy nghĩ một lát bà cụ bảo tôi theo cụ ra góc sân có bụi chuối, ở giữa bụi chuối có cái hầm nhỏ để tránh đạn pháo địch đã sập đất, chỉ còn mấy cây gỗ gác bên trên. Cụ bảo tôi nằm xuống hầm, rồi ôm củi sim đang phơi đầy sân phủ kín lên nắp hầm liền với số củi sim đang phơi ở trên sân, xong cụ vừa trở vào nhà, thì đã nghe tiếng địch gọi nhau ơi ới, tiếng chân giẫm lên đám củi sim lạo xạo và tiếng gà kêu oang oác, có lẽ bọn lính đang đuổi bắt đàn gà ở gần đâu đó, may mà đàn gà không chạy vào bụi chuối, nên tôi thoát chết.

Sau trận càn lớn này địch đóng thêm đồn Gia Độ và đồn Mai Xá.

4. Nằm trong tầm pháo:

Thời gian địch đóng thêm đồn Gia Độ và đồn Mai Xá, hai xã Phong Đăng và Phong Gia nằm trong thế bị địch bao vây bốn phía. Bọn Tề lưu vong bắt đầu trở về hoạt động công khai. Cán bộ và du kích xã bắt đầu thoát ly, chuyển cơ quan vào đóng tại thôn Linh Yên phía bên kia đường Cửa Việt và chuyển hướng công tác vào ban đêm.
Một buổi sáng vào khoảng 9 giờ được tin báo một đoàn xe cơ giới đổ quân xuống thôn Mỹ Lộc, Duy Phiên, đang tiến về phía Long Quang, Linh Yên. Thu dấu tài liệu xong, chúng tôi cùng đồng bào chạy vào hướng Hải Lăng, thì gặp bọn địch từ Thi Ông, Ngô Xá chặn đường ở Linh Chiểu, Chợ Cạn. Bị bít cả hai đầu, đoàn người chạy giặc buộc phải băng qua bãi cát trống chạy về phía biển, bất chấp chiếc đầm già đang quần lượn trên đầu. Phát hiện được đoàn người, chiếc máy may đầm già đuổi theo, lượn quanh mấy vòng rồi bắn pháo hiệu gọi pháo binh bắn chặn tới tấp. Tôi liều mạng vừa bò, lăn, vừa chạy, đến cách thôn Gia Đẳng khoảng 200-300 mét thì pháo bắn cấp tập, không thể chạy được nữa, tôi lăn vào một động cát moi một hàm ếch nằm xuống tránh đạn, pháo nổ dồn dập trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái, may nhờ các động cát che chở và các cánh quân địch cũng tập kết ở chợ Cạn rồi rút theo đường Qui Thiện về thị xã, không ra thôn Gia Đẳng nên tôi đã thoát nạn.

5. Gặp địch phục kícH:

Tuy cơ quan chính quyền và các đoàn thể đã dời ra khỏi xã, nhưng đêm nào cán bộ và du kích cũng vượt đường Cửa Việt trở về hoạt động.
Một đêm tháng 3 năm 1948 vào khoảng 9 giờ đêm chúng tôi gồm có 7 cán bộ và du kích về đến thôn Xuân Thành, đi qua một con đập người ta đắp để đơm cá, thì gặp dịch phục kích ở bìa làng Xuân Thành bắn ra xối xả, chúng tôi nhảy xuống đầm nước, mạnh ai nấy chạy về phía thôn Giáo Liêm. Khoảng12 giờ đêm mới gặp nhau đông đủ tại một điểm tập kết đã quy định, chỉ thiếu anh Nguyễn Hẹ, một du kích dẫn đường đã bị địch bắn chết ngay từ loạt đoạn đầu. Sáng hôm sau nhân dân đã tìm được thi hài và chôn cất tử tế.

6. Bị kẹt giữa Vạn đò:

Một hôm một số cán bộ và du kích xã về hoạt động ở thôn Gia Độ. Khoảng hai giờ sáng anh em rút về Linh Yên bên kia đường Cửa Việt, tôi ngủ lại tại nhà ông Hồ Khoa ở Gia Độ để sáng hôm sau xuống gặp bà con Vạn đò ngã ba Gia Độ sơ tán tại bãi Cồn Nôông, giáp địa phận thôn Xuân Thành và Duy Phiên. Anh Thái đại biểu Hội đồng Nhân dân xã triệu tập một số quần chúng tốt tập trung trên một chiếc thuyền đậu giữa Vạn đò để nghe tôi phổ biến một số tình hình và nhiệm vụ mới.
Vào khoảng 9 giờ sáng bỗng có hai chiếc ca nô địch xuất hiện từ phía ngã ba Gia Độ chạy về hướng Cồn Nông. Bà con xôn xao ai về thuyền nấy, vì bọn lính tuần tiểu trên sông, thỉnh thoảng ghé vào Vạn đò kiểm tra bắt nạt để cướp tôm cá của dân.
Anh Thái gọi một chiếc Tròng Ngao do một phụ nữ chèo bảo đưa tôi vào Bãi Sa- Gia Độ để tránh giặc. Tôi bước xuống Tròng và bảo chị lái đò không chèo vào bờ, mà chèo ngược lên hướng hai chiếc ca nô. Chị lái đò bảo tôi năm sát xuống tròng và đậy chiếc sạp lên người tôi, chị đứng lên trên sạp chèo ngược về phía hai chiếc ca nô đang đi tới.
Vừa sợ nhưng cũng rất buồn cười, vì khi đậy chiếc sạp lên người tôi thì cái đầu tôi bị kê chiếc sạp lên, làm chị không thể đứng lên sạp để chèo được, buộc tôi phải để đầu ra ngoài sạp, vì phải nằm ngửa nên tôi nhìn rất rõ nét mặt lo sợ của chị ta. Nhưng rồi chị ta cũng nhanh trí lấy chiếc nón đang đội trên đầu ném úp lên mặt tôi và bình tĩnh chèo tròng thẳng về hướng địch.
Bọn địch hình như cũng muốn trêu ghẹo chị ta nên cho hai chiếc ca nô chạy kèm hai bên, mỗi bên chỉ cách chiếc tròng ngao khoảng 5-6 mét làm cho chiếc tròng ngao chòng chành chao đảo dữ dội, tôi có cảm giác như chiếc tròng ngao sắp bị lật. Bọn giặc không ngờ rằng trên chiếc tròng nhỏ bé ấy lại có một tên Việt minh gan dạ đang qua mặt chúng, nên đã cho ca nô chạy thẳng về phía Cửa Việt, và chiếc tròng ngao cũng thong thả ghé vào thôn Gia Độ, đưa tôi lên bờ thoát chết.

7. Chạm trán quân thù:

Đầu năm 1948, khoảng tháng 2 âm lịch có hai anh bộ đội địa phương mang thư Huyện ủy ra triệu tập tôi về huyện họp gấp. Hôm đó đang mùa mưa dầm gió Bấc, lại nhằm ngày chủ nhật, chúng tôi nhận định có thể địch không hoạt động nên quyết định vượt đường Cửa Việt ban ngày (thông thường thì lợi dụng vượt đường vào khoảng chập choạng tối).
Khoảng 10 giờ sáng tôi và hai đồng chí bộ đội bắt đầu xuất phát tại thôn Phú Tài, đi đến giữa cánh đồng giáp ranh với thôn Hiền Lương, bỗng thấy một toán địch xuất hiện từ thôn Dương Lộc, băng qua cánh đồng đi về phía chúng tôi, chúng tôi phán đoán có lẽ bọn Hương vệ Nhu Lý đi xem lễ ở nhà thờ Dương Lộc trở về và khoảng cách giữa ta và địch quá gần, nên bảo nhau cứ đi tự nhiên, khi nào chúng gọi hoặc bắn thì mới chạy! Khi địch cách chúng tôi chỉ còn một đám ruộng nước hơi sâu không lội sang được, chúng dừng lại trên bờ ruộng và gọi chúng tôi đứng lại. Đang đi trên đường, ba anh em chúng tôi đều nhảy xuống ruộng chạy dạt ra thành hàng ngang, mỗi người cách nhau khoảng 5-6 mét để phân tán mục tiêu và địch cũng bắt đầu nổ súng bắn đuổi theo chúng tôi. Đạn bay vèo vèo trên đầu, dưới chân, sau lưng, trước mặt. Cũng may là bọn Hương vệ không có súng máy, nên cả 3 anh em đều chạy thoát được vào thôn Hiền Lương. Chạy đến bãi tha ma gần bìa làng, thì tối tăm mặt mũi không còn chạy được nữa, mỗi người lăn vào cạnh một ngôi mộ nằm bất tỉnh.
Một lúc sau tiếng súng im lặng, chúng tôi dần dần tỉnh lại gọi nhau. Tôi và một anh đội viên ngồi dậy được, còn anh tiểu đội trưởng có mang theo khẩu súng thì nằm bất động. Chúng tôi đến gọi anh dậy để đi tiếp, nhưng anh không dậy được nữa, hai mắt nhắm nghiền, máu ra lênh láng, anh bị một viên đạn xuyên qua lồng ngực và đã hy sinh!
Ngồi với anh đứa nào cũng khóc! Cuối cùng chúng tôi bồng anh để xuống một cái ao (hào) cạnh lũy tre làng rồi cùng nhau trở về huyện báo tin!

Tối hôm đó Huyện đội cử một tiểu đội ra thôn Hiền Lương cùng với nhân dân chôn cất anh tử tế.

8 . Bị đạn pháo địch bắn đuổi:

Một buổi sáng tôi về thôn Đại Hòa, tổ chức họp mặt các cụ phụ lão để phát động phong trào quần chúng thực hiện khẩu hiệu 3 không (Không biết, không nghe, không thấy).
Đang họp thì có tin báo địch ở đồn Đại Hào sang. Cuộc họp giải tán, đồng bào ai về nhà nấy, tôi và một số cán bộ định rút về phía Hiền Lương, Quảng Điền. Vừa ra khỏi thôn Đại Hào khoảng 150 m thì địch phát hiện được, tập trung các loại súng bắn theo chúng tôi. Giữa cánh đồng trống trải, đoàn cán bộ chúng tôi chỉ có 4-5 người nhưng chạy cách xa nhau mỗi người một ngả để phân tán mục tiêu. Bỗng một quả đạn pháo nổ phía sau tôi rất gần, tôi có cảm giác lưng tôi hơi bị tê nhức, nhưng không nghĩ là mình đã trúng đạn, nên vẫn tích cực chạy.
Về đến thôn Hiền Lương, thì tiếng súng cũng bắt đầu im lặng. Tôi vào một nhà dân xin nước uống, người nhà phát hiện bảo: Anh bị thương rồi! Tôi sờ tay về phía lưng thì máu dính đầy tay, lúc đó mới cảm thấy đau nhức khó chịu. Bà con gọi cô y tá ở gần đó, đến băng bó vết thương cho tôi và đã lấy ra 5-6 mảnh đạn pháo bằng hạt bắp hạt đậu, may mà các mảnh đạn còn bám ở phần mềm chưa xuyên vào lồng ngực.

9. Giữa đường gặp nạn:

Cuối năm 1949 Huyện ủy cử đoàn cán bộ đi dự Hội nghi tôn giáo do Khu ủy triệu tâp họp tại Thanh Chương- Nghệ An.
Đoàn gồm 5 người do một Huyện ủy viên phụ trách, một cán bộ huyện ủy và ba bí thư Đảng ủy xã. Bắt đầu xuất phát tại Trấm vào ngày 28 Tết âm lịch. Ra đến Quảng Bình thì tôi bị đau mắt, đến Liên U - Ba Rền vào chiều 30 Tết. Chúng tôi quyết định nghỉ lại dưỡng sức để sáng mai vượt đèo. Vì không biết phong tục tập quán ở đây thế nào, nên không dám vào nhà dân, cùng nhau nằm ở vệ đường để nghỉ! Sáng ngày mồng một, hai mắt tôi bị sưng vù, nhắm tít, không còn thấy rõ đường sá! Vì đường còn xa núi non hiểm trở nên anh em rất lúng túng, bỗng có mấy người dân đi chúc tết sớm, thấy chúng tôi đang ngồi ở vệ đường bà con ghé lại hỏi chuyện, biết chúng tôi là cán bộ trên đường gặp khó khăn, nên đã dẫn chúng tôi vào một nhà dân gần đó, được gia đình đón tiếp và cho ăn uống tử tế và bà con đề nghị nên để tôi ở lại vì đường còn xa phải đi mất mấy ngày đường nữa, lại phải vượt qua nhiều đèo núi, khe suối, lỡ có chuyện gì giữa rừng núi thì rất khó khăn! Nhưng ở lại đây cũng rất nguy hiểm, vì bọn địch ở Hòa Luật Nam và Ngã ba Chè thường bắn pháo và phục kích dưới chân đèo để rình bắt Việt minh, nên đồng chí trưởng đoàn quyết định tôi phải trở lại Dương Phao thuộc huyện Vĩnh Linh giáp giới Quảng Bình nghỉ lại, đợi lành mắt mới trở về và nhờ bà con dẫn đồng chí trưởng đoàn đi gặp xã đội địa phương, xin một dân quân đưa tôi trở lại Dương Phao. Về đến Dương Phao trời vừa tối, anh dân quân Quảng Bình phải tìm đến nhà một cán bộ Ủy ban xã để bàn giao và Ủy ban xã đã gởi tôi nghỉ lại một nhà dân.
Ở đây tôi được bà con chăm sóc rất chu đáo và đã tìm thầy chữa mắt cho tôi. Khoảng một tuần lễ sau mắt tôi dần dần sáng lại và từ giã bà con trở về địa phương. Công ơn này biết bao giờ tôi mới trả được.

10. Vượt đường số Một:
Tháng 6 năm 1950 là Bí thư Đảng bộ, tôi đi theo đoàn dân công xã gánh thóc thuế nông nghiệp lên chiến khu. Đoàn gồm trên 50 dân công và một tổ du kích dẫn đường.
Đoàn xuất phát từ 7 giờ tối đến Đâu kênh, vì phải đợi nước ròng mới lội sang sông Thạch Hãn được, nên phải gần 4 giờ sáng mới đến Trấm, giao lương xong, đoàn dân công phải về Tràu (Triệu Sơn) nghỉ lại đợi đến tối mới vượt đường số Một trở về địa phương. Vào khoảng 8 giờ tối, chuẩn bị qua đường, đoàn đi theo hàng dọc, khoảng cách từ 3-4 mét, người sau phải nhìn lưng người trước để khỏi lạc. Đến gần đường sắt cách quốc lộ khoảng một cây số, thì gặp tổ phục kích của địch bắn xối xả, đoàn người chạy tán loạn, mải đến 12 giờ đêm anh chị em mới gặp nhau đông đủ tại địa điểm tập kết đã định trước và khoảng 2 giờ sáng đoàn dân công lại tiếp tục vượt đường, vượt sông trở về xã an toàn. Trong trận này một dân công đã hy sinh tại chỗ là anh Đạt người thôn Thanh Liêm và một vài người khác bị thương nhẹ.

11. Bị đốt dưới hầm bí mật:

Năm 1953 bộ đội địa phương huyện có hai nhiệm vụ: vừa tập trung phối hợp đánh các trận tập kích lớn vào các đồn bót địch, vừa phân tán xây dựng và phát triển lực lượng dân quân du kích khắp các xã trong toàn huyện. Một hôm tôi về kiểm tra một tiểu đội bộ đội địa phương đang hoạt động ở thôn Đạo Đầu. Sáng hôm sau được tin báo có một đơn vị quân địch từ thôn Ngô Xá đang tiến sang Đạo Đầu. Tôi cùng với tiểu đội bộ đội địa phương và một số du kích triển khai bố trí lực lượng dọc hào giao thông về hướng Ngô Xá với mục đích bắn chặn tiêu hao địch rồi rút xuống hầm bí mật tại chỗ.
Khi địch tiếp cận, vì lực lượng địch đông lại có máy bay đầm già yểm trợ, nên quân ta chỉ bắn vài loạt súng trường rồi rút xuống hầm bí mật. Tôi xuống hầm trong một nhà dân đã được bố trí sẵn, lúc đó chỉ có một bà cụ già khoảng gần 60 tuổi ở nhà. Bà cụ nghi trang hầm cho tôi vừa xong, chỉ một lát sau thì địch vào làng, chúng lục soát bắn phá và đốt một số nhà dân. Ngồi dưới hầm tôi nghe rõ tiếng địch la hét, tiếng dân kêu khóc, tiếng lửa cháy rần rần và tiếng tre nổ lốp bốp. Nhà tôi đang ẩn núp cũng bị đốt, nhiệt độ trong hầm càng lúc càng tăng, nhất là lúc nhà bị sập, khói lùa vào lỗ thông hơi. Người tôi vừa nóng vừa ngạt thở, tưởng như sắp chết, muốn nhảy ra khỏi hầm, nhưng lại sợ địch còn ở bên trên. Thỉnh thoảng tôi nghe có tiếng xèo xèo trên miệng hầm, tôi đoán có người đang dội nước cứu tôi, nhưng mỗi lần có tiếng dội nước bên trên thì sức nóng dưới hầm tăng lên, rất khó thở. Mãi đến một giờ chiều, nắp hầm mới được dỡ lên, tôi nhảy lên hầm chạy qua đám lửa, ra đến giữa sân thì té xỉu, không còn biết gì nữa.
Mãi đến nửa đêm tôi mới dần dần tỉnh dậy và thấy bà cụ già đã cứu tôi đang ngồi cạnh với bát cháo đậu xanh, bà cụ vừa khóc vừa nói: Chúng đốt nhà tôi không sợ, mà chỉ sợ anh chết! Tôi muốn dỡ hầm cứu anh, nhưng lại sợ chúng bắt anh! May mà anh còn sống, phúc đức lắm anh ơi. Tôi đã khóc theo bà cụ và vô cùng cảm động trước tấm lòng của một người dân chưa một lần quen biết đã hy sinh vì nghĩa lớn.

12. Bị xăm hầm bí mật :

Đầu năm 1954, tôi về công tác tại thôn Vĩnh Huề ở gần đồn Cửa Việt nhằm củng cố lực lượng dân quân du kích và phát động phong trào bất hợp tác với địch.
Một hôm đang họp với anh em du kích và một số cơ sở quần chúng, thì được tin từ Cửa Việt báo: sáng mai địch càn từ Cửa Việt vào Hải Lăng. Họp xong tôi mời anh em cán bộ ở lại để bàn biện pháp đối phó với trận càn ngày mai. Không ngờ từ khi địch tập trung Hội tề về đồn Cửa Việt, mỗi khi được tin giặc càn thì cán bộ du kích Vĩnh Huề đều rút vào thôn Cửa Việt dựa vào dân để tránh địch. Hôm đó anh em đề nghị tôi cùng đi với anh em ra Cửa Việt để đảm bảo an toàn hơn. Tôi nghĩ là cán bộ chỉ huy Huyện đội, xuống cơ sở phát động phong trào chiến tranh du kích, nghe địch càn lại chạy vào đồn địch trốn, thì sẽ nói với bà con như thế nào! Tôi yêu cầu cán bộ và du kích ở lại chống càn xong rút xuống hầm bí mật. Nhưng anh em đều không nhất trí với lý do, ta chỉ bắn năm ba phát súng cũng không cản được địch, mà chỉ tạo cớ cho địch tàn sát nhân dân, và đề nghị tôi nên cùng anh em vào Cửa Việt tránh giặc để bảo vệ dân.
Tôi kiên quyết ở lại một mình, cuối cùng đồng chí Thôn đội trưởng dẫn tôi về nhà chỉ hầm bí mật và bảo nếu mai địch vào làng thì anh xuống hầm để tránh. Tôi kiểm tra hầm bí mật xong, yên trí lên giường nằm ngủ và sáng hôm sau tôi dậy sớm đi quan sát tình hình. Vĩnh Huề là một thôn nhỏ ít dân, tôi đi quanh khắp mọi nơi, thôn xóm vẫn yên tĩnh và vắng vẻ không thấy bóng một thanh niên hay cán bộ, mà chỉ gặp các cụ phụ lão và một số phụ nữ có con mọn ở nhà (vợ đồng chí thôn đội trưởng cũng có con mọn ở nhà) gặp tôi ai cũng bảo địch càn sao anh không tránh! Tôi mỉm cười và bảo: biết nó có càn không mà tránh.
Khoảng 8 giờ 30 sáng tôi trèo lên một cây cao phía rìa làng quan sát thì thấy địch xuất hiện, chúng tiến hàng ngang băng qua các bãi cát trống bao vây Vĩnh Huề từ phía Cửa Việt vào và Long Quang xuống, chỉ còn phía Gia Đẳng còn bỏ ngỏ.
Địch bắt đầu nổ súng tôi chạy về nhà đồng chí Thôn đội trưởng xuống hầm và dặn vợ đồng chí Thôn đội nghi trang xong cứ bồng con ngồi ở nhà không đi đâu cả.
Khoảng sau vài chục phút tôi nghe thấy tiếng lính gọi nhau í ới và tiếng thuổng xăm hầm thình thịch. Hầm tôi ẩn tránh ở trong nhà, nhưng lỗ thông hơi thì ra phía ngoài hè. Hầm và lỗ thông hơi đều phải xây và chắn bằng gạch để chống cát sập. Đang ngồi đưới hầm bỗng nghe một tiếng cạch và viên gạch che lỗ thông hơi bị lật, cát chảy xuống hầm, tôi nghĩ là địch đã xăm trúng hầm, thế nào cũng bị bắt và đã bắt dưới hầm bí mật thì thế nào cũng bị bắn. Tôi tự bảo kiên quyết không để địch bắt và lấy quả lựu đạn mang theo, rút chốt an toàn cầm ở tay, địch gọi không lên, chờ chúng mở nắp hầm sẽ ném lựu đạn lên và giẫm lên xác giặc mà chạy, may ra còn có đường thoát! Bỗng nhiên nghe tiếng la khóc của chị vợ đồng chí Thôn đội và tiếng chân chạy thình thịch trên nhà. Tiếng la khóc xa dần, xa dần cho đến khi không còn nghe tiếng và tình hình trên mặt đất cũng dần dần yên lặng. Khoảng 30 phút sau chị dỡ nắp hầm gọi tôi lên vì địch đã đi xa, chị bồng con đứng nhìn tôi với nét mặt buồn rầu đau khổ.
Tôi hỏi: Bọn chúng đánh chị đau lắm phải không? Ngồi dưới hầm tôi nghĩ chắc chị bị tra tấn dã man và bắt đi cả mẹ lẫn con! Không ngờ chị còn sống. Chị chủ nhà vừa nói vưa rưng rưng nước mắt: Hai tên lính vào nhà hỏi tôi nhà có hầm bí mật không? Tôi trả lời không có, chúng nó bắt đầu xăm hầm. Sợ quá, tôi định bồng con đi khỏi nhà, nhưng khi ra giữa sân tôi nghĩ nếu bỏ đi, chúng nó nghi sẽ tìm hầm tích cực và thế nào anh cũng bị bắt nên tôi ngồi lại ở cửa, nghĩ cách cứu anh, vì nếu anh bị bắt trong nhà thì mẹ con tôi cũng bị chúng giết. Tôi nhớ trong túi yếm của tôi có 400 đồng bạc Đông Dương vừa bán cá hôm qua, bèn lấy ra giả vờ vừa cho con bú vừa đếm bạc. Bỗng một tên lính Pháp đi qua, nó nhìn tôi một lúc rồi xông vào cướp nắm tiền trên tay tôi rồi bỏ chạy. Tôi bồng con đuổi theo nó, vừa chạy vừa la khóc vừa kêu cứu. Mấy tên lính đang xăm hầm đứng nhìn ngơ ngác rồi bỏ chạy theo tên Pháp, bọn lính khác cũng lần lượt kéo ra khỏi làng, đợi chúng đi xa tôi mới dám trở về gọi anh lên, rất mừng là anh không bị bắt! Đúng là chị đã cứu tôi thoát chết.
Tối hôm đó, tôi cho triệu tập đồng bào và cán bộ đến họp để kiểm điểm tinh thần chống càn của nhân dân. Sau khi nghe tôi báo cáo tình hình, bà con đã động viên nhau đóng góp đủ số tiền bị địch cướp để giúp đỡ gia đình đồng chí Thôn đội đỡ bớt khó khăn. Đây là một sự hy sinh cao cả và một hành động mưu trí dũng cảm của một người dân bình thường đối với đất nước. Bọn cướp nước làm sao hiểu nổi.

13. Hai lần suýt chết trong đồn giặc:

Đầu năm 1953 bộ đội địa phương Huyện phối hợp với D- 230 tỉnh tổ chức đánh đồn Phú Tài. Tổ đột phá khẩu vừa cắt xong ba lớp rào kẽm, vừa vào đến sân đồn chưa kịp hành động thì gặp tổ tuần tra của địch phát hiện, chúng bắn pháo hiệu kêu cứu viện và hai bên bắt đầu nổ súng bắn nhau, nhưng chỉ một lát sau thì pháo ở Thị xã Quảng Trị, ở Đông Hà và Cửa Việt bắn cấp tập vào trận địa, quân ta không tổ chức xung phong được, buộc phải rút lui trong tầm pháo và bị hy sinh gần một tiểu đội. Tôi cũng nằm trong vùng lửa, rất may là không trúng đạn.
Cuối năm 1953 bộ đội địa phương Huyện phối hợp với bộ đội chủ lực tỉnh đánh đồn Linh Chiểu. Khi tổ đặc công diệt xong Sở chỉ huy và các hỏa điểm phòng ngự của địch, bộ đội lập tức xung phong chiếm đồn, bọn địch hoàn toàn tê liệt, chỉ còn một vài tiếng súng và lựu đạn nổ lẻ tẻ không hiểu của quân ta hay quân địch bắn. Tôi vào ngay Sở chỉ huy, căn phòng vẫn trống trải và im lặng, quét đèn pin xem xét bốn phía thấy bên cạnh có một phòng ngủ, hai vợ chồng tên đồn trưởng đang nằm chết ở trên giường. Tôi bước vào phòng đến đầu giường đang loay hoay tìm khẩu súng ngắn, bỗng nghe tiếng lựu đạn nổ ở phòng ngoài, không hiểu của địch hay của ta, mảnh đạn bay xuyên cả vào phòng tôi đang đứng, may mà mảnh đạn xuyên qua tấm ván ngăn phòng đã yếu đi, nên tôi không chết.
Trận này ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ binh lính trong đồn. Khi rút lui ta cho một tổ phóng hỏa đốt đồn và khi pháo địch bắn chi viện thì quân ta đã tập kết về Gia Đẳng toàn vẹn, không một ai bị chết hoặc bị thương.

14. Bị bom trên đường đi công táC:

Trong chiến dịch ném bom miền Bắc, máy bay địch tích cực săn lùng các đoàn xe vận tải, hòng cắt đứt viện trợ của hậu phương cho tiền tuyến. Con đường số Một bị máy bay địch tập kích bắn phá thường xuyên. Một hôm tôi đi công tác ở miền Trung về bằng xe đạp, đến địa phận tỉnh Ninh Bình bỗng nghe tiếng máy bay, vừa nhìn lên trời đã thấy một phi đội phản lực bay lượn trên đầu. Ba chiếc phản lực đang bay về hướng Hà Nội, bỗng quay lại lượn mấy vòng rồi thay nhau bổ nhào cắt bom xuống mặt đất. Không kịp tìm chỗ ẩn tránh, tôi ném chiếc xe xuống vệ đường rồi lăn ngay xuống ruộng. Quả bom rơi gần chỗ tôi nằm, nhưng đều nổ ở bên kia đường, có một quả nổ ngay trên mặt đường, nhưng vì tôi nằm dưới ruộng nên mảnh đạn chỉ bay qua người và tôi không chết.

15. Qua cầu gặp địch:

Một hôm tôi làm việc ở nông trường Bãi Trành ở Thanh Hóa xong, lúc trở về Hà Nội, ra khỏi nông trường khoảng 2 cây số thì gặp một chiếc cầu. Người ta đã dỡ hết mặt cầu để đánh lừa máy bay địch, ban đêm người ta ráp mặt cầu cho xe qua, ban ngày thì tháo dỡ đem đi dấu, chỉ gác lại mỗi vì cầu một tấm ván cho người đi bộ. Tôi vác xe đạp trên vai rồi đi qua cầu. Trên chiếc xe đạp có chiếc ba lô quần áo và đồ dùng hơi nặng, nên qua khỏi vì cầu thứ nhất đến vì cầu thứ hai vừa đi được mấy bước, thì tấm ván quá mỏng nhún lên nhún xuống không bước tiếp được nữa, muốn trở lại cũng không dỡ chân lên được đành phải đứng im tại chỗ, chờ gặp người giúp đỡ. May sao có hai người đi đến, một người ra đỡ chiếc xe đạp và dắt tôi trở lại. Nhưng vừa ra khỏi cầu đang đứng nói chuyện thì có hai chiếc máy bay đến ném bom. Chúng tôi chỉ kịp lăn xuống mố cầu thì hai quả bom đã nổ liên tiếp ở giữa cầu, có lẽ chúng thấy mục tiêu đã bị phá hủy, nên chỉ ném một loạt bom rồi bay thẳng nên cả ba chúng tôi đều thoát chết.

16. Chìm cầu giữa sông:

Thời gian địch ném bom ác liệt nhất, mọi sinh hoạt trên đường số Một đều chuyển về ban đêm. Một lần tôi đi công tác ở Nghệ Tĩnh về đến Thanh Hóa thì trời sáng phải nghỉ lại một nhà dân ở huyện Hoàng Hóa, chờ đến tối mới tiếp tục đi, đến cầu Họ Ninh Bình vào khoảng 8 giờ đêm. Cầu Họ ban đêm chỉ dành riêng cho xe cơ giới, người đi bộ và xe đạp phải qua sông bằng cầu phao về phía hữu ngạn, cách cầu chính khoảng 500 mét. Trên bến cầu phao lúc đó người và xe đạp ùn lại rất đông, ai cũng muốn tranh thủ qua cầu trước để tránh nguy hiểm, nên đoàn người chen chúc nhau xuống cầu, bất chấp cả sự điều khiển của Ban quản lý cầu, tôi cũng nằm trong số đó. Khi ra đến một phần ba cầu, vì chiếc cầu quá tải nên chìm dần, một số người đã rơi xuống sông kêu la inh ỏi, lúc đó muốn trở lại vào bờ cũng không được! Khi chỗ tôi đứng nước đã lên quá đầu gối, tôi liền buông chiếc xe đạp và nhảy xuống sông bơi trở lại vào bờ và tìm đến Ban quản lý cầu, yêu cầu giúp đỡ. Nhưng mãi đến gần 2 giờ sáng, khi mọi người đã qua cầu hết, Ban quản lý cầu mới cho người lặn xuống sông tìm được chiếc xe đạp, tôi mới có phương tiện tiếp tục qua cầu trở về Hà Nội.

17. Nằm giữa tọa độ chết:

Phủ Qùi thuộc tỉnh Nghệ An là một vùng kinh tế chiến lược, gồm có 2 nông trường quốc doanh, 3 nông trường quân đội, một nhà máy cơ khí trung đại tu và một thị trấn khoảng trên dưới hai vạn dân. Do đó nên Phủ Quì là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến dịch ném bom phá hoại miền Bắc của địch, máy bay phản lực hết phi đội này đến phi đội khác bắn phá suốt ngày đêm, càn đi quét lại, băm nát con đường 48 từ ngã ba Diễn Châu đi Phủ Quì giáp biên giới Lào, các cơ sở nông trường và nhà máy trở thành những đống gạch vụn, nhiều vườn cây bị bom đạn cày xới, sản xuất bị đình trệ, đời sống cán bộ và công nhân bị uy hiếp, các cơ sở sản xuất mất liên lạc với trung ương.
Trước tình hình đó, giữa năm 1965, Bộ cử 3 cán bộ trong đó có tôi vào Phủ Quì cùng với địa phương thành lập Ban đại diện thay mặt Bộ giải quyết khó khăn tại chỗ. Ban đại diện đóng giữa một vườn cà phê cạnh một đội sản xuất, tại nông trường Đông Hiếu. Một hôm khoảng 11 giờ đêm tôi đang ngủ bỗng nghe bom nổ phía nông trường 3 tháng 2. Tất cả anh em cán bộ cơ quan đều thức dậy chạy ra sân quan sát tình hình, thấy nơi máy bay địch đang bắn phá cách cơ quan đại diện đang ở khoảng 10 cây số, nên chủ quan mọi người đều vào lán ngủ tiếp. Chỉ một lát sau vừa nghe tiếng máy bay đồng thời với hai quả bom nổ liên tiếp tại đội sản xuất sát cạnh chúng tôi đang ngủ. Tiếp theo là tiếng kêu khóc thảm thiết. Chúng tôi đều chạy sang đội sản xuất chỗ vừa bị ném bom thì thấy một số lán trại bị sụp đổ, một số người chết và nhiều người bị thương. Anh em chúng tôi cùng với cán bộ nông trường phân công nhau đi điều động công nhân ở các đội sản xuất khác đến giải quyết hậu quả, mãi đến 9-10 giờ sáng mới xong. Khi trở về lán, tôi thấy ở chỗ tôi nằm có nhiều mảnh bom xuyên qua chiếc phản lá cạnh giường, tôi ngồi vào giường ướm thử, có một số mảnh bom xuyên qua phên có tầm ngang đầu ngang ngực, may mà lúc đó tôi đang nằm ngủ, nếu còn thức thì đã mất mạng.

còn tiếp...


Không có nhận xét nào: