Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2007

Sống giữa lòng dân - Hồ Xuân Lai





NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG

III.- THỜI KỲ HOÀ BÌNH, ĐẤT NƯỚC ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT:

Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thống nhất đất nước, năm 1976, tôi cùng một số cán bộ của Bộ vào tiếp quản các đồn điền cao su. Tiếp nhận xong, đoàn cùng với ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thành lập phòng Nông trường, bàn giao cho thành phố quản lý tôi lại quay về Bộ tiếp tục công tác. Năm 1978, được cử vào cơ quan đại diện phía Nam chỉ đạo xây dựng 100 nông trường lúa tại đồng bằng sông Cửu Long và thực hiện kế hoạch di dân vào xây dựng các vùng kinh tế mới.
Suốt mười năm (từ 1978 – 1987) ở cơ quan đại diện Bộ Nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam, tôi được phân công trực tiếp chỉ đạo Kế hoạch sản xuất và xây dựng 100 nông trường lúa và 9 ban Kiến thiết cơ bản các vùng kinh tế mới thuộc các tỉnh: Long An, Cửu Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh và Sông Bé. Đây là một công việc hết sức nặng nề và rất quan trọng, nên mặc dù cơ quan Đại diện đóng tại Sài Gòn, nhưng hàng năm tôi đi cơ sở ít nhất là bảy, tám tháng. Đầu năm cùng với Cục Sản xuất, Cục Kiến thiết cơ bản và Phòng Lao động đi duyệt kế hoạch, cuối năm cùng với Cục Thống kê và Vụ Tài vụ đi kiểm tra xét duyệt hoàn thành kế hoạch và giải quyết những mắc mứu tồn tại. Chưa kể những lần công tác đột xuất phải xuống cơ sở để giải quyết khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt v.v… Tuy vất vả nhưng vẫn tích cực hăng say, vì không chỉ mang lại những thành tựu kinh tế cho đất nước, mà còn là dịp tốt để hiểu biết thêm tiềm năng giàu đẹp của đất nước. Đồng Tháp Mười xưa là vùng đất bạt ngàn lau lách, mênh mông biển nước, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh, nay đã trở thành vựa lúa của cả nước, không những đủ nuôi sống đồng bào miền Nam, viện trợ thêm cho miền Bắc, mà còn thừa gạo xuất khẩu đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới.
Với đường lối phát triển nông thôn và công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp thắng lợi thì không lâu nữa năng suất lúa không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long, mà cả đồng bằng sông Hồng và Trung bộ sẽ tăng gấp đôi, gấp ba hiện nay, đó là điều chắc chắn.

Năm 1988, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bàn giao tất cả các nông trường và vùng kinh tế mới cho các địa phương trực tiếp quản lý, tôi được Bộ quyết định cho nghỉ hưu.
Nghỉ hưu chưa được một năm, đến giữa năm 1989, được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu H.Đ.N.D phường Bến Nghé, quận I, thành phố Hồ Chí Minh và được dân cử làm chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Đồng thời được đại hội đảng bộ địa phương bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ địa phương, làm phó bí thư thường trực đảng ủy, phụ trách trưởng ban khối Dân vận. Với chức trách của mình tôi đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, cùng với lực lượng cán bộ địa phương tăng cường đoàn kết nội bộ, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, phát động nhiều phong trào quần chúng, lập được nhiều thành tích trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng địa phương, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp bằng khen. Ngoài ra còn nhiều bằng khen của thành phố và giấy khen của quận. Mãi cho đến năm 1998 mới chính thức nghỉ ngơi vì tuổi cao sức yếu, kết thúc một quãng đường đời đầy gian nan vất vả, vào sống ra chết, nhưng rất đỗi vinh quang và tự hào. Gia tài duy nhất để lại cho con cháu về sau là những năm tháng đấu tranh bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước.

còn tiếp...

Không có nhận xét nào: