HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
I.- CHÍN NĂM KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP XÂM LƯỢC:
Sau khi Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thắng lợi, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời xã Gia Độ ra đời với hai bàn tay trắng, do các ông Trần Duy làm chủ tịch, ông Trần Thưởng làm phó chủ tịch, ông Hồ Khắc làm bí thư Chi bộ kiêm chủ tịch Mặt trận Việt minh và ông Trần Sái làm ủy viên thường trực ủy ban. Nhân dân rất phấn khởi, nhưng đang bị nạn đói uy hiếp nghiêm trọng.
Đến ngày 6 tháng 1 năm 1946, sau khi trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, được bầu làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân. Đến tháng 5 năm 1948 giữ chức Bí thư Đảng bộ xã Phong Giạ(về sau đổi tên là xã Triệu Bình).
Tổ chức chính quyền và đoàn thể quần chúng đang trong thời kỳ phôi thai, chưa ổn định, đã tiếp nhận đồng thời hai cuộc vận động lớn: “chống giặc đói” và “chống giặc dốt” do chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Chính quyền và mặt trận Việt Minh xã tranh thủ triển khai. Mặt trận tuyên truyền rộng rãi trong khắp thôn xóm. Mặt khác phân công cán bộ thâm nhập tận các nhà dân vừa vận động thực hiện hủ gạo cứu đói, vừa vận động toàn dân tham gia các lớp bình dân học vụ. Kết quả gần 70% gia đình thực hiện hủ gạo cứu đói, mỗi bữa ăn bớt lại một nắm gạo cho vào hủ, cuối tuần trút gạo đem đến trụ sở Việt minh để cứu trợ kịp thời cho các gia đình đang lâm vào tình trạng đói kém nặng nề. Từng gia đình đều tận dụng từng tấc đất để trồng rau, trồng bí chống đói trước mắt. Nhờ đó mà nhân dân đã từng bước vượt qua được nạn đói lúc bấy giờ.
Về chống giặc dốt, Mặt trận Việt minh đã chuyển phong trào truyền bá quốc ngữ thành phong trào bình dân học vụ và cũng được nhân dân hưởng ứng rất sôi nổi. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên, Đoàn Thanh niên cứu quốc còn đi vào bề sâu, vận động người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Tận dụng các vật liệu như phên nứa, nong nia, thúng mủng để viết lên đó những chữ cái, đem dựng hai bên đường để đồng bào tự giúp nhau học tập. Thanh niên còn phân công nhau gác hai đầu đường vào làng và các ngã đường vào chợ, những người qua lại đều phải đọc được một số chữ cái mới được qua đường, vào chợ. Hình thức có vẻ bắt buộc nhưng vui vẻ, nhẹ nhàng nên mọi người đều tự giác thực hiện. Nhờ vậy mà phong trào rất sôi động, mọi người động viên nhau đi học, không phân biệt trai gái, già trẻ, ai cũng muốn biết chữ để đọc báo, đọc thư, để đi bầu cử chọn người xứng đáng thay mình giúp dân, cứu nước.
Có thể nói toàn dân đi học chỉ trừ những người già yếu, bệnh tật. Đêm đêm bà con đốt đèn đi học, các ngõ đường làng sáng rực như sao. Ba lớp học trường làng không đủ chứa phải mượn thêm một số nhà dân để mọi người đều được đi học.
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, giặc Pháp núp bóng quân đội Anh trở lại gây hấn ở Nam bộ. Toàn quốc có phong trào “Tuần lễ vàng” và từ Bắc Trung bộ trở ra có phong trào “Nam tiến”. Nhân dân Gia Độ cũng như các xã chung quanh hưởng ứng rất tích cực, nhiều thanh niên hăng hái lên đường tham gia Vệ quốc quân, nhiều bà con đã lột cả dây chuyền, hoa tai và nhẫn vàng để ủng hộ cách mạng đúc đạn đánh Tây.
Ngày 6 tháng 1 năm 1946, ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, ngày toàn dân đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp một cách tự do, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, từ 18 tuổi trở lên đều được tham gia bầu cử và có quyền lựa chọn người xứng đáng ra cứu dân giúp nước. Băng cờ biểu ngữ sáng rực đường làng, từng đám người lần lượt kéo về Ủy ban đông vui như ngày hội. Trước sân Ủy ban, từng nhóm người bình luận xôn xao chọn người có đức có tài. Kết quả gần 100% cử tri tham gia bỏ phiếu, bầu đủ số lượng và chất lượng theo quy định, bảo đảm luật pháp và an toàn trật tự.
Sau ngày bầu cử, xã Phong Giạ ra đời gồm 11 thôn: Dương Lộc, An Lợi, Đông Giám, Trung Yên, An Giạ, Giạ Độ, Xuân Thành, Giáo Liêm, Thanh Liêm, Phan Xá và Phú Tài. Hội đồng nhân dân họp phiên đầu tiên bầu Ủy ban Hành chánh xã mới gồm các ông: Nguyễn Duy - Chủ tịch, Trần Thưởng - Phó chủ tịch, Hồ Xuân Lai – Ủy viên thư ký, Lê Chiếm - Ủy viên quân sự, Trần Sái –Ủy viên tài chính, Nguyễn Tặng (Cai Tặng) – Xã đội trưởng.
Về Đảng: ông Phan Vị - Bí thư chi bộ, ông Hồ Đắc - Phó bí thư.
Về các đoàn thể: ông Hồ Sỹ Thiêm - chủ nhiệm Việt minh, ông Nguyễn Tính - Phó chủ nhiệm, ông Lê Đoàn - Bí thư Thanh niên, cô Nguyễn Thị Thơ - Hội trưởng hội Phụ nữ.
Năm 1947, khi Mặt trận chống Pháp lan rộng ra cả nước, Ủy ban Hành chính đổi tên thành Ủy ban Kháng chiến hành chính, viết tắt là UB.KC-HC.
Khoảng tháng 10 năm 1946, giặc Pháp đánh chiếm Thừa Thiên-Huế, toàn quốc có phong trào Nam tiến, ở xã có phong trào cảm tử quân, ngoài một số thanh niên lần lượt đi bộ đội, còn có một số thanh niên xung phong vào đội Cảm tử quân tham gia mặt trận Thừa Thiên-Huế, gồm có anh Trần Quang Ngọc ở Đông Giám, anh Hoàng Nam; anh Nguyễn Hải ở Gia Độ và anh Phan Trắc ở Giáo Liêm. Anh Hải hy sinh trong trận đầu đánh vào khách sạn Môranh – Huế và chỉ sau hơn một tháng anh Trắc có giấy báo tử, anh Nam, anh Ngọc hiện nay còn sống và đều là sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu.
Tháng 12 năm 1946, Pháp chiếm đóng thị xã Quảng Trị và thị xã Đông Hà. Sau khi củng cố xong đồn trại chúng bắt đầu nống ra các vùng nông thôn, tổ chức càn quét liên tục, tìm diệt cán bộ-du kích, đóng thêm đồn bót, mở rộng vùng đất kiểm soát để bắt lính, bắt phu, cướp bóc lương thực, thực phẩm, thực hiện âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt.
Trong thời gian này, Mặt trận kêu gọi toàn dân thực hiện 3 chủ trương lớn: Tiêu thổ kháng chiến, bất hợp tác với giặc và thực hiện khẩu hiệu “Ba không”, được nhân dân toàn xã thực hiện rất nghiêm túc. Bà con động viên nhau đập phá tất cả nhà xây, nhà gạch ngói, không để cho địch chiếm làm đồn trú, toàn xã đều thực hiện vườn không nhà trống, nhắc nhau không đi lính cho giặc, không chỉ đường cho giặc , không tiếp tế cho giặc. Thực hiện không nghe, không biết, không thấy khi giặc vào làng. Đêm đêm hàng trăm người hăng hái tham gia đi phá đường Cửa Việt và đường quốc lộ
Tháng 2 năm 1947, địch tổ chức trận càn đầu tiên vào xã Phong Giạ, mục tiêu tìm diệt là thôn Gia Độ, nơi có cơ quan đầu não và lực lượng du kích xã đóng, đồng thời là nơi có phong trào rào làng chiến đấu mạnh, có phòng tuyến cản địch vững chắc cả trên bộ lẫn dưới sông.
Địch bí mật hành quân, bỏ qua các làng, xã hai bên đường, tập kết tại thôn Dương Lộc, một thôn Công giáo toàn tông, trang bị vũ khí cho một số thanh niên và huy động đồng bào mang theo quang gánh, tiến thẳng về Gia Độ. Khi gặp phòng tuyến và lực lượng dân quân du kích ngăn cản, chúng tập trung hỏa lực bắn xối xả vào làng, chia làm nhiều tốp bao vây, lùng sục, đốt nhà cướp của, hãm hiếp phụ nữ và bắn giết rất dã man, chúng xúc hết thóc lúa và bắt hết trâu bò đưa về đồn bót.
Về phía ta do chủ quan và thiếu kinh nghiệm, nên bị thiệt hại rất lớn, gần một trung đội du kích hy sinh, nhiều cán bộ và nhân dân bị giết, bị thương và bị bắt, trâu bò, thóc lúa và tài sản chưa cất giấu kịp bị giặc vơ vét sạch. Sau trận càn, chúng đóng đồn Hương Vệ Dương Lộc. Do Kiểm phu làm đồn trưởng, giặc còn liên tiếp càn đi quét lại nhiều lần, một số cán bộ và du kích còn lại vẫn bám trụ tại địa phương, giặc càn thì tránh ra các vùng lân cận, giặc đi thì trở lại hoạt động bình thường.
Khoảng tháng 5 năm 1947, địch đóng thêm đồn Gia Độ, tạo thành hệ thống đồn bốt dày đặc, bao vây quanh xã, gồm các đồn Dương Lộc, Gia Độ, Nhu Lý, Đại Hào và Bồ Bản. Lính giặc kiểm soát chặt chẽ ngày đêm, bọn phản động nằm vùng bắt đầu ngóc đầu dậy, Hội tề trốn ở các đồn bót trở về hoạt động công khai.
Tình hình hết sức căng thẳng, xã chủ trương để số Đảng viên, cán bộ và du kích các thôn chưa lộ mặt ở lại bám trụ xây dựng cơ sở, số còn lại di chuyển sang bên kia đường Cửa Việt, dựa vào các thôn Long Quang, Linh Yên và Chợ Cạn, ban đêm trở về xã hoạt động để khỏi mất liên lạc với dân.
Thời gian này lính các đồn Đại Hào và Bồ Bản thường hay phục kích trên đường Cửa Việt, lính các đồn Gia Độ, Dương Lộc ban đêm cũng thường phục kích nhiều nơi trong xã, nên vẫn có một số cán bộ, du kích tiếp tục hy sinh.
Được một thời gian thì Linh Yên và Chợ Cạn cũng bị địch chiếm đóng, lực lượng cán bộ và du kích xã một lần nữa lại phải di chuyển lên tiền chiến khu đóng tại thôn Trầu, xã Triệu Sơn, ban đêm lại thay nhau trở về hoạt động.
Việc đi lại từ chiến khu về xã gặp rất nhiều khó khăn, phải vượt đường số Một, lội qua sông Thạch Hãn và len lõi giữa các đồn bót giặc trong tình hình ca-nô giặc thường xuyên tuần tiểu trên sông, Bộ binh giặc không chỉ hay phục kích trên đường số Một mà còn thường xuyên phục kích trên các nẻo đường từ Trà Liên đến Gia Độ. Do tình hình quá căng thẳng nên có một số cán bộ, du kích bắt đầu bi quan chán nản, dần dần bỏ đi nơi khác làm ăn, một số chạy lên Ba Lòng tham gia công tác ở các cơ quan: Tỉnh đội, Công an, Thông tin, Bưu điện .v.v…Một số cán bộ, du kích chưa lộ mặt thì trở về xã ở lại với gia đình, số anh em còn lại thì kéo nhau ra bìa rừng che lán ở và trồng khoai, trồng sắn để giải quyết vấn đề lương thực trong lúc không liên lạc được với gia đình.
Trong thời gian này, đồng chí Phan Vị – Bí thư chi bộ bị bọn Hương vệ Dương Lộc bắt, sau đó cho về gia đình nhưng chỉ một thời gian sau thì bị bệnh chết, đồng chí Hiền thay thế nhưng sau đó cũng lên Ba Lòng làm cán bộ Thông tin của Tỉnh, đồng chí Đỗ Sĩ Thiêm, chủ nhiệm Việt Minh chạy ra Nghệ An làm cán bộ Công an, ngay từ khi giặc càn về xã. Đồng chí Nguyễn Duy – chủ tịch ủy ban – tuổi già sức yếu lại bị sốt rét nặng đã nghỉ việc. Ông Nguyễn Tặng, Xã đội trưởng, chạy lên chiến khu tham gia công tác Bưu điện tỉnh. Đồng chí Long, chủ tịch Ủy ban, thì sơ tán ở nơi nào không liên lạc được. Đây là thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất.
Khoảng tháng 12 năm 1947, Thường vụ Huyện ủy về gặp anh em cán bộ, du kích xã đang ở tại Triệu Sơn. Sau khi trao đổi tình hình, đồng chí Đồng – Bí thư Huyện ủy – chỉ thị tất cả cán bộ, du kích xã phải trở về đồng bằng dựa vào cơ sở để hoạt động, không được bỏ dân. Đồng thời củng cố lại tổ chức và chỉ định tôi làm bí thư (thay đồng chí Hiền) kiêm phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến – Hành chính. Ông Xạ Viện (ngoài Đảng) làm chủ tịch ủy ban. Ông Nguyễn Nghiễm (Công giáo) làm chủ nhiệm Việt Minh. Ông Trần Sái và ông Đỗ Khản là ủy viên Ủy ban Kháng chiến – Hành chính. Ông Lê Chiếm là ủy viên Quân sự, phụ trách xã đội trưởng. Ông Lê Đoàn (ngoài Đảng) làm bí thư đoàn Thanh niên và một tiểu đội du kích trên mười người. Không có cán bộ phụ trách Hội Phụ nữ. Sau khi về xã một thời gian thì có cô Điểu ở Phú Tài làm hội trưởng Hội Phụ nữ. Huyện ủy giao trách nhiệm cho tôi phụ trách tổ chức đưa anh em trở về bám trụ. Khoảng một tháng sau, anh em rời chiến khu về đồng bằng, dựa vào hai thôn Lập Thạch và Trung Chỉ làm bàn đạp, nắm tình hình, bắt liên lạc với cơ sở và chuẩn bị điều kiện. Tôi về trước, ở tại thôn An Lợi nắm tình hình và chuẩn bị điều kiện cho anh em trở về.
Tháng 2 năm 1948, trước tết âm lịch, tất cả cán bộ và du kích xã đã có mặt đầy đủ tại địa phương, đặt trụ sở di động giữa các thôn Thanh Liêm, Phú Tài, và Hiền Lương, phân tán cán bộ du kích, ai về thôn nấy, dựa vào dân, đào hầm bí mật bám trụ tại chỗ, không thoát ly ra khỏi xã, ban đêm tập trung về trụ sở nhận công tác.
Công tác đầu tiên từ lúc đặt chân về xã là trừ gian diệt tề. Chỉ trong một đêm, nhờ có bộ đội địa phương và công an phối hợp, đã giải tán tất cả hội tề và bắt nhiều tên Việt gian chỉ điểm ở các thôn từ Xuân Thành, Giáo Liêm đến Phú Tài, Dương Lệ, trừ thôn Gia Độ bọn Hội tề, Hương vệ ban đêm vào ngủ trong đồn giặc. Vài ngày sau các tổ chức Hương vệ của địch đều tan rã, lần lượt ra trình diện, một số quần chúng tốt tình nguyện gia nhập lực lượng Dân quân du kích. Trừ Hương vệ ở Dương Lộc và Gia Độ. Sau một thời gian giằng co, địch lập Tề ở thôn này, ta giải tán Tề ở thôn khác, lập đi lập lại nhiều lần, cuối cùng địch không giữ được Hội Tề và ta đã tạo thành một vùng du kích chiến ngay giữa lòng địch. Chính quyền hoạt động công khai. Nhân dân sau mấy tháng sơ tán tránh giặc, lương thực tiền bạc mang theo không còn buộc phải trở về bám làng, bám đất để sống. Trong hoàn cảnh nhà cửa bị địch đốt phá, thóc lúa tài sản bị địch cướp bóc, trâu bò bị địch bắt hết, hàng chục mẫu ruộng bỏ hoang, toàn xã không một tiếng chó sủa, heo kêu, gà gáy. Nguy cơ nạn đói có thể xảy ra nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, chính quyền và Mặt trận mở cuộc vận động bà con tận dụng hết đất đai trồng nhiều rau lang, bầu bí để cứu đói trước mắt, động viên nhau chăn nuôi heo, gà, vịt. Mỗi gia đình phải nuôi từ 3 – 5 con gà vịt, trong đó có một mái đẻ và từ 3 – 5 gia đình có một nhà nuôi heo, thực hiện hũ gạo cứu đói, kiên quyết bảo vệ vụ lúa sắp gặt, không để cho giặc cướp phá. Ruộng xa gặt trước, ruộng gần gặt sau, ruộng gần đồn bót thì gặt ban đêm, tổ chức cho du kích canh gác xung quanh đồn, huy động toàn dân xuống đồng gặt lúa, gặt đến đâu cất dấu đến đó. Những gia đình có nhiều thóc thì phân tán cho bà con cất dấu mỗi nơi một ít hoặc cho những gia đình đang bị đói mượn, vụ sau sẽ trả. Đồng thời vận động những gia đình khá giả góp tiền mua thêm sức kéo, kiên quyết không bỏ ruộng hoang. Nhờ vậy, nhân dân địa phương không những thoát khỏi nạn đói mà còn bồi dưỡng được sức dân, làm cho cuộc sống bà con dần dần ổn định, hăng hái tham gia đóng góp nhân tài vật lực cho kháng chiến. Đặc biệt, bà con còn hăng hái đóng thuế nông nghiệp vượt mức trên giao.
Trong các năm từ 1948 – 1950, mặc dù có một số cán bộ, du kích tiếp tục hy sinh, bị bắt và một số hoang mang giao động tiếp tục chạy vào đồn giặc đầu hàng đầu thú, nhưng khu du kích trong lòng địch vẫn giữ vững, cơ sở quần chúng vẫn được củng cố và mở rộng, tổ chức Đảng vẫn phát triển khắp nơi (trừ thôn Dương Lộc) ; phong trào cách mạng của quần chúng cũng từng bước được củng cố và phát triển.
Đặc biệt toàn xã chỉ có thôn Dương Lộc là vùng trắng, không có cơ sở Đảng cũng như cơ sở quần chúng.
Khoảng giữa năm 1948, Huyện ủy chỉ thị bất cứ giá nào cũng phải xây dựng cho được cơ sở ở Dương Lộc, không để cho giặc nắm hết dân để thực hiện âm mưu, chia rẽ Lương - Giáo. Cấp ủy Đảng họp bàn nhiều lần vẫn chưa tìm ra biện pháp. Cuối cùng chỉ còn cách chính quyền gửi thư triệu tập hai vị Hội đồng nhân dân cũ là ông Chánh Thiệp hiện làm Chánh tổng và ông Kiểm phu hiện là Hương vệ Trường và mời thêm ông Thất Đệ là người cao tuổi có uy tín nhất với nhân dân Dương Lộc, hiện đang làm Lý trưởng, ra gặp Ủy ban vào lúc 12 giờ đêm tại một lăng mộ giữa cánh đồng Dương Lộc, giáp với thôn An Lợi để trao đổi một số công tác cần thiết. Đây là một đòn tâm lý, nếu không dám ra gặp Ủy ban, thì ít nhất cũng cảnh cáo cho bọn phản động tay sai biết Việt Minh vẫn còn tồn tại, chính quyền cách mạng vẫn hoạt động giữa lòng dân và sẵn sàng trừng trị bất cứ ai cam tâm làm tay sai cho giặc, phản bội tổ quốc, giết hại nhân dân.
Kết quả các ông Chánh Thiệp, Thất Đệ chấp hành nghiêm túc, tìm gặp cán bộ chính quyền đúng thời gian, tại địa điểm quy định. Các ông trên đã cung cấp cho chính quyền một số tình hình địch và cam đoan không bao giờ phản dân hại nước. Từ đó bọn Hương vệ đồn Dương Lộc không còn hung hăng như trước nữa và ta cũng đã xây dựng được một số cơ sở quần chúng. Nhờ vậy mà cuối năm 1948 ta đã tiêu diệt đồn Dương Lộc mà không tốn một viên đạn
Sau trận này địch vẫn ngoan cố tổ chức lại lực lượng Hương vệ Dương Lộc và củng cố lại đồn bót vững chắc hơn nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhận được nguồn tin do cơ sở quần chúng cung cấp, du kích xã đã phối hợp với một tổ Công an xung phong, tổ chức trận đánh phục kích trên đoạn sông giữa hai thôn Trung Yên và An Giạ, bắn chìm một đò Hương vệ chở bọn phản động Dương Lộc lên Đông Hà, bắn chết một Hương vệ, thu một khẩu súng trường và một cặp tài liệu đưa về Công an huyện. Từ đó về sau đồn Hương vệ Dương Lộc không dám hung hăng như trước mặc dù Kiểm phu vẫn tiếp tục phụ trách đồn trưởng.
Trong thời gian địch đưa Hội tề vào đồn ở để tránh sự khủng bố của ta, cấp ủy Đảng chủ trương bố trí một số quần chúng tốt và Đảng viên chưa lộ mặt ra làm Hội tề, vào ở đồn Gia Độ để nắm tình hình và phối hợp làm công tác binh vận, đồng thời bố trí mỹ nhân kế bám sát Cai Sướng và Cai Giành là hai tên đồn trưởng và đồn phó.
Bên ngoài Mặt trận và các đoàn thể phát động phong trào vận động binh lính địch công khai, rộng rãi bằng nhiều hình thức: truyền đơn, khẩu hiệu dán rải khắp nơi kể cả những nơi gần đồn giặc, tổ chức các đêm văn nghệ quần chúng, truyền miệng ca dao hò vè, phát thanh kêu gọi binh lính địch trong các đồn bót, vận động gia đình binh lính địch đấu tranh kêu gọi chồng con quay súng trở về. Lực lượng du kích kết hợp quấy rối liên tục làm cho địch mất ăn mất ngủ, hoang mang dao động để làm áp lực cho cơ sở nội tuyến hoạt động.
Dần dần tại đồn Gia Độ, cơ sở của ta đã bắt liên lạc với Bếp Lương, từ Bếp Lương đã móc nối được với Cai Giành và Cai Sướng.
Đầu năm 1949 ta đã xây dựng được một tổ binh vận nội tuyến do Cai Sướng và Cai Giành phụ trách nằm ngay trong lòng địch. Tình hình đã chín muồi, Cai Sướng và Cai Giành xét thấy để lâu sẽ không có lợi và nguy hiểm đến tính mạng nên chúng đề nghị ta tổ chức đánh đồn mà không cần bộ đội chủ lực, chỉ cần lực lượng du kích xã thu dọn chiến trường là đủ. Nhiệm vụ đánh đồn do cơ sở nội tuyến giải quyết, bên ngoài không cần nổ súng. Tôi báo cáo về huyện xin ý kiến, Huyện ủy đồng ý nhưng huyện đội sợ bị phản địch vận nên đề nghị hoãn lại để kiểm tra thêm và cử cán bộ địch vận về xã gặp cơ sở nội tuyến để nắm tình hình. Nhưng chỉ sau một tháng vào ra gặp cơ sở nội tuyến, do chủ quan đã làm lộ cơ sở nên gặp trở ngại không lấy được đồn Gia Độ, vì sau khi cơ sở bị lộ hơn một tháng, toàn bộ lính đồn Gia Độ bị điều về thị xã và thay thế bằng một trung đội lính Bảo an, do tên thượng sỹ Thắng chỉ huy dưới quyền hai tên cố vấn Pháp.
Cuối năm 1949 và đầu năm 1950, du kích xã cùng với toàn dân tổ chức bao vây đồn Gia Độ. Chỉ trong một đêm, đồng bào các thôn đã góp tre rào kín chung quanh đồn, du kích bố trí bắn tỉa ngày đêm, giam chân giặc hơn một tuần lễ. Cuối cùng địch cho máy bay đến ném bom mới giải tỏa được.
Đầu năm 1950, Huyện chủ trương nhập hai xã Phong Đăng và Phong Giạ thành một xã lớn, lấy tên là Triệu Bình, bao gồm các thôn: Đại Hòa, Phúc Lộc, Dương Lệ Đông, Dương Lệ Văn, Dương Lộc, An Lợi, Đông Giám, Trung Yên, An Giạ, Gia Độ, Xuân Thành, Giáo Liêm, Thanh Liêm, Phan Xá, Phú Tài, Hiền Lương, Quảng Điền và Quảng lượng. Đồng thời chỉ định tổ chức bộ máy gồm: đồng chí Hồ Xuân Lai ở Gia Độ làm bí thư Đảng ủy, đồng chí Vịnh ở Dương Lệ Văn làm phó bí thư, đồng chí Phan Long ở Giáo Liêm làm chủ tịch Ủy ban KC-HC, đồng chí Trầm ở Phúc Lộc làm phó chủ tịch, đồng chí Tấn ở Giáo Liêm làm Ủy viên UB phụ trách Xã đội trưởng, đồng chí Cử ở Dương Lệ và đồng chí Cơ ở Giáo Liêm làm Xã đội phó, đồng chí Trần Sái ở Gia Độ và đồng chí Đỗ Khản ở Phú Tài là ủy viên Ủy ban KC-HC, anh Nguyễn Hưng (quần chúng) ở Gia Độ làm trưởng ban B.D.H.V, anh Dương (quần chúng) ở Dương Lệ Văn làm trưởng ban Thông tin. Khối đoàn thể: ông Nghiễm (Công giáo) ở Thanh Liêm làm chủ nhiệm Việt Minh, ông Lê Đoàn (quần chúng) ở An Giạ làm phó chủ nhiệm, đồng chí Hồ Sỏ ở Gia Độ làm Bí thư đoàn Thanh niên, đồng chí Nguyễn Thị Huế ở Quảng Điền làm hội trưởng Hội Phụ Nữ. Lực lượng dân quân du kích đã phát triển thành một đại đội.
Năm 1953, Đảng Cộng Sản đổi tên thành Đảng Lao Động Việt Nam, ra hoạt động công khai, đồng chí Vịnh làm bí thư Đảng ủy thay đồng chí Lai do Huyện ủy điều động tăng cường cho Ban chỉ huy Huyện đội Triệu Phong. Tiếp theo, Mặt trận Việt Minh đổi thành Mặt trận Liên Việt, Đoành Thanh niên cứu quốc đổi thành Đoàn Thanh niên Lao Động và Hội Phụ nữ cứu quốc đổi thành Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Đầu năm 1950, quân đội ta mở chiến dịch khai thông biên giới và sau chiến dịch biên giới mở nhiều chiến dịch đánh mạnh ở đồng bằng Bắc bộ và đánh lên Tây Bắc, mở đường chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ. Để bảo đảm cho quân đội ta ăn no đánh thắng, Trung ương phát động phong trào đóng thuế Nông nghiệp và đi dân công hỏa tuyến. Đồng bào địa phương tham gia hưởng ứng rất sôi nổi, bà con động viên nhau phơi khô quạt sạch, đóng nhanh, đóng đủ để góp phần đánh thắng quân thù, nhân dân tự giác hăng hái gánh thóc đến trụ sở Ủy ban đóng thuế, đảm bảo thời gian và vượt mức quy định. Nhiều bà con ở các vùng bị địch kiểm soát như Gia Độ và Dương Lệ Văn, đêm đêm cũng gánh thóc ra vùng tự do nộp thuế. Phong trào đóng thuế Nông nghiệp năm 1950 có hai thôn được huyện biểu dương khen thưởng là thôn Phú Tài (đóng nhiều nhất) và thôn Xuân Thành (đóng nhanh nhất).
Thuế thu đến đâu nộp ngay đến đó, không tập trung nhiều tại xã để tránh bị địch cướp phá. Do vậy, cứ vài ba đêm lại phải huy động dân công gánh thóc lên chiến khu để nộp. Đây là một việc hết sức khó khăn, nguy hiểm, phải đi suốt đêm, len lỏi qua nhiều đồn bót, lội qua sông Thạch Hãn, vượt qua đường số Một trong hoàn cảnh địch thường cho ca-nô tuần tiểu trên sông, Bộ binh địch thường tổ chức phục kích trên các nẻo đường. Đồng bào ta vẫn không quản ngại gian khổ, hy sinh, chỉ cần nghe gọi là đi mà không một ai né tránh. Anh Đạt – một thanh niên ở thôn Thanh Liêm – đã phải hy sinh do bị địch phục kích khi đang gánh thóc thuế vượt qua đường số Một.
Cuối năm 1952, địch đóng thêm đồn Hương vệ Phú Tài và lô-cốt dưới làng Gia Độ, tình hình càng khó khăn phức tạp thêm nhưng tinh thần nhân dân vẫn lạc quan, phấn khởi, nhiều phong trào cách mạng của quần chúng vẫn hoạt động sôi nổi.
Năm 1953, lực lượng chủ lực của địch bị thu hút ra chiến trường chính ở miền Bắc, ở miền Nam chúng tổ chức càn quét ra các vùng tự do để bắt lính bù vào chỗ trống, nhưng đi đến đâu cũng bị quân ta chặn đánh quyết liệt nên chúng co lại, tập trung bắt lính ở các vùng địch hậu. Trước tình hình đó, đồng bào ở các vùng địch hậu đều có phong trào đấu tranh chống bắt lính rất quyết liệt. Một hôm, ở thôn Gia Độ, đồn thông báo cho tất cả thanh niên tập trung tại đồn để đăng ký đi lính, bà con đã tìm cách cho con em trốn thoát, suốt ngày không có một thanh niên nào đến đăng ký. Tối đến chúng bao vây toàn thôn, lục soát từng nhà bắt hết thanh niên và cả một số nông dân đưa về tập trung tại đồn để đưa lên thị xã đi lính. Đồng bào cả thôn đã kéo đến bao vây trước cổng đồn, đấu tranh suốt đêm đòi trả chồng con về với gia đình. Sáng hôm sau, địch bắt đầu đàn áp để đưa số người bị bắt xuống đò chở về thị xã. Bất chấp dùi cui, báng súng, bà con lăn xả vào níu kéo, lợi dụng tình hình hỗn loạn một số thanh niên đã trốn thoát được, số còn lại bị chúng áp giải xuống đò, bà con đã lội cả xuống sông kéo đò lại làm một số đò bị chìm, cả lính đồn lẫn thanh niên bị rơi xuống sông, họ bơi lội nhốn nháo, gây cảnh náo loạn trên sông và lại thêm một số thanh niên nữa lội được vào bờ trốn thoát. Số còn lại chúng tiếp tục chở lên hướng thị xã Đông Hà. Bà con vẫn động viên nhau sang đò Ngang chạy bộ lên Đông Hà tiếp tục đấu tranh. Đến Đông Hà thì chúng đã dồn thanh niên lên xe chuẩn bị đưa vào thị xã Quảng Trị, bà con nằm lăn ra đường cản trở không cho xe chạy. Cuối cùng số thanh niên này cũng lần lượt nhảy xuống xe trốn thoát.
Để trả thù, tối hôm đó địch nã pháo về thôn Gia Độ làm một số bà con bị thương vong. Phong trào chống bắt lính của bà con thôn Gia Độ năm 1955 được Chính phủ tặng Huân chương hạng ba do Đặc khu Vĩnh Linh giữ vì lúc bấy giờ không thể chuyển vào Nam được.
Trong hai năm 1953 – 1954 để chia lửa với chiến trường chính, bộ đội địa phương của ta tập kích liên tiếp đánh vào các đồn bót địch. Toàn Tỉnh có phong trào đi Dân công hỏa tuyến, xã Triệu Bình đêm đêm có hàng trăm người đi Dân công phối hợp với bộ đội thu dọn chiến trường, vận chuyển lương thực ra trạm trung chuyển tại Quảng Bình và gánh vũ khí, bom đạn trở về cho chiến trường Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Tháng 7 năm 1954, thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ, cán bộ và du kích xã có lệnh tập kết ra Bắc. Cấp ủy xã quyết định chọn một số cán bộ và du kích các thôn chưa lộ mặt ở lại nằm vùng để xây dựng cơ sở chuẩn bị cho tình hình mới theo chỉ thị của cấp trên. Trong đó có một số Đảng viên và cán bộ chủ chốt ở lại để chỉ đạo phong trào, gồm có: đồng chí Vịnh là Bí thư Đảng ủy, đồng chí Sái là Ủy viên Ủy ban, đồng chí Tôn – Xã đội phó, anh Doàn là cán bộ Mặt trận .v.v…
Sau một thời gian đồng chí Vịnh và đồng chí Tôn bị địch bắt, đồng chí Sái và anh Doàn đầu thú giặc. Ngoài ra còn có anh Phan Hy ở Giáo Liêm, Xã đội phó, được bố trí cho vào thị xã từ cuối năm 1948, làm sỹ quan một đơn vị lính Nhảy dù của Pháp, năm 1952, bị Pháp bắn chết tại Đông Hà vì là cơ sở nội tuyến của một đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam bị địch phát hiện.
Tóm lại, suốt thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cán bộ và nhân dân địa phương đã chịu đựng biết bao đau thương, mất mát, nhưng cũng đem lại cho quê hương biết bao kỳ tích vẻ vang. Đó là sản phẩm của truyền thống yêu nước và tinh thần hy sinh dũng cảm của quần chúng nhân dân kết hợp sự lãnh đạo nhạy cảm, sáng suốt của cấp ủy Đảng. Ngoài ra còn một vấn đề không thể phủ nhận, đó là công tác tuyên truyền vận động của Mặt trận cùng các tổ chức đoàn thể, không những phù hợp với lòng dân mà còn bằng nhiều biện pháp thâm nhập tận các nhà dân.
Công tác tuyên truyền vận động trong giai đoạn này có nhiều thuận lợi, hoạt động công khai, có sự chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên và tiếp cận kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Tuy vậy, Mặt trận và các đoàn thể cũng không quên vận dụng hình thức ca dao, hò vè trong thời kỳ hoạt động bí mật để tuyên truyền vận động quần chúng. Vì đây là một hình thức tuyên truyền dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện, rất thích hợp với đại chúng.
Để giúp nhau vượt qua nạn đói, bà con thường động viên nhau:
- Nhiễu điều phủ lấu giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
- Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Thực dân Pháp không những bóc lột dân ta đến tận xương tủy, mà chúng còn hạn chế việc học hành, làm cho nhân dân ta vừa đói cơm vừa đói chữ để dễ bề cai trị. Chính vì vậy, khi phát động phong trào Bình dân học vụ trong toàn dân, bà con đã hưởng ứng rất sôi nổi:
- Rủ nhau đi học I – TờXem tin, đọc báo, đọc thơ rõ ràng. - Rủ nhau đi học I – OMỗi ngày một chữ, con bò cũng thông - Này bà, này mẹ, này chaNày là em ruột, này là em dâu I – Tờ chắp tiếng, chắp câuQuanh bàn xúm xít giúp nhau đánh vần.
Vàng là thứ tài sản quý báu nhất, nhưng trong tuần lễ Vàng, nhân dân còn thấy “độc lập, tự do” còn quý hơn vàng, đã động viên nhau:
Quyên vàng đúc đạn đánh Tây
Đeo vàng, Tây đến vạ lây, ích gì.
Khi giặc Pháp tràn vào thôn xóm, chúng hãm hiếp, cướp bóc rất dã man không chừa một thứ gì kể cả heo gà, trâu bò, lương thực. Nhân dân căm thù vạch mặt:
Cắc bụp, cắc bụp xoà
Ba thằng giặc Pháp bắt gà, bắt heo
Cắc bụp, cắc bụp xèo
Ba thằng giặc Pháp bắt heo, bắt gà.
Sau khi giặc Pháp chiếm đóng thị xã Quảng Trị, đêm đêm xã huy động hàng trăm dân công tham gia phá đường Cửa Việt. Trong lao động mệt nhọc, bà con thường động viên nhau bằng những câu thơ “phá đường” của Tố Hữu:
- Hì hà hì hục
Lục cục lào cào
Anh cuốc em đào, đá nhào đất lở.
- Nào anh bên trai
Nào em bên nữ
Ta thi nhau thử, ai tài hơn ai
. . . . . . . . . . . . .
Trong những lúc khó khăn gian khổ nhất, đồng bào địa phương vẫn luôn hướng về Hồ Chủ tịch:
Cụ Hồ với dân
Như chân với tay
Như chày với cối
Như cội với cành
Toàn dân dốc một lòng thành
Làm tròn nhiệm vụ để tỏ tấm lòng Cụ thương dân
Khi giặc tràn về thôn xóm, một số người bất mãn hay vì sợ chết đã vội vã đầu hàng, chạy theo làm tay sai cho giặc, nhân dân và cả người thân của họ cũng nhắn nhủ:
- Nghèo thì ăn sắn ăn khoaiAi ơi đừng có theo loài Việt gian
- Có công với nước mới vinhCó công với giặc người khinh suốt đời.
Hàng ngày các đồn bót giặc chung quanh, thỉnh thoảng chúng bắn đạn pháo vu vơ ra cánh đồng, ngăn không cho dân cày cấy làm ăn nhưng đồng bào ta vẫn kiên quyết không chịu bỏ một tấc đất hoang:
Đùng đùng Tây bắn ca-nông
Vườn rau ta trồng ta cứ trồng thêm
Đùng đùng Tây bắn vang rền
Ruộng đồng ta vẫn cày thêm cứ cày
Phá hoại sản xuất không được chúng quay sang cướp thóc tại nhà, sau mỗi vụ gặt chúng lùng sục vào các thôn xóm lấy cớ dân nuôi Việt Minh để cướp thóc lúa, nhưng nhân dân cũng đã có cách chống lại:
Thằng Tây muốn cướp lúa ta
Đến đây du kích không tha chúng mày
Phơi khô ta lại đấu ngay
Thử coi bọn mày có cướp được không
Trong phong trào vận động thanh niên nhập ngũ ở đâu cũng nghe thấy rộn ràng lời ca tiếng hát động viên thúc giục lẫn nhau:
- Mù u ba thử mù uLính ta, ta tình nguyện, lính thù ta chẳng đi.
- Anh đi gìn giữ non sôngTóc xanh em đợi, lòng son em chờ.
- Chồng người vì nước xông phaChồng em ở nhà gà đá gãy chân.
-
Không chỉ thanh niên mà cả thiếu niên, phụ lão cũng hăng hái tòng quân diệt giặc:
- Hôm qua bộ đội đi ngangEm chạy vào làng tặng một rỗ khoaiHôm nay bộ đội về làng
Em chạy vội vàng xin được tòng quân.
- Già gì ? Già tóc già râuTinh thần đánh Pháp ta đâu có giàCon đi bộ đội phương xaCòn lão ở nhà làm lính dân quân.
Nhân dân gọi bộ đội là lính cụ Hồ, có người còn gọi là con cụ Hồ nên càng kính trọng cụ Hồ bao nhiêu thì nhân dân càng thương mến anh lính cụ Hồ bấy nhiêu:
- Cụ Hồ dân kính, dân yêuCòn anh bộ đội dân chiều, dân thương.- Cụ Hồ có vạn người conCác anh bộ đội là con cụ Hồ.
Nhân dân rất thông cảm những người đi lính cho giặc có nhiều hoàn cảnh khác nhau, phần đông là những người bị bắt buộc hoặc vì sợ chết, vợ con họ đều là những nạn nhân của chiến tranh nên bà con không định kiến, ghét bỏ mà con tới lui thăm viếng, an ủi động viên và mong muốn chồng con họ sớm nhận ra lẽ phải quay súng trở về với gia đình, làng xóm.
- Làm người mà chẳng biết suyĐến khi nghĩ lại còn gì là thân- Anh mau quay súng trở vềĐừng đi theo giặc đánh thuê hại nòiMẹ cha nhục nhã anh ơiLàm sao tránh khỏi miệng đời cười chê- Anh ơi chớ dại lỡ lầmLương tâm bán rẻ đi cầm súng TâyMáu người thân vấy đầy tayHại dân, hại nước, tội này ai thaVề đi sống với mẹ chaVợ con sum họp, cửa nhà yên vuiTội gì theo giặc anh ơiNgàn năm bia miệng người đời cười chê.
Trong phong trào hậu phương thi đua với tiền phương, đồng bào toàn xã bất chấp súng đạn, không ngại khó khăn, hăng hái đóng thuế Nông nghiệp và xung phong đi Dân công hỏa tuyến với khí thế rất sôi nổi.
- Tiền phương bộ đội thi đuaĐánh cho giặc Pháp chạy thua rụng rờiHậu phương đóng thuế kịp thờiĐể cho Pháp chết gấp mười, gấp trăm.- Nắng chiều sớm nở hoa cauĐóng nhanh, lúa tốt là mau thắng thù.- Chị em đã quyết chẳng chùnHai vai áo ướt lội bùn đường trơnĐường trơn thì mặc đường trơnEm gánh thóc thuế chẳng sờn đôi vai
- Dân vì tổ quốc thân yêu
Ở đâu có giặc vạn suối ngàn đèo cũng qua
Sá gì bom đạn gian lao
Sá gì vực thẳm núi cao chập chùng
Sá gì đêm tối mịt mùng
Dân công hỏa tuyến bạn cùng suối khe
Biết bao nhiêu chuyến đi về
Vì lòng đã nặng lời thề nước non
Vạn đò ngã ba Gia Độ sơ tán xuống Cồn Nôông dưới sự chỉ đạo của anh Thái, Hội đồng nhân dân xã, là chiếc cầu nối giữa đôi bờ Gia Độ với Vinh Quang, Mai Xá, sẵn sàng đưa đón cán bộ và bộ đội sang sông mỗi khi cần thiết. Đặc biệt có vợ chồng anh Hoàng Mốc (thường gọi là Mốc con) ở xóm Đò thôn Gia Độ, nhà anh ở gần bờ sông. Anh làm nghề chăn vịt có chiếc thuyền nan, đã sẵn sàng đưa đón cán bộ và du kích xã sang sông, lặng lẽ trong đêm tối mịt mùng, bất chấp gió to sông rộng và ca-nô giặc thường xuyên kiểm soát. Cảm phục tinh thần dũng cảm của anh, có cán bộ tặng anh mấy vần thơ:
Tay chèo nhẹ khỏa sông trăngĐưa anh cán bộ qua sông đêm ngàyMặc ca-nô với tàu bayCăm thù giặc Pháp, góp tay chống chèo.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại, anh chị em cán bộ và du kích xã phải tập kết ra Bắc theo quy định của hiệp định Giơ-ne-vơ, bà con ngậm ngùi đưa tiễn, đứng chật bờ sông. Khi thuyền rời bến, với giọng hò quê hương tha thiết, bà con gửi gắm lòng tin của đồng bào quê hương đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Nước dưới sông khi dâng khi cạn
Trăng trên trời khi sáng khi lu
Các anh ra miền Bắc thưa với Cụ Hồ
Lòng dân miền Nam vẫn tròn
Vành vạnh như chiếc nón bài thơ đội đầu…
Ôn lại những chặng đường sóng gió của quê hương, chúng ta rất trân trọng tự hào, nhưng cũng đọng lại trong lòng chúng ta biết bao thương tiếc đau buồn. Đồng bào ta đã chịu đựng biết bao hy sinh mất mát, cha ông chúng ta biết bao người đã ngã xuống trên mảnh đất thân yêu để chúng ta có cuộc sống hôm nay và muôn đời cho con cháu mai sau. Dưới đây là một số người (chưa đầy đủ) mãi mãi không bao giờ trở lại với chúng ta nữa:
Thôn An Lợi:
- Anh Phàn (ở tại Đông Giám): du kích, hy sinh tại thôn Gia Độ.
Thôn Đông Giám có các anh:
- Trần Quang Tăng: Bộ đội Nam tiến. Hiện còn sống ở thành phố Hồ Chí Minh.
- Trần Quang Diễn: Cảm tử quân. Hiện còn sống ở thành phố Hồ Chí Minh. - Anh Thân: Bộ đội đã hy sinh.
Thôn An Giạ có anh:
- Lê Chiếm: Xã đội trưởng, bị địch bắt và thủ tiêu ở đồn Gia Độ.
Thôn Gia Độ có các anh:
- Đái Xuyến: Du kích, hy sinh tại Gia Độ. - Hồ Ninh: Du kích, hy sinh tại Gia Độ. - Hồ Dạc: Du kích, bị địch giết tại Mã Nánh, Gia Độ. - Nguyễn Toàn: Du kích, hy sinh tại Gia Độ. - Nguyễn Hẹ: Du kích, bị địch phục kích bắn chết tại đập Xuân Thành. - Hồ Khắc: Cách mạng lão thành, bị địch bắt chặt đầu cắm tại cầu Đại Hào. - Trần Thưởng: Cách mạng lão thành, hy sinh tại Gia Độ. - Nguyễn Y: Cách mạng lão thành, địch bắt vác đạn đi càn, do không vác nổi nên đã bị chúng bắn chết. - Nguyễn Lẫm: Cách mạng lão thành, hy sinh tại Gia Độ. - Hoàng Đồng (Đồng Lạn): Cán bộ, hy sinh tại Gia Độ - Hồ Sỏ: Cán bộ, bị địch bắn chết tại thôn Giáo Liêm. - Hoàng Phùng: Cán bộ, hy sinh tại Gia Độ. - Nguyễn Thoan: Cán bộ, bị địch bắt và thủ tiêu mất tích
- Nguyễn Hưng: trúng đạn ca-nông hy sinh tại Phú Tài.- Trần Oanh: Cán bộ, bị địch bắt và thủ tiêu mất tích.- Trần Hựu: Cán bộ, bị địch bắt và thủ tiêu mất tích.- Hồ Sành: Cơ sở địch vận, đã từng bị địch bắt. Hiện nay đang còn sống.- Hồ Dục: Cơ sở địch vận, bị địch bắt và thủ tiêu.- Nguyễn Thị Trương: Cơ sở địch vận, bị địch bắt và thủ tiêu.- Nguyễn Duy: Cách mạng lão thành, chết tại Phú Tài do bệnh sốt rét.- Hồ Trử: Cán bộ, bị thương nặng được đưa ra điều trị tại Nghệ An.- Hồ Cặn: Du kích, bị thương nặng được đưa ra điều trị tại Nghệ An.
Thôn Giáo Liêm có các anh:- Phan Tải (lấy tên con): Cán bộ xã đội, hy sinh tại Gia Độ.- Phan Thắng: Xã đội trưởng, hy sinh tại Giáo Liêm.- Phan Hy: Cơ sở địch vận, bị địch xử bắn tại Đông Hà.
Thôn Thanh Liêm gồm có:- Bà Cháu (lấy tên con): Cán bộ Phụ nữ, bị địch bắn chết tại Thanh Liêm.- Anh Đạt: Dân công hỏa tuyến, bị địch phục kích bắn chết tại đường số Một.
Thôn Phú Tài có:- Đỗ Cáo: Cơ sở địch vận, hy sinh tại đồn Phú Tài khi quân ta đánh đồn bị địch ném lựu đạn vào chỗ anh đang nấp.
Và cũng vì mảnh đất quê hương mà đã có biết bao đồng chí, đồng bào không quản ngại hy sinh gian khổ đào hầm bí mật nuôi giấu và làm tai mắt cho cán bộ, du kích xã như:
Thôn Dương Lộc:
Ông Từ, một Giáo dân, mặc dù có hai con bị bắt làm Hương vệ nhưng ông là một cơ sở quần chúng tốt, đã cung cấp cho ta nhiều nguồn tin tức có giá trị, giúp bộ đội ta tiêu diệt đồn Dương Lộc không tốn một viên đạn.
Thôn An Lợi:
Các gia đình đồng chí Bích, đồng chí Thùy và đồng chí Oa mặc dù ở trong vùng địch, tự do đi lại, kiểm soát gắt gao nhưng vẫn luân phiên nhau nuôi giấu đồng chí Hồ Xuân Lai (Bí thư Đảng ủy) mấy tháng trời để chuẩn bị cho cán bộ, du kích trở về bám trụ.
Đồng chí Tân, một thợ may cạnh đường gần chợ là nơi thu lượm được nhiều tin tức của địch và bọn phản động để cung cấp cho chính quyền. Chính anh Tân là người cung cấp tình hình cho ta đánh chìm chiếc đò Hương vệ trên đoạn sông giữa Trung Yên và An Giạ.
Thôn Gia Độ:
Là thôn có đồn giặc đóng, bị địch o ép và kiểm soát rất chặt chẽ, bọn chỉ điểm công khai hoạt động, nhiều gia đình có chồng con bị địch bắt đi lính, nhưng vẫn có nhiều bà con đào hầm bí mật trong nhà để nuôi giấu cán bộ. Có những nhà không dám đào hầm bí mật nhưng vẫn là cơ sở tốt, sẵn sàng che giấu cán bộ, du kích những lúc cần thiết như các gia đình ông Hoàng Thí, ông Hoàng Ninh, anh Hoàng Chương, anh Hoàng Mốc (Mốc Chiêm), ông Hồ Khoa, ông Hồ Kinh, ông Thành (Côốc), ông Hồ Lượng (Lượng Hỉm), chị Hồ Thị Cầm, bà Nguyễn Y (Bát Y), anh Nguyễn Thống (Duy) và ông Trần Tốn .v.v…
Thôn Trung Yên: Ít dân, chung quanh là sông bao bọc mà cũng có hai gia đình đào hần che giấu cán bộ, đó là gia đình ông Trương Đỉnh và gia đình đồng chí Trương Trinh.
Thôn Xuân Thành: Có gia đình bà Sâm và gia đình đồng chí Thôn Trưởng.
Thôn Giáo Liêm: Có các gia đình như gia đình đồng chí Thừa (Meo), gia đình ông Mục Cừ, gia đình nữ đồng chí Tải (tên con) và đồng chí Thôn Trưởng.
Thôn Thanh Liêm: Có gia đình bà Cháu (tên con), bà Tôn (tên con), bà Mục Kiển và bà Nậy.
Thôn Phan Xá: Có các gia đình đồng chí Ngọc, đồng chí Ngữ, ông Mục Vỷ (Giáo dân) và ông Thợ Cần (thợ rèn).
Thôn Phú Tài: Có các gia đình đồng chí Ngô Cà, đồng chí Nguyễn Hy, đồng chí Đỗ Cáo, đồng chí Ngô Khả, nữ đồng chí Khản (tên chồng) và bà Xạ Viện…
Ngoài ra còn có nhiều cán bộ, du kích và bộ đội đã hy sinh, không ít đồng bào, đồng chí nuôi giấu cán bộ du kích xã khắp các thôn xóm suốt chín năm kháng chiến chống Pháp chưa phát hiện được.
Bên cạnh những người đã ngã xuống vĩnh viễn trên mảnh đất thân yêu, nhiều gia đình đã tìm mọi cách nuôi giấu cán bộ du kích trước mũi súng quân thù, nhưng cũng có một số ít người vì sợ chết, không chịu được gian khổ hy sinh đã phản bội đầu hàng, đầu thú giặc, để lại những vết nhơ trong lịch sử như các tên:
- Trần Bờ ở Gia Độ, liên lạc xã, đầu hàng năm 1947.
- Hoàng Đồng (Đồng Bộ Dược) ở Gia Độ, cán bộ BDHV đầu hàng năm 1947.
- Trần Trí ở Gia Độ, chạy theo giặc năm 1947.
- Phan Tượng ở Giáo Liêm, du kích đầu hàng năm 1947.
- Trưởng Lỵ ở Giáo Liêm, du kích đầu hàng năm 1947.
- Lê Hưu ở Thanh Liêm, du kích đầu hàng năm 1947.
- Phan Vy ở Giáo Liêm, Bí thư Chi bộ, bị bắt rồi đầu thú, địch cho về gia đình năm 1948, mấy tháng sau thì chết do bệnh tật.
- Hoàng Thị Oanh ở Gia Độ, cán bộ Phụ nữ đầu thú năm 1950.
- Tên Từ ở Quảng Lượng, chủ tịch Phong Đăng cũ, đầu thú năm 1951.
- Tên Trầm ở Phúc Lộc, phó chủ tịch Triệu Bình, đầu thú năm 1953.
- Cô Huế ở Quảng Điền, hội trưởng Hội Phụ nữ, đầu thú năm 1953.
- Tên Dương ở Dương Lệ Văn, cán bộ Thông tin, đầu thú năm 1953.
- Tên Ngọc ở Phú Tài, cán bộ BDHV, đầu thú năm 1953 .v.v…
Trong những năm bám trụ tại địa phương là thời kỳ đen tối nhất, đồn bốt địch bao vây bốn phía, lính địch ruồng bố ngày đêm, nhiều lúc ăn bụi ngủ hầm, mạng sống như treo đầu sợi tóc. Nhiều cán bộ, du kích hy sinh. Một số cán bộ dân quân hoang mang dao động đã bỏ chạy vào các đồn bốt, đầu hàng đầu thú giặc. Bản thân đã cùng một số đồng đội quyết tâm bám trụ, quyết sống chết với quê hương, dựa vào dân để sống và chiến đấu, ngày đêm lăn lộn đi sát các tầng lớp nhân dân tuyên truyền vận động các phong trào kháng chiến cứu nước, đã để lại những dấu ấn không thể nào quên như:
- Tích cực trừ gian diệt tề, cắt đứt tay chân của giặc, bảo vệ cơ sở, bảo vệ chính quyền, củng cố lòng tin của quần chúng.
- Xây dựng cơ sở quần chúng ngay trong lòng địch, nắm được một số quần chúng tốt ở làng Dương Lộc, một làng Công giáo toàn tòng, có đồn Hương vệ đóng tại Nhà thờ luôn luôn phối hợp với các đồn bót chung quanh chống phá cách mạng.
- Thông qua công tác binh vận đã biến một tiểu đội lính Khố đỏ ở đồn Gia độ và một số Hương vệ ở đồn Phú Tài và Gia Độ thành cơ sở nội tuyến của ta. Nhờ vậy mà ta đã tiêu diệt đồn Dương Lộc, bắt 30 tù binh, thu 30 khẩu súng và 5 két lựu đạn trong khi quân ta chẳng tốn một viên đạn nào và nếu không bị lộ cơ sở tại nhà anh Thống thì ta đã tiêu diệt đồn Gia Độ ngay từ đầu năm 1949.
- Trong hoàn cảnh tính mạng bị uy hiếp vẫn bình tĩnh, mưu trí lập thành tích xuất sắc như khi bị địch bắt, mặc dù chúng đưa đi nhiều nơi (từ đồn Gia Độ, lên chi khu an ninh Triệu Phong đến phòng Nhì), bị đánh đập, dụ dỗ nhiều lần nhưng vẫn kiên quyết không khai báo cơ sở, không làm lộ bí mật và mưu trí dũng cảm tìm cách cùng ba đồng chí Vệ quốc đoàn vượt ngục trở về tiếp tục hoạt động.
còn tiếp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét