Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2007

Sống giữa long dân - Hồ Xuân Lai



TIỂU SỬ HỒ XUÂN LAI

II.- TUỔI TRƯỞNG THÀNH:

Năm 1941, vừa tròn 18 tuổi, đi phu đồn điền cao su ở Nam Bộ. Gần hai năm sống ở đồn điền Phước Hòa mới, cách Thủ Dầu Một khoảng 50 cây số, tôi mới tận mắt thấy rõ tấm thân nô lệ của người dân mất nước. Bọn thực dân đồn điền bóc lột công nhân đến tận xương tủy. Chúng coi mạng sống của công nhân như cỏ rác. Người công nhân phải lao động khổ sở suốt hơn 10 giờ mỗi ngày với tiền công rẻ mạt, đau yếu không thuốc men, chúng đánh đập thường xuyên. Có những người bỏ trốn bị cảnh sát bắt giao trả cho đồn điền bị chúng cạo đầu, còng chân giữa chợ, không cho ăn uống mà chỉ nhờ người thân hoặc bạn bè bí mật tiếp cứu cơm nước.
Thời gian này, tình hình tại các đồn điền cao su cũng rất căng thẳng vì dư âm của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vừa mới bị dìm trong bể máu.
Năm 20 tuổi (1943) trở về quê nhằm lúc Nhật đảo chính Pháp, tình hình lộn xộn không dám trở lại đồn điền cao su, bị thất nghiệp phải ở nhờ nhà ông chú ở thị xã Quảng Trị. Năm 22 tuổi (1945) gia đình ông chú cũng gặp khó khăn không nuôi nổi nên nhờ một người quen xin cho làm nhân viên cảnh sát tại thị xã. Được khoảng 3 – 4 tháng, nhờ phong trào Việt Minh hoạt động mạnh ở thị xã, nên đã bí mật đi theo cách mạng tham gia phong trào vận động khởi nghĩa cướp chíng quyền.

Suốt mấy tháng trời, dù là một nhân viên cảnh sát nhưng không biết làm gì và cũng không dám phạt ai nên thường bị tên Phòng Thành khiển trách không làm tròn nhiệm vụ, chỉ vì hàng tháng không có tiền phạt nộp về Phòng. Lâm vào thế bí nên đã bàn với chị em hàng thịt, mỗi tháng góp cho ba suất phạt, mỗi suất ba mươi xu để nộp về Phòng, nhờ đó chị em được tự do bán thịt lậu và bản thân cũng được giao du với bạn bè thoải mái. Những việc làm và thái độ của tôi không giống là một nhân viên cảnh sát, nhất là sẵn có tinh thần giác ngộ cách mạng trong người nên khi phát hiện được tình hình hoạt động của Việt Minh tại thị xã, tuy chưa bắt được liên lạc với tổ chức tôi vẫn hăng hái tham gia công tác tuyên truyền vận động quần chúng. Từ tinh thần thái độ và việc làm thực tế của tôi đã làm cho những cán bộ cách mạng chú ý và cuối cùng, đồng chí Bì Đạm Thanh và đồng chí Đại là hai cựu tù chính trị đã vận động đưa vào tổ chức Việt Minh với nhiệm vụ canh gác những buổi mít-tin công khai, theo dõi tủ hồ sơ và két tiền phạt tại phòng Cảnh sát để sau này bàn giao cho cách mạng. Trong đêm quần chúng tràn vào thị xã, anh em cảnh sát bỏ chạy tán loạn, bản thân vẫn ở lại bám sát tủ hồ sơ và két bạc, sáng hôm sau bàn giao đầy đủ cho tổ chức Việt Minh vào tiếp quản và bắt đầu tham gia công tác tại Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời thị xã Quảng Trị với nhiệm vụ thư ký văn phòng ủy ban, dưới sự điều khiển của đồng chí Hoàng Mạnh Khang là chủ tịch ủy ban và đồng chí Trần Quỳ là chủ nhiệm Việt Minh thị xã.

Sở dĩ cuộc đời đói cơm rách áo, phiêu bạt khắp nơi là vì sau khi cha mất gia đình khánh kiệt, chỉ còn một túp lều tranh và mảnh vườn nho nhỏ. Bà mẹ đẻ có ý định đi thêm bước nữa để dựa thế nuôi con, không ngờ gặp phải bà vợ cả của chồng ghen tuông cay nghiệt đánh đập hàng ngày, bản thân cũng bị xua đuổi phải trở về ở với bà mẹ cả. Sau khi mẹ sinh được em trai, vừa mới lọt lòng thì bị đuổi ra khỏi nhà phải ôm con về Bảng Sơn sống nhà bên ngoại. Bà mẹ cả một mình cũng bữa đói bữa no, làm thuê cũng không ai mướn, phải lang thang cầu thực và chết đói dọc đường tại thành Cam Lộ, lúc bản thân mới 15 tuổi đang dạy trẻ nuôi thân tại thôn Bảng Sơn, may sao lúc đó có người cùng quê đang làm thuê gần đó cho biết, nên sau một thời gian thì hài cốt mẹ đã được cải táng về quê. Do cuộc đời ngang trái, buộc tôi phải chấp nhận cuộc sống tự lập ngay từ lúc mới lên 9 tuổi và cũng từ cuộc sống tự lập mà trường đời không những đã dạy cho bản thân nhiều bài học kinh nghiệm làm người mà còn giúp bản thân sớm trở thành người đảng viên Cộng sản và mãi mãi vẫn là người Cộng sản.

Gia đình chỉ có hai anh em cùng mẹ khác cha đều tham gia cách mạng. Em tên gọi là Trần Oanh, tham gia bộ đội địa phương huyện Triệu Phong, năm 1948 lúc mới 15 tuổi, đến đầu năm 1950 bị sốt rét nặng, đơn vị cho về địa phương và làm bí thư Xã đoàn Thanh niên lao động, thay thế đồng chí Hồ Sỏ – bí thư cũ – bị địch sát hại tại địa phương từ tháng 2 năm 1950. Đến tháng 8 / 1950 cũng bị địch bắt và bị thủ tiêu ở đồn Gia Độ, đã được chính phủ cấp bằng liệt sĩ, nhưng mãi đến nay vẫn chưa tìm ra hài cốt. Bản thân may mắn sống sót và liên tục hoạt động cho đến nay.

Năm 1946, do yêu cầu của địa phương, được ủy ban cách mạng lâm thời thị xã Quảng Trị đồng ý cho về ứng cử Hội đồng nhân dân khóa đầu tiên tại xã Phong Giạ cũ, trúng cử và được phân công làm ủy viên thư ký thường trực ủy ban.

Năm 1947 được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam, nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Và cũng đúng năm này, bản thân cũng lập gia đình.

Đám cưới chúng tôi được tổ chức vào chiều 30 tết Âm lịch. Vào đầu tháng 2 / 1947, thời điểm giặc Pháp đã thôn tính xong thị xã Quảng Trị. Đám cưới chúng tôi không pháo, không hoa, không cỗ bàn, không áo cưới, không đêm tân hôn và cũng không tuần trăng mật mà chỉ có súng nổ khắp nơi đón mừng cô dâu mới cùng một số bà con, bạn bè đến chúc mừng và khuyên bảo chúng tôi: “Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ mới”.

Đám cưới xong chạy giặc mấy lần, giặc chiếm đóng quê hương. Tôi ra đi và lao vào cuộc chiến, cũng từ đó vợ chồng tôi mỗi người một ngã, cho đến khi Bắc Nam thống nhất mới được sum họp một nhà, nhưng kỳ lạ thay, vẫn con đàn cháu lũ. Đố ai biết, chỉ vợ chồng tôi mới biết.

Năm 1948, được cử làm bí thư Đảng ủy kiêm phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh xã.

Năm 1949 bị giặc bắt giam, bảy tháng sau, tổ chức vượt ngục cùng ba đồng chí vệ quốc quân thuộc trung đoàn 95, trở về tiếp tục hoạt động.

Năm 1950, Tỉnh ủy điều động sang Tỉnh đội làm giám đốc kiêm bí thư trường Tân Binh Quảng Trị.

Cuối năm 1950, sau khi hoàn thành ba khóa huấn luyện, Tỉnh ủy rút về tăng cường cho xã Triệu Bình do hai xã Phong Đăng và Phong Giạ nhập lại, làm bí thư Đảng ủy kiêm Phó chủ tịch xã.

Năm 1953, Huyện ủy điều động tăng cường cho Ban chỉ huy huyện đội Triệu Phong làm huyện đội phó.

Năm 1954, Tỉnh đội điều về Ban Liên hợp đình chiến tỉnh Quảng Trị, đến tháng 7 / 1954 tập kết ra Bắc, thành lập Trung đoàn 271, làm Chính trị viên đại đội đóng quân tại Hà Tĩnh.

Năm 1955, đơn vị chuyển sang Nghệ An chống dịch cưỡng ép di cư và xây dựng quân đội chính quy hiện đại.

Năm 1956 chỉ huy tiểu đoàn công binh vào Vĩnh Linh xây dựng hệ thống đồn công an giới tuyến từ Cửa Tùng đến Hói Cụ.

Năm 1957, Quân khu IV điều về làm Bí thư Đảng ủy kiêm giám đốc nông trường Quân đội ở Nghi Văn, Nghệ An.

Năm 1963, lái xe comancar đi công tác gây tai nạn bị phạt giam 3 tháng. Trong thời gian bị tù vẫn tiếp tục hoạt động lập thành tích, đã đấu tranh thuyết phục buộc tên Phú, một trưởng toán biệt kích ngoan cố đã bị kết án tử hình phải đầu hàng, khai báo và đánh điện về Sài Gòn kêu viện trợ theo bố trí của công an. Do đó, lúc ra tù được Tỉnh ủy Nghệ An phục hồi Đảng tịch, không trừ tuổi Đảng trong thời gian bị tù và Bộ Nông trường điều động ra Hà Nội làm trưởng phòng Kế hoạch dài hạn.

Năm 1966, được Bộ cử đi học chuyên tu đại học tại trường Đại học Kinh tế – Tài chính.

Năm 1970, tốt nghiệp đại học trở về tiếp tục làm trưởng phòng Kế hoạch tại Bộ Nông nghiệp.

Năm 1972, Bộ cử đi B theo đoàn cán bộ Trung ương vào Quảng Trị phục vụ chiến trường trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị do đồng chí Lê Văn Lương làm trưởng đoàn.

Năm 1973, sau khi giải phóng Quảng Trị, trở về Bộ Nông nghiệp tiếp tục làm chuyên viên kế hoạch.

Năm 1978, Bộ cử vào Ban đại diện phía Nam phụ trách xây dựng 100 nông trường sản xuất lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 1986, sau khi bàn giao hết các nông trường cho các tỉnh Miền Tây quản lý, được Bộ quyết định cho nghỉ hưu.

Năm 1987, tham gia công tác địa phương làm chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, đồng thời là thường vụ Đảng ủy và Hội đồng nhân dân phường Bến Nghé, quận I.

Năm 1997, nghỉ hưu thực sự.

còn tiếp...

Không có nhận xét nào: