Thứ Năm, 5 tháng 7, 2007

Chùm thơ Hồ Xuân Lai




thơ Hồ Xuân Lai



THU SANG


Mặt trời lặn xuống lũy tre
Khói lam phủ nhoè trên bến
Vườn sau gió thổi phất phơ
Lá vàng rơi đầy bờ giếng
Trời cao xanh nhoà nước biển
Chòm sao bừng thức lung linh
Hơi sương mỏng hơn tờ giấy
Giật mình lòng như bỗng thấy
Thu sang rồi đấy, thu sang.



NHƯ LỜI THỀ NGUYỆN

Tuổi già nhớ cảnh làng quê
Như con chim muốn bay về điền viên
Như tình yêu muốn trao duyên
Như lời nhân ngãi thệ nguyền tâm linh
Nước non sơn thuỷ hữu tình
Chim ơi dang cánh thoả tình lượn bay
Dù còn gian khổ đắng cay
Đã đa mang ắt có ngày gặp nhau।




NHỚ NHỮNG NGÀY GIAN KHỔ

Gặp nhau lại nhớ Cổ Thành
Nhớ sông Thạch Hãn, nhớ ghềnh Thác Lo
Nhớ Triệu, Hải, nhớ Cam, Gio*
Ngày đầu giặc chiếm phải lo chống càn
Mặc cho khói lửa ngập tràn
Đồng xanh máu nhuộm, sẵn sàng hy sinh
Nhớ đường 9, nhớ Khe Sanh
Nam Đông, Mỹ Chánh ta giành thắng to
Giặc thua giặc chạy co giò
Quân ta thắng trận reo hò hăng say
Gặp nhau nhớ lại những ngày
Chiến tranh gian khổ vẫn say bạn bè.



TẤC LÒNG VỚI QUÊ

Quê hương Quảng Trị mỏi mòn trông
Nẫu cả tim gan đốm lửa hồng;
Làng xóm đông vui, đồng bát ngát
Bến đò rộn rã khách sang sông.


NHỚ CHIẾN KHU XƯA

Ba Lòng ơi
Bao năm rồi xa cách
Bao năm rồi thương nhớ mãi chiến khu
Nhớ những cánh rừng cây lá âm u
Thức suốt ngày đêm canh thù giữ nước
Những ngọn núi giăng giăng sau trước
Như tường thành ngăn bước xâm lăng;
Những bãi bồi ngô lúa lên xanh
Nuôi chiến khu suốt bao mùa chiến dịch.
Nhớ con suối những chiều ra tắm giặt
Bàn chân giẫm phải rêu trơn
Ngã lăn theo những hòn đá cuội,
Nghe La La tuôn chảy nước nghiêng trôi
Nghe Thạch Hãn bần thần đá rịn mồ hôi;
Nghe thác Lo vẫn thường gây lo lắng
Xoáy ầm ào giữa đôi bờ lau trắng
Thuyền bè qua người phải lên bờ.
Nhớ đêm trăng dưới tán cây thưa
Mắc võng đòng đưa thả hồn theo gió
Hát say sưa bài “Tiến quân ca”;
Nhớ những đêm lạnh buốt xương da
Trong bóng tối từng đoàn quân ra trận
Rầm rập bước chân rừng Ba Lòng chuyển động.
Hành quân đêm
Dội khúc hành quân đêm
Các anh đi
Không kịp ghé thăm nhà,
không từ giã người thân
Các anh đi
điệp điệp trùng trùng
Vượt núi, xuyên rừng, băng qua khe suối
Nòng súng chong nghiêng
hướng thẳng tiền phương
Xốc tới!
Đêm không trăng sao
Đom đóm dẫn đường các anh ra trận
Cả chiến khu mòn đêm không ngủ
Thao thức chờ nghe tin súng nổ.
Sương mai chưa tan, rừng Ba Lòng bỗng rộ
Tiếng hoan hô bộ đội diệt đồn thù.

Nhớ Ba Lòng. Ta nhớ lắm… chiến khu!..




VỀ THĂM THÀNH CỔ

Anh em mình về thăm Thành cổ
Nhớ một thời gian khổ đã qua
Tám mốt ngày đêm chuyển rung lịch sử
Đạn bom gầm dậy đất quê ta.
Một thời xưa đã đi qua
Đêm nay phố Cổ lụa là bên nhau
Trăng e ấp nhìn đèn điện sáng
Nụ cười nghiêng duyên dáng trên môi.
Đẹp như Thạch Hãn sông trôi
Hiền như làn gió nói lời phi lao
Đêm Thành cổ trời cao lồng lộng
Ngàn sao gieo ánh sáng cho đời.
Đi bên em như đi trong mộng
Anh chạnh lòng- Thành cổ- bóng hình em.

Giới thiệu thơ Hồ XuânLai



TIẾNG TƠ
NGÂN TỪ CUỘC SỐNG

Thơ Hồ Xuân Lai là tiếng lòng của một người con luôn hướng về quê hương Quảng Trị, là tiếng lòng của một người cựu binh luôn hướng về những tháng ngày gian lao kháng chiến, hướng về đồng đội, đồng chí và đồng bào. Thơ ông dung dị, nhưng luôn là dòng chảy của cảm xúc về quê hương, đất nước, về Đảng, về Bác Hồ, về những người thân quen, ruột thịt. Ông làm thơ như là một nhu cầu luôn tiềm ẩn, và cũng có thể là đã tiềm ẩn rất lâu, nhưng mãi đến lúc nghỉ hưu mới bùng phát thành câu chữ.
Câu chữ trong thơ Hồ Xuân Lai không trau chuốt cầu kỳ, nhưng đôi lúc nó vẫn ánh lên lấp lánh bởi tình cảm mà ông gởi vào thơ. Đó là tình cảm của một người yêu thơ, biết nâng niu và chiu chắt từng chữ cho thơ, trong tất cả khả năng có thể của mình.

Tình anh ngày đợi đêm mong nhớ
Đeo đuổi cùng nhau suốt cuộc đời
Vương vấn tình thơ đâu đòi đoạn
Diết da nghĩa chữ dám buông rơi.

Thơ với Hồ Xuân Lai như là người bạn tình thủy chung cùng năm tháng. Thơ và người sóng bước bên nhau để cùng đi ngược về quá khứ, cùng đi trong hiện tại và đi tới tương lai. Đó là con đường của đời người, đời thơ, con đường của tình yêu mà Hồ Xuân Lai từng tâm sự:

Tình yêu như cành cây xanh lá
Tình yêu như tiếng chim rộn rã
Đừng để lá xanh rời cành tơi tả
Đừng để tiếng chim lẻ bạn kêu than
Đừng để tình yêu lỡ làng tan vỡ
Bởi tình yêu là chuyện đời muôn thuở
Có ai ra ngoài chiếc bóng của tình yêu.

Đúng như nhà Phật đã nói, người ta không ai ra được ngoài chiếc bóng của mình. Điều tâm niệm trong thơ Hồ Xuân Lai là tâm niệm của một con người muốn hết lòng vì con người, không màng tưởng tới danh lợi, không đòi hỏi cho riêng mình. Bởi vậy, ông biết rằng, với tuổi ngoài tám mươi, sống có ích là phải sống vì dân, vì nước, sống nêu gương cho con cháu.

Nhớ ơn người đi trước
Theo tổ tiên tiếp bước
Nguyện giữ trọn cuộc đời
Sống vì dân vì nước

Lão giả bất an chi
Với con cháu cùng đi
Đầu xanh bên đầu bạc
Gian khổ chẳng hề chi.

Vượt lên trên gian khổ, trước hết là phải biết vượt lên trên chính bản thân mình. Khẩu khí thơ Hồ Xuân Lai đôi khi chợt bùng sáng chỉ trong một vài câu ngắn gọn. Ngắn gọn nhưng lại gói chặt được những gì ông muốn biến thành thông điệp để gởi tới cho con người.
Năm 75 tuổi, tự cảm tác về mình, Hồ Xuân Lai đã viết:

Mới đó mà nay đã bảy lăm
Mà sao cứ ngỡ tuổi trăng rằm
Sức khỏe dồi dào ham thể dục
Tinh thần thanh thản thích thơ văn
Mới hay tuổi tác đâu quan trọng
Phương pháp dưỡng sinh mới thật cần.

Thơ như vậy là thơ của đời, của người, nó thiết thực với con người và với cuộc đời đến mức máu thịt. Hầu như tất cả các bài thơ của Hồ Xuân Lai đều gắn bó với cuộc sống rất thật của chính bản thân ông, cũng như của chính bản thân cuộc sống.
Về quê tảo mộ, bồi hồi cùng hương khói trước vong linh của cha mẹ, ông đã viết lên những dòng thơ rất thật.

Cây vững gốc thắm chồi xanh lá
Nước trong nguồn biển cả sông sâu
Chữ trung chữ hiếu làm đầu
Sống luôn tâm niệm vì đâu có mình

Với Hồ Xuân Lai, quê hương dường như là tất cả: là đời, là tình, là thơ, là thủy chung, là lao động, là cội nguồn, là ý tưởng chắp cánh cho chữ nghĩa bay lên cùng cảm thức. Chỉ một cánh chim lẻ loi trong trời chiều cũng khiến lòng ông nao nao xúc động.

Một mình đứng ngắm ráng mây chiều
Lẻ loi cánh nhạn dõi mắt theo
Ngàn dặm chim ơi, chim có đến
Cho ta nhắn gởi chút tình quê.

Chính tình quê đã dệt thành thi tứ cho thơ Hồ Xuân Lai, làm cho thơ Hồ Xuân Lai trở nên quen thuộc và gần gũi với chúng ta như chính cuộc sống của chúng ta.

Bìm bịp kêu chiều, văng vẳng bên sông
Nghe não nuột bao la ngàn nỗi nhớ
Khói lam chiều lững lờ trên mái rạ

Bến sông, tiếng chim bìm bịp và mái tranh xưa… gần gũi và dân dã dân gian biết mấy. Thơ Hồ Xuân Lai dường như được chắt ra từ gió Lào, nắng lửa của quê nhà, từ đất đá cằn cỗi của quê nhà, từ tình sâu nghĩa nặng mà quê nhà đã dành cho ông, và chính bản thân ông cũng từng đã sống hết mình cho quê nhà yêu dấu. Bởi dẫu sao đi nữa, quê nhà cũng là một góc của quê hương đất nước.
Và cũng chính vì thế, vì tất cả những gì mà ông yêu thương, trân trọng và chắt chiu gìn giữ, Hồ Xuân Lai đã viết, như là viết ca dao cho đời:

Dù cho lên thác xuống ghềnh
Giàu sang, nghèo đói, quê mình vẫn hơn

Thơ Hồ Xuân Lai rất giàu hình ảnh thôn quê, hình ảnh đời thường, và cũng vì thế, ông rất hay sử dụng từ ngữ dân gian, cách ví von, cách diễn đạt của dân gian. Đó là ý thức về nguồn cội, nhưng đồng thời, đó cũng là tình cảm của ông với cuộc sống mà ông từng gắn bó với tất cả máu thịt của đời mình. Chỉ chuyện mời trầu thôi, Hồ Xuân Lai cũng nâng lên thành thơ, thành chuyện nghĩa tình chung thủy.

Miếng trầu mời bạn trao tay
Dù mặn, dù lạt, dù cay, dù nồng
Dù chẳng nên vợ nên chồng
Cũng ăn một miếng cho lòng em say

Đến với thơ Hồ Xuân Lai chính là đến với cái tình mà ông chăm chút gởi vào từng câu chữ. Hãy đọc và hãy cảm thì sẽ yêu được cái tình ấy của thơ ông!

Nguyễn Nguyễn Bạch Liên

Chùm thơ Hồ Xuân Lai







NHỚ QUÊ
Vừa tỉnh giấc mơ
Gió thổi phất phơ
Cây rung xào xạc
Canh gà xao xác
Tưởng mình còn mê
Đêm dài lê thê
Nhớ quê da diết
Mong sao có dịp
Bay về thăm quê.



ĐI ĐÂU CŨNG MUỐN TRỞ VỀ

Quê tôi nghèo rớt mồng tơi
Bến xưa dòng cũ khi vơi khi đầy
Thay trâu nay có máy cày
Làng quê đã kéo đường dây điện về
Dẫu chưa sung túc đề huề
Làng trên xóm dưới bốn bề vang ca
Tôi là đứa con đi xa
Chẳng quên mùi vị mắm cà của quê
Đi đâu cũng muốn trở về
Vui cùng bè bạn lời thề tri âm।



CỬA TÙNG SÓNG

Sóng xô triều biển biếc
Lớp lớp dồn lên xô mải miết
Cửa Tùng em
Cát trắng níu chân anh
Đêm gọi gió
hàng thông say sưa hát
Trăng lung linh trên ngọn sóng bóng nhoà
Trong sương mờ cồn cỏ hiện xa xa
Cửa Tùng sóng, mãi vỗ bờ…
vỗ mãi…



XA QUÊ NẶNG MỘT LỜI THỀ

Xóm làng để lại từ đây
Ra đi là tiếp những ngày nhớ quê
Tiếng chim gởi lại bờ tre
Tiếng gà gởi lại bên hè cho ai
Nắng chiều gởi lại dặm dài
Vầng trăng gởi lại vạn chài tơ duyên
Bến sông gởi lại ghe thuyền
Vườn nhà gởi lại xóm giềng sớm hôm
Chỉ mang theo chút gió nồm
Khung trời kỷ niệm sớm hôm đi về.

Ra đi nặng một lời thề
Nước nhà tan giặc mới về quê hương!



CUỐI THU

Hoa bưởi rụng trắng sau vườn
Hương bay thơm lừng bờ giếng
Ngõ xóm gồ ghề thân thuộc
Hằn vết chân trâu đi về
Bầu trời bồng bềnh mây trắng
Quanh làng sương khói đê mê.


TA VẪN LÀ TA


Đường quê mát mẻ nắng lụa hong
Man mác hồn ta chạnh tấc lòng
Năm mươi năm lẻ đời xa xứ
Gặp lại tình quê bao nhớ mong…

Cha ta nằm đó giữa cánh đồng
Mẹ ta nằm đó giữa núi rừng
Em ta da thịt tìm đâu thấy
Hồn bay lang bạt khắp thinh không?..

Từ thuở xa quê đà quyết chí
Dù đời phiêu bạt với gian nan
Năm tháng qua đi cùng năm tháng
Ta vẫn là ta một tấm lòng!

Năm mươi năm lẻ dòng đời chảy
Đeo đẳng tình quê cháy cả lòng…




giới thiệu thơ Hồ Xuân Lai đến bạn đọc Blogspot.com

họ Hồ trong cộng đồng tộc Việt - tư liệu lịch sử




HỌ HỒ TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC VIỆT
Hồ Xuân Lai sưu tầm nghiên cứu
Họ Hồ là họ lâu đời ở xứ Nghệ. Kể từ trạng nguyên Hồ Hưng Dật lập nghiệp ở Hương Bào Đột (nay thuộc Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An), đến nay đã trên ngàn năm. Người họ Hồ tập trung ở châu Hoan (Nghệ An – Hà Tĩnh), con cháu ngày nay có mặt khắp nơi trên cả nước.
Cháu đời thứ 15 của trạng nguyên Hồ Hưng Dật là Hồ Quý Ly (vua nhà Hồ), Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Quản lĩnh hầu Hồ Hân, Hoan quận công Hồ Nhân.
Cháu 27 đời là vua Quang Trung (Hồ Thơm), Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Tư nhân hầu Hồ Phi Tứ.
Đến nay di duệ cụ tổ Hồ Hưng Dật đã đến đời 38, 39; đời nào cũng có công đóng góp nhiều cho đất nước, có nhiều di tích văn hóa lịch sử được Nhà nước công nhận.
Nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi thì chắc chắn ai cũng biết, trong đó tập hợp rất nhiều danh nhân, như công thần nhà Lê là Quản lĩnh hầu Hồ Hân, các nhà thơ, nhà sử học như Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Tân, Hồ Sĩ Đống… cùng các nhà yêu nước và cách mạng, như Hồ Sĩ Tuần, Hồ Ngọc Lãm, Hồ Tùng Mậu…
Gia phả các chi phái họ Hồ nói chung đều được giữ rất kỹ trong các nhà thờ họ ở khắp nơi trong nước.

Xin bật mí với các bạn, tại TP Vũng Tàu đã có đường Hồ Quý Ly bên bờ biển Thùy Vân; tại TP Vinh có đường Hồ hán Thương (con vua Hồ Quý Ly – cùng với Hồ Nguyên Trừng là ông tổ ngành thuốc súng và đại bác).
Tại TP Hồ Chí minh thì có 18 con đường mang tên của dòng họ Hồ:
đường Hồ Hảo Hớn
đường Hồ Huấn Nghiệp
đường Hồ Tùng Mậu
đường Nguyễn Huệ (Hồ Thơm)
đường Hồ Xuân Hương
đường Trần Quốc Thảo (Hồ Xuân Lưu)
đường Hồ Biểu Chánh
đường Hồ Học Lãm
đường Hồ Bá Kiện
đường Hồ Văn Huê
đường Hồ Đắc Duy
đường Hồ Ngọc Cẩn
đường Hồ Bá Phấn
đường Hồ Văn Long
đường Hồ Văn Tắng
đường Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu)
đường Cô Bắc
đường Cô Giang

các bạn có biết tại sao người miền Nam gọi hoa là bông không?
Ví dụ: hoa hồng = bông hồng ; hoa mai = bông mai
Thời Nguyễn, bà Hồ Thị Hoa là Chánh thất vua Minh Mệnh, là mẹ vua Thiệu Trị.
Vua Minh Mệnh là Nguyễn Phúc Đản, làm vua từ 1820 – 1840. Vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Miên Tông, làm vua từ 1841 đến 1847.
Bà Hồ Thị Hoa là con gái Phước Quận Công Hồ Văn Bôi. Bà mất khi Miên Tông mới sinh được 13 ngày, được vua phong là Tá thiên Nhân Hoàng Hậu.
Chính vì tên húy bà là Hoa nên vùng Đông Hoa ở Huế phải đổi tên thành Đông Ba (nay còn có chợ Đông Ba), làng Hoa Cầu đổi thành làng Huê Cầu, tỉnh Thanh Hoa đổi thành tỉnh Thanh Hóa…
Cầu Bông ở Sài Gòn, chính là cầu Hoa mà ra.

Các bạn biết không?Vua Tự Đức chính là cháu nội bà Hồ Thị Hoa đấy!
Mộ bà Hồ Thị Hoa táng tại làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Vua Thiệu Trị có cho xây dựng nhà thờ họ Hồ ở Thủ Đức, để thờ ông Hồ Văn Bôi và mẹ bà Hồ Thị Hoa, vì ông Hồ Văn Bôi khởi nghiệp ở Thủ Đức.
Đến đời Tự Đức, vua đặt tên là Dụ Trạch Tự, lưu cho đến bây giờ.

Họ Hồ văn võ kiêm toàn. Ngày nay có rất nhiều tiến sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ và tướng lĩnh trong bộ máy nhà nước.
Xin cung cấp cho em biết một số tiến sĩ họ Hồ từ triều Nguyễn về trước (không kể phó bảng):

1. Hồ Hưng Dật trạng nguyên – nguyên tổ
2. Hồ Tông Thốc trạng nguyên – triều Trần
3. Hồ Tông Đốc trạng nguyên – triều Trần
4. Hồ Tông Thành trạng nguyên – triều trần
5. Hồ Doãn Hài tiến sĩ – triều Trần
6. Hồ Ngạn Thần thái học sinh – triều Hồ
7. Hồ Ước Lễ thái học sinh – triều Lê
8. Hồ Doãn Văn tiến sĩ – triều Lê
9. Hồ Đình Quế tiến sĩ – triều Lê
10. Hồ Đình Trung tiến sĩ – triều Lê
11. Hồ Bĩnh Quốc hoàng giáp – triều Lê
12. Hồ Sĩ Dương tiến sĩ – triều Lê
13. Hồ Phi Tích hoàng giáp – triều Lê
14. Hồ Sĩ Tôn thiên hạ sĩ vọng - Lê
15. Hồ Sĩ Tân tiến sĩ – triều Lê
16. Hồ Sĩ Đống hoàng giáp - triều Lê
17. Hồ Sĩ Tuần tiến sĩ – triều Nguyễn
18. Hồ Trung Lượng tiến sĩ – triều Nguyễn
19. Hồ Văn Trị tiến sĩ – triều Nguyễn
20. Hồ Sĩ Tạo tiến sĩ – triều Nguyễn

Trên diễn đàn văn học trước đây, họ Hồ có các tác gia văn chương nổi tiếng sau:

Hồ Quý Ly
Hồ Tông Thốc
Hồ Nguyên Trừng
Hồ Sĩ Dương
Thiên hạ vọng sĩ Hồ Sĩ Tôn
Tiến sĩ Hồ Sĩ Tân
Cử nhân Hồ Tất Tố
Hoàng giáp song nuyên Hồ Sĩ Đông
Cử nhân Hồ Đắc Dự
Tú tài Hồ Phi Hội
Tiến sĩ Hồ Sĩ Tuần
Cử nhân Hồ Trọng Đĩnh
Tiến sĩ Hồ Phi Tạo
Cử nhân Hồ Phi Huyền
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương

HXL sưu tầm nghiên cứu

Tựa hồi ký "Sống giữa lòng dân" của Hồ Xuân Lai



LỜI NÓI ĐẦU

SỐNG GIỮA LÒNG DÂN của tác giả HỒ XUÂN LAI là một công trình ghi chép mấy mươi năm kháng chiến của bản thân, gia đình và đồng chí đồng bào từ xã Triệu Bình huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị qua hai thời kỳ vệ quốc anh hùng. Bằng cách viết chân thật, nghiêm túc: cuộc sống chiến đấu của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, có những đóng góp lớn vào sự nghiệp giành giữ độc lập tự do và giải phóng đất nước… hiện diện rõ bởi những mẫu đối thoại hấp dẫn và mâu thuẫn địch – ta được diễn đạt bằng chi tiết ký sự lịch sử, tạo nên giá trị nhiều mặt cho một cuốn sách, hấp dẫn người đọc – cung cấp nguồn tư liệu tin cậy cho các nhà văn trẻ và nhà làm sử.
Tuy tác giả và gia đình có nhã ý xuất bản SỐNG GIỮA LÒNG DÂN để lưu dấu kỷ niệm cho người thân – dòng họ, trao các thế hệ nối tiếp niềm tự hào về truyền thống chính mình và rút ra nhiều bài học cao quý từ những tấm gương rực sáng SỐNG GIỮA LÒNG DÂN, hầu góp sức dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Nhưng trên thực tế, cuốn sách đã vượt xa hơn…
SỐNG GIỮA LÒNG DÂN là bức chân dung nhiều màu, sống động bởi ngôn ngữ và ý tưởng thanh khiết, mang nghĩa khí vùng đất, gắn bó với sức mạnh trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi – và ý chí “Không có gì qúy hơn độc lập tự do” với niềm tin vào Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Do vậy cuốn sách có khả năng lưu truyền và tỏa rộng… Nhìn chung SỐNG GIỮA LÒNG DÂN là một hồi ký có giá trị, đánh dấu sự nghiệp kháng chiến kiến quốc không chỉ một gia tộc, một quê hương mà hàm chứa lớn hơn, có ích cho cuộc sống mà ta mong đợi.
Nhân lần thứ ba mươi, ngày Việt Nam toàn thắng: NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG ấn hành cuốn sách này với mong muốn góp phần bảo tồn sự kiện và nhân chứng lịch sử chiến tranh vệ quốc thế kỷ qua ở một vùng đất – xem đây là một hình thái phát triển mới của công tác bảo tồn và phát triển văn hóa lịch sử từ LÒNG DÂN mà tác giả Hồ Xuân Lai và nhà văn Hồ Tĩnh Tâm khởi thảo.

NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2007

Thơ Hồ Xuân Lai

t
h
ơ

Hồ Xuân Lai

LẠC CHỀU TIÊN CẢNH

Gió đưa cành trúc là đà
Bóng ác đã xế non xa
Ráng chiều còn đang giỡn sóng
Chập chờn muôn ánh vàng rơi
Thấp thoáng mấy chiếc thuyền bơi
Hối hả quăng chài bủa lưới
Lưng trời chim bay về núi
Cánh đồng lúa trổ đòng thơm
Đàn cò chớp nồng rơm rạ
Đường làng rộn rã chân trâu
Khói lam vấn vương mái lá
Gió vờn cành lá hát ca
Một chiều đứng giữa quê nhà
Mà như lạc vào tiên cảnh.


CHỨNG TÍCH

Chiến tranh rồi cũng qua đi
Còn cái lô cốt đứng lì ở đây
Để làm chứng tích đất này
Nhật hàng, Pháp chạy, Mỹ lăn quay chổng kềnh.

NHỚ QUÊ XƯA

Sống xa quê lòng vẫn hướng về quê
Trong giấc ngủ cũng nhớ về Quảng trị
Chang chang nắng ươm vàng đồng bông bí
Đá trên sườn Mai Lĩnh đổ mồ hôi
Sông Hiền Lương trôi thẳng đến Cửa Tùng
Dòng Thạch Hãn trào tuôn về Cửa Việt
Hai dòng sông ghi một thời oanh liệt
Biết bao người đi biền biệt có về mô
Đêm thao thức con thương về quê nội
Chạnh lòng ru bổi hổi khúc quê xưa


SAU MÙA GẶT

Tôi về thăm quê sau mùa gặt
Nắng hong gốc rạ vàng khắp nơi
Trâu ai no cỏ không chăn dắt
Đàn vịt tranh nhau nhặt thóc rơi
Hơi thu phảng phất bên hồ nước
Bạch đàn, dương liễu đứng soi chơi
Đàn chim chiền chiện buồn nhớ thóc
Bay vút lưng trời hót thảnh thơi.


DÁNG QUÊ



Mỏi bước chân chiều về với quê xưa
Lối cỏ tháng năm nồm nam đưa mát
Làng vẫn làng xưa, bạn xưa còn lác đác
Gốc rạ bên đường chợp chút hương đưa.

Trưa nắng hạ, cua lên bờ nhìn đất
Dáng quê gầy run rẩy mắt cua
Thấy con bống thệ, nhớ bàn tay cô Tấm
Gặp luỹ tre làng, nhớ vóc dáng Thạch Sanh
Thương con ốc quắn, đêm rộn ràng lối xóm
Chắt chắt, tàu bay chống đói cả làng
Khói lam chiều tím tim từng mái lá.
Gà quẩn chân túc túc gọi tuổi thơ.

Quê lam lũ, dáng quê thời lam lũ
Rối lòng nhau từ độ ấy đến giờ…

thơ lục bát gởi quê - HXL


thơ lục bát tặng quê nhà Quảng Trị
hồ xuân lai
SÔNG CHIỀU

Sông chiều man mác sương rơi
Trăng treo đầu núi, lưng trời chim bay
Núi xa mờ tím cõi ngày
Từng mây xốp nhẹ xúi cay mắt đời
Thu đi lặng lẽ không lời
Heo may đông đến, lạnh người bến sông
Bao giờ Thạch Hãn tàn đông
Thuyền xuôi Cửa Việt tiếng đồng buông lơi
Tấc lòng xa tít mù khơi
Sóng từ trong ngực gởi lời “tình chi”
Thu đi rồi đông cũng đi
Riêng ta ở lại cũng vì sông thôi.



MƯA ĐÊM

Dòng sông lặng chảy trong mưa
Chiếc thuyền cô độc vẫn đưa mái chèo
Thâu đêm thánh thót giọt reo
Nước giăng mờ mịt thuyền chèo bơ vơ
Nỗi đời ướt đẫm câu thơ
Bốn bề u tịch phủ mờ nẻo xưa
Cắm sào neo ngủ trong mưa
Giật mình… Thạch Hãn…. Trăng vừa nhú lên.