Thứ Tư, 4 tháng 7, 2007

Sống giữa lòng dân - Hồ Xuân Lai

NHỮNG DẤU ẤN KHÔNG QUÊN

VIII. ĐỐI MẶT VỚI KẺ THÙ

Đầu tháng 5 năm 1949, một hôm tôi về dự lễ kết nạp một đảng viên mới tại liên chi bộ An Lợi, Trung Yên, dự lễ xong khoảng 2 giờ sáng, tôi về nhà anh Trinh đảng viên và là du kích ở thôn Trung Yên ngủ lại. Khoảng 5 giờ sáng nghe tiếng súng nổ ở thôn Đại Lộc, vì chủ quan Trung Yên là một cồn nổi xung quanh đều có sông bao bọc, chỉ có khoảng 50 nhà dân, địch ít chú ý nên vào nằm ngủ lại. Không ngờ lúc đó triều xuống, nước sông cạn, một số thanh niên Đại Lộc lội sông chạy sang Trung Yên và địch đuổi theo vào Trung Yên lục soát.
Được người nhà anh Trinh gọi, tôi và anh Trinh vừa vùng dậy chưa kịp xuống hầm bí mật thì đã có hai tên lính áp sát vào nhà. Thấy chúng tôi đều là thanh niên liền hỏi và chúng tôi bình tỉnh trả lời.
- Hai anh người xã nào ?
- Chúng tôi là dân Trung Yên.
- Dân Trung Yên cũng phải về đồn, nếu đúng thì Lý trưởng sẽ bảo lãnh sau.

Thế là cả tôi và anh Trinh đều bị bắt. Ra giữa đồng gặp Lý trưởng đang cuốc đất (Lý trưởng là anh Trương Đỉnh, một quần chúng tốt) chúng gọi đi theo về đồn để nhận dạng.
Đi hết cánh đồng Trung Yên chúng dừng lại gọi đò chở qua sông để về đồn Gia Độ. Lợi dụng lúc chúng không để ý, anh Đỉnh, Lý trưởng nói nhỏ với tôi: về đồn Gia Độ sẽ gặp người quen không thể nhận chú là dân Trung Yên được, phải khai thật thôi, chú có bề gì cũng là hy sinh cho cách mạng, mong chú thông cảm!
Tôi bảo với anh Đỉnh và anh Trinh: Về đồn chúng có hỏi thì hai anh cứ bảo tôi là ông Hồ Xuân Lai, Phó chủ tịch Ủy ban xã, nhưng từ ngày có đồn Gia Độ thì đi đâu không biết, chúng tôi không hề gặp. Nếu chúng hỏi anh Trinh: không biết tại sao bắt được ông Lai tại nhà anh, thì trả lời không hiểu từ đâu ông Lai vừa chạy vào nhà tôi, thì các ông vào bắt, tôi không biết ông ấy ở đâu đến cả. Về đồn tôi đã có cách khai với chúng nó, còn các anh dù chúng có tra tấn như thế nào, cũng kiên quyết không được khai thêm điều gì ngoài lời tôi dặn. Chúng tôi đã thống nhất được với nhau.
Đúng như chúng tôi đã phán đoán, về đến đồn Gia Độ, tôi đang ngồi giữa đám đông vừa thanh niên, vừa nông dân của 2 thôn Đại Lộc và Trung Yên gần 20 người vừa bị chúng bắt tại đám đất trước sân đồn (chùa Gia Độ), chỉ khoảng 15 phút sau, có 2 tên lính lách đám đông đến dắt tay tôi đưa vào đồn gặp tên đồn trưởng (đồn trưởng là tên Thượng sĩ Thắng có vợ là con tên lý trưởng làng Gia Độ).
Tên Thắng hỏi và tôi trả lời :
- Anh tên gì, làm gì, ở đâu ?
- Tôi tên Hồ Xuân Lai, Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh, khi xã bị chiếm đóng tôi chạy lên rừng tăng gia sản xuất và ở luôn trên đó.
- Anh bảo anh ở trên rừng, tại sao anh lại bị chúng tôi bắt tại Trung Yên.
- Nhớ gia đình quá, hôm qua tôi định về thăm, nhưng về đến Lập Thạnh, gặp lúc nước sông lên cao không lội qua được tôi phải nghỉ lại chờ đến sáng nay, vừa mới sang sông thì gặp các ông bắt.
- Nếu lời khai của anh là đúng sự thật, tôi hứa sẽ giúp đỡ anh, nếu khai láo thì anh hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bây giờ hết giờ, anh tạm ngồi đây, chiều chúng ta sẽ tiếp tục làm việc.
Trưa hôm đó ngồi một mình trong đồn giặc, tôi quan sát rất kỹ hệ thống bố phòng của chúng. Sau 3 lớp rào bằng tre vót nhọn đan chéo nhau, còn có một lớp rào bùng nhùng bằng dây kẽm gai, tôi phát hiện có một chỗ gần cửa lô cốt tạm giam người bị bắt, các lớp hàng rào bị đẩy dạt ra hai bên, nghiêng người có thể lòn qua được và từ đó có một lối mòn nhỏ đi ra phía trại gia binh của chúng. Trong đầu tôi hình thành một phương án trốn khỏi đồn giặc ngay đêm hôm đó và đêm đó tôi đã 3 lần lòn ra khỏi trại giam, nhưng lần nào cũng gặp bốn năm tên lính ngồi nói chuyện hút thuốc gần ngay trước trại giam nên không thể trốn được.
Khoảng 1 giờ 30 phút chiều đó chúng bắt đầu tổ chức lấy cung. Tôi ngồi đối diện với tên Thắng đồn trưởng, bàn bên cạnh là một thư ký ghi chép thỉnh thoảng tên đồn trưởng gọi tên là trung sĩ Tâm. Tên đồn trưởng hỏi và tôi trả lời.
- Anh tên gì ?
- Tôi tên Hồ Xuân Lai.
- Làm gì ?
- Làm Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh xã Triệu Bình.
- Anh ở nhà nào và làm việc với những ai ?
- Tôi ở chiến khu tăng gia sản xuất, không còn làm việc nữa, nên cũng không quan hệ với ai cả.
- Anh ở chiến khu tại sao anh bị bắt ở làng Trung Yên, ngay gần đồn chúng tôi ?
- Lâu ngày không gặp bà cụ và vợ con, tôi nhớ nhà quá, hôm qua định về thăm nhà, gặp nước lớn không lội qua được, chờ đến sáng nước ròng tôi vừa lội qua khỏi sông thì bị bắt.
- Anh có dám cam đoan những lời khai của anh là đúng không ? Nếu tôi phát hiện lời khai của anh không đúng thì sao ?
- Tôi cam đoan lời khai của tôi là sự thật, nếu không đúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.
- Nếu anh khai đúng sự thật thì tôi hứa sẽ tìm cách giúp đỡ anh, anh muốn làm việc tôi sẽ xin việc cho anh làm, anh muốn ở nhà làm ăn tôi sẽ bảo vệ anh, không để cho ai dọa nạt anh cả. Nhưng theo luật nhà binh thì anh bị tạm giam, anh ra trại giam nghỉ, mai sẽ tiếp tục làm việc. Tên đồn trưởng bảo tôi ký vào biên bản, xong bảo tên thư ký đưa tôi ra trại giam và sau đó tên đồn trưởng bận đồ thường dân, đội nón cối, đi ra cổng vào thôn Gia Độ.
Tên đồn trưởng vừa đi xong, tên thư ký ra mở cửa trại giam gọi tôi vào đồn. Nó đang kéo ghế mời tôi ngồi thì tôi chủ động hỏi ngay.
- Xin lỗi anh có phải là trung sĩ Tâm (vì trong lúc lấy cung tên đồn trưởng thỉnh thoảng gọi tên nó là trung sĩ Tâm ) .
Tên trung sĩ chưa kịp trả lời thì tôi hỏi tiếp :- Trước đây anh Tâm có yêu cô Trương ở Gia Độ phải không ?
Tên Tâm hỏi lại :
- Làm sao anh biết ? Thấy thái độ của nó có vẻ thật thà, tôi trả lời tiếp.
- Anh tưởng chúng tôi ở ngoài không hiểu gì trong đồn này cả sao! Trong đồn này có bao nhiêu người, bao nhiêu súng đạn và ai thế nào chúng tôi đều biết cả.
Im lặng một lúc rồi nó bảo :
- Trước đây tôi có yêu cô Trương, nhưng sau nghe bà con bàn tán: con Trương lấy Việt gian, sợ liên lụy đến cô ta tội nghiệp nên chúng tôi bỏ nhau rồi.
Tôi giải thích tiếp :
- Nhân dân rất sáng suốt, họ biết không phải ai đi lính cho Pháp đều là Việt gian cả. Họ hiểu có người là Việt gian phản động thật, nhưng cũng có người bị bắt, vì hoàn cảnh gia đình hoặc vì kinh tế, họ không vơ đủa cả nắm như anh tưởng đâu. Nó thanh minh :
- Tôi là học sinh ở Huế, bị chúng bắt đi lính, nhưng tôi sợ bà con hiểu lầm, tội cho cô Trương. Nói xong nó bảo: ông Thắng đồn trưởng sắp về rồi, thôi anh ra lô cốt nghỉ, để ông ấy gặp thì lôi thôi lắm. Tôi vào lô cốt, tên trung sĩ lấy tấm tôn đóng cửa và từ đó trở đi thỉnh thoảng nó đưa nước và thuốc ra cho tôi uống.
Chiều hôm đó khoảng 5 giờ chiều tên Tâm mở cửa trại giam gọi tôi ra ăn cơm. Ra sân tôi nhìn ra phía hàng rào cổng trước để tìm người nhà, thấy mẹ tôi hai tay vịn vào hàng rào đang khóc, thì một tên lính cầm nắm cơm và gói thịt gà đưa cho tôi bảo là cơm của bà cụ gởi vào.
Tôi vừa cầm nắm cơm thì một tên lính khác đến giật nắm cơm bẻ làm nhiều mảnh và trả lại cho tôi. Xong nó dùng tay chỉ ngược vào mặt nó và bảo :
- Tao là Việt gian đây, bọn bây làm gì tao thì làm, vợ con tao có tội gì mà giết vợ tao ?
Trong lúc đó đã có đám đông lính đứng vòng quanh tôi (vì là giờ nghỉ). Nhìn quanh tôi thấy trung sĩ Tâm cũng đang đứng phía sau lưng. Tôi nghĩ bụng bọn này là lính chiến, không liên quan gì đến việc cung khai, tên Tâm thư ký phụ trách công tác lấy cung, thì tôi đã gây được cảm tình với nó. Tôi suy nghĩ trong hoàn cảnh này, nếu ta tranh thủ cảm hóa, làm chuyển hướng được tư tưởng một vài tên lính trong đồn thì cũng như đã tiêu diệt được một vài tên địch ngoài mặt trận, nên không sợ, tôi bình tĩnh và tranh thủ thời cơ làm công tác tuyên truyền. Thế là bắt đầu một cuộc đấu khẩu giữa tôi với nó, tôi nói :
- Tôi cam đoan với anh là chúng tôi không bao giờ giết vợ con các anh cả. Đóng quân ở đây chắc anh đã thấy rõ: các thôn xung quanh đồn các anh đóng đều có người đi lính cho Pháp mà vợ con họ vẫn ở nhà, chúng tôi có bắt ai, giết ai đâu, vì chúng tôi biết các anh đi lính có nhiều hoàn cảnh khác nhau, vợ con các anh đều là nạn nhân vô tội, nên không những không bắt, không giết, mà chúng tôi còn đối xử với vợ con các anh rất tử tế, chúng tôi muốn thông qua vợ con các anh, lôi kéo các anh bắt tay với chúng tôi để cùng nhau kháng chiến cứu nước. Nếu thực tế vợ anh bị nhân dân giết thì có lẽ vợ anh là người đã có nhiều tội ác với nhân dân (một số lính cười).
- Các anh bảo các anh kháng chiến, chúng tôi không muốn kháng chiến sao ? Nhưng các anh có gì để kháng chiến, trong lúc Pháp thì súng lớn súng nhỏ, tàu bay tàu bò! Có giỏi thì dàn trận đánh nhau với nó, tại sao cứ rình trong bụi chờ tụi nó đi qua giật quả bom cái rầm, rồi chạy trốn, để cho nó bắn giết tàn sát nhân dân. Kháng chiến theo kiểu các anh thì dân chết hết, độc lập ai hưởng ?
- Anh nói rất đúng, Pháp có súng lớn súng nhỏ tàu bay tàu bò, còn ta thì mới giành được được độc lập, trong tay không có tấc sắt. Vì lẽ đó nếu dàn trận đánh tay đôi thì ta sẽ bị Pháp tiêu diệt ngay. Do đó mà ta chủ trương đánh du kích, vì đánh du kích thì vũ khí gì cũng đánh được, không có súng thì đánh bằng gậy gộc, dao mác, cuốc xẻng, một hai người cũng đánh được, ai đánh cũng được, đàn ông, đàn bà, người già trẻ con đều là chiến sĩ; ở đâu đánh cũng được, trong nhà ngoài ngõ, giữa chợ trên đường, trong rừng, dưới sông vv... ở đâu cũng là chiến trường. Có như vậy mới đánh lâu dài với Pháp được, chính giặc Pháp rất sợ lối đánh du kích của ta. (Một số lính cười). Còn tàn sát nhân dân, đó là bản chất của kẻ đi xâm lược, giận cá chém thớt là hành động dã man, không phải là quân tử (một số lính cười). Nói đến đây trung sĩ Tâm, đến dắt tay tôi đưa vào trại giam, vừa đi vừa cho tôi biết đó là tên trung sĩ rể thầy Đẹo (vợ thầy Đẹo là người làng tôi), anh bảo tôi rằng nó say rượu anh cãi với nó làm gì. Có lẽ trung sĩ Tâm thấy tình hình có thể xảy ra bất lợi cho tôi, nên đã cắt ngang câu chuyện
Sáng hôm sau tên đồn trưởng gọi tôi vào và gọi trung sĩ Tâm chuẩn bị lấy cung lần thứ hai. Lần này tên đồn trưởng không ngồi, nó đứng đối diện với tôi, với bộ mặt giận dữ nó chỉ tay vào mặt tôi nói:
- Tôi cho anh biết, những lời khai của anh hôm qua đều là láo cả. Hiện nay anh còn làm việc và ở ngay giữa xã này, không phải đã nghỉ việc và ở chiến khu như anh nói. Bây giờ tôi cho phép anh khai lại cho đúng sự thật, tôi sẽ bảo đảm lời hứa hôm qua đối với anh. Nếu anh không khai lại cho đúng thì anh đừng trách tôi.
Tôi bình tỉnh trả lời :
- Tôi hiểu hôm qua ông ra ngoài làng chắc có kẻ đã đâm điểm, xuyên tạc sự thật để ông giết tôi, đây cũng là chuyện thường tình. Vì trong thời gian tôi làm việc cho Việt minh, một trăm người thương thế nào cũng có năm ba người ghét do một sự bất mãn nào đó, cho nên tôi bị bắt là một dịp tốt để họ trả thù! Cũng như ông làm việc cho Pháp ông có tin rằng tất cả nhân dân ở đây đều thương ông không ? Chắc chắn có người thương nhưng cũng có người ghét, những người ghét ông chắc họ cũng rình rập, nếu có dịp tốt chắc họ cũng sẽ giết ông. Tôi yêu cầu ông không nên nghe những lời bậy bạ, mà giết người vô tội. Còn tôi, tôi đã khai hết sự thật với ông rồi, không lẽ tôi lại bịa ra một sự thật giả dối để khai lại với ông. Ông giúp đỡ được gì thì tốt, không giúp đỡ được thì tôi đành chịu chứ tôi không còn gì là sự thật để khai lại cả.
- Tôi không biết nghe ai cả, nhưng tôi biết là anh khai láo, nếu anh không khai lại tôi sẽ đưa anh lên cấp trên; anh khôn thì anh sống, anh bống thì anh chết.
Thế là sáng hôm sau chúng áp giải tôi lên cho an ninh huyện Triệu Phong.
Đến chi an ninh tại đồn Bộ Kẹo ở chợ Sải, chúng giam 3 ngày rồi mới gọi lên lấy cung, khi chúng đưa tôi vào phòng Chi trưởng an ninh thì lại gặp một chuyện rất bất ngờ. Chi trưởng an ninh Triệu Phong là tên Hoàng Xuân Lãm, Lãm không phải là bạn thân, nhưng rất quen biết nhau. Sau ngày khởi nghĩa tôi làm ở Ủy ban Thị xã, Lãm là cán bộ thông tin tỉnh Quảng Trị, tôi ở Gia Độ, Lãm ở Phúc Lộc nên tuần nào chiều thứ bảy tôi đợi Lãm để cùng về nhà và sáng chủ nhật Lãm đợi tôi để cùng đi. Có lẽ vì thế mà Lãm phải giam tôi tới 3 ngày để suy nghĩ cách đối xử khi đối diện với tôi. Hoàng Xuân Lãm hỏi và tôi trả lời :
- Anh tên gì ở đâu và làm gì ?
- Anh lạ gì tôi mà hỏi.
- Tôi không quen biết gì anh cả, anh khai đi.
- Anh bảo không quen, nhưng với tôi thì rất quen, mới xa nhau hơn một năm làm sao quên nhau được.
Số nhân viên cán bộ ngồi các bàn bên cạnh ngơ ngác nhìn nhau và cười. Tên Lãm đổi sắc mặt quát lớn :
- Anh nên nhớ, anh đã bị bắt, là một tên tù, không được ăn nói bậy bạ.
Bỗng có một tên lính Lê dương xuất hiện đưa giấy báo Phòng Nhì mượn anh Hồ Xuân Lai. Tên Lãm bảo chưa lấy cung yêu cầu chậm lại mấy phút, nhưng tên lính Lê dương tiến lại gần tôi đưa ra chiếc còng số 8, tôi đút tay vào và tên lính dẫn đi với sự ngơ ngác của tên Hoàng Xuân Lãm và bọn an ninh huyện Triệu Phong. Lên đến phòng Nhì Quảng Trị không ngờ lại gặp Trợ Phong đại biểu Hội đồng Nhân dân và anh Đậu thôn An Cư, lúc đó đã 12 giờ trưa cơ quan phòng Nhì đã đóng cửa, tên Lê dương để tôi ngồi tại gốc cây cạnh Trợ Phong. Sau khi hỏi thăm nhau về tình hình bị bắt, chúng tôi đã thống nhất với nhau không khai báo gì cả, chúng có hỏi thì bảo không quen biết nhau để chúng khỏi hỏi lằng nhằng phiền phức. Khoảng 13 giờ 30 chúng đẩy tôi vào phòng giam kín và ở đây hơn hai tuần lễ, mỗi ngày chỉ cho ra hai lần để ăn cơm trưa và tối; xong lại đẩy vào phòng giam. Cùng giam ở phòng kín còn có một số người khác không quen biết, chỉ hỏi nhau về hoàn cảnh bị bắt và tình hình gia đình vợ con, ngoài ra không ai nói với ai điều gì cả.
Lần đầu tiên chúng gọi lên gặp tên chủ mật thám. Tên này người Tham Triều tên gọi là Đội Trọng. Tôi đứng đối diện với nó cách bức tường phía sau lưng khoảng nửa mét . Câu hỏi đầu tiên của tên Đội Trọng là:
- Mày có quen với Trợ Phong không ?
Đúng là câu hỏi mà chúng tôi đã dự đoán trước.Tôi trả lời ngay:
- Không quen biết gì cả!
Thế là tên Trọng bắt đầu đấm đá túi bụi, vừa đánh vừa bảo:
- An Cư và Gia Độ mà không quen nhau à?
Tôi trả lời tiếp :
- Vì hai làng cách nhau một con sông lớn, nên chưa bao giờ tôi biết Trợ Phong là ai cả!
Tên Trọng lại tiếp tục đánh, vừa đánh nó vừa bảo :
- Mày làm Phó Chủ tịch, Trợ Phong là Hội đồng Nhân dân tại sao không biết ?
Tôi trả lời vì hai xã khác nhau. Nó lại đánh. Tên Trọng đang đánh thì tên Đội Hưởng, Phó mật thám xuất hiện. Tên Hưởng nguyên là đại biểu Hội đồng Nhân dân thôn Dương Lộc, thuộc xã Phong Gia nay là xã Triệu Độ. Tên Hưởng bảo tên Trọng: Anh này quen, để anh khai, đánh anh làm gì. Tên Trọng ngưng đánh, hai tên nói chuyện với nhau một hồi, xong tên Hưởng đưa tôi về phòng riêng của nó, kéo ghế mời tôi ngồi, pha nước mời tôi uống. Xong nó bảo : May tôi sang kịp, nếu không thì thằng Trọng sẽ đánh chết anh, tôi với anh không có thù hiềm gì với nhau cả, anh đừng sợ tôi, anh cứ khai báo thật thà, tôi sẽ tìm cách giúp đỡ anh.
Tôi trả lời :
- Trước đây anh và tôi đều cùng làm việc cho Việt minh, không những quen biết nhau, mà còn rất hiểu nhau, bây giờ gặp nhau trong hoàn cảnh này, anh giúp đỡ được gì thì tốt, không giúp được thì thôi, có gì đâu mà sợ nhau.
Tên Hưởng đưa giấy viết cho tôi, bảo anh cứ khai đi, tôi sẽ nói chuyện với tên quan Hai xin tha cho anh. Tôi viết một mạch những lời khai y như đã khai ở đồn Gia Độ, ký tên rồi đưa cho nó. Nó đọc xong, nói :
- Anh khai thế này thì khó đấy! Những việc anh khai trước đây nó biết cả rồi, nó chỉ cần biết hiện nay anh đang làm gì và làm với ai, anh phải khai sự thật thì tôi mới có điều kiện để giúp anh.
Tôi trả lời :
- Sự thật hiện nay tôi đã khai cả rồi : Ở chiến khu, tăng gia sản xuất, nhớ nhà về thăm thì bị bắt! Còn gì đâu là sự thật nữa để khai thêm.
Tên Hưởng suy nghĩ một hồi rồi bảo:
- Thôi được anh cứ về trại nghỉ, để tôi xem có cách gì cứu anh được không. Nhưng khai như thế này thì hơi khó đấy!
Sau lần này, chúng còn gọi lên hai lần nữa, mỗi lần cách nhau khoảng một tuần, và như những điệp khúc Đội Trọng đánh thì Đội Hưởng đến can rồi đưa về phòng đưa giấy viết, động viên tôi khai lại, cả ba lần tôi đều viết lại tờ khai y như những lời khai tại đồn Gia Độ. Cuối cùng tên Hưởng thốt lên:
- Anh kiên quyết quá! Tôi muốn giúp anh, nhưng chúng biết anh khai chưa thật, nên rất khó. Tôi sẽ cố gắng, nhưng nếu không được thì anh thông cảm cho. (Không hiểu thật tình hay giả dối). Nằm xà lim tiếp tục thêm khoảng ba tuần nữa.
Một hôm tên đội Hưởng cùng với tên lính Lê dương mở cửa gọi tên tôi. Ra khỏi xà lim tên Hưởng nói với tôi : Thế là anh khỏi chết, nhưng anh còn phải bị giam, vì chúng chưa tin anh đâu? Tên lính Lê dương đưa tôi đến nhà giam ở đình Thạch Hãn và tôi trở thành một tên tù thật sự.

Tóm lại trong quá trình đối mặt với kẻ thù từ đồn Gia Độ, đến chi an ninh Triệu Phong và Ty mật thám của địch, tôi đã đánh lừa được bọn chúng, bọn chúng không khai thác được một điều gì ở tôi, mặc dù bọn chúng biết rất rõ những hoạt động cách mạng của tôi, đồng thời tôi còn cảm hóa được một số binh lính địch tại đồn Gia Độ và đồn Bộ Kẹo ở chợ Sải.

TỔ CHỨC VƯỢT NGỤC
Tuy không đủ chứng cớ để xử bắn tôi, nhưng chúng biết tôi là phần tử nguy hiểm, nên Sở mật thám mật báo cho đề lao Quảng Trị quản thúc tôi tại trại giam, không cho đi lao động khổ sai. Mỗi buổi sáng tôi đều phải xếp hàng điểm danh, nhưng khi phân phối tù đi lao động xong, tôi lại bị đẩy vào trại giam cùng với số người bệnh nặng không đi lao động được, mặc dù tôi chẳng ốm đau gì cả. Suốt ngày quanh quẩn trong trại giam, sách báo không có để đọc, xung quanh mình chỉ có một số anh em đau ốm bệnh tật, do bị đánh đập tra khảo kiệt sức! Buồn quá, tôi nghĩ ra cách nhờ một số chị em đi lao động bên ngoài, kiếm cho một ít vải và cây bút chì, vẽ khăn mặt và áo gối, rồi nhờ chị em thêu giúp để gửi tặng anh em chiến sĩ ở ngoài mặt trận. Dần dần những chị em bị bắt có người thân tham gia kháng chiến đều nhờ tôi vẽ khăn và áo gối để thêu tặng cho người thân và chiến sĩ.
Một hôm tên Huấn đề lao, vào kiểm tra trại giam, thấy tôi đang vẽ khăn mặt, nó đứng xem, thấy tôi vẽ đẹp, đã nhờ tôi vẽ giúp một đôi áo gối để nhờ chị em thêu giúp, tên Huấn tâm sự : Hoàn cảnh của tôi cũng giống như anh, tôi là thư ký Ủy ban Kháng chiến xã ở Cam Lộ, một hôm địch càn, tôi đang sốt rét không chạy được, nên bị địch bắt đưa về Quảng Trị. Chúng giam tôi một năm rồi cho ra làm đề lao. Khi đưa anh đến trại giam, bên phòng Nhì thông báo cho tôi: Không được cho anh đi làm, phải quản thúc anh tại chỗ, thấy anh buồn tôi muốn giúp anh, nhưng không biết bằng cách nào! Chỉ còn một cách là bố trí cho anh làm cai, để anh có việc làm cho đỡ buồn.
Tôi hỏi : Cai gì ? Nó bảo : Cai tù!
Tôi trả lời là tôi không biết làm cai. Hơn nữa tôi là tù lại làm cai tù, thì anh chị em tù họ còn coi tôi ra cái gì! Nếu anh thương tôi, thì cho tôi đi lao động khổ sai, còn làm cai tù thì tôi không làm được! Có lẽ tôi bị giam đã hơn 3 tháng, hơn nữa ở đây còn có hàng ngàn tù nhân, chắc phòng Nhì cũng chẳng còn quan tâm đến tôi nữa, anh cố gắng sắp xếp cho tôi đi làm, tôi rất cảm ơn. Tôi cũng như anh, chỉ mong hết tù để ra làm ăn, còn trốn tránh đi đâu mà anh sợ. Tên Huấn làm thinh, nhưng khoảng hai tuần sau, một buổi sáng, sau khi phân phối tù đi làm hết, Huấn gọi tôi bảo: Sở quan Ba đã có 2 người làm, nay xin thêm một người nữa, tôi bố trí cho anh xuống làm ở đó cho đỡ buồn. Có lẽ Huấn biết ở sở tên quan ba Pháp có lính gác cẩn thận khó bề trốn thoát nên đã bố trí cho tôi đi làm ở đó và mỗi ngày 2 lần tên lính ở sở quan ba Pháp đến nhận tù và trả tù tại trại giam.
Làm ở đây hơn một tháng thì tên trung sĩ Thí lính bồi của tên quan ba Pháp (cũng là người áp giải tù đi về từ trại giam đến sở làm việc) tổ chức cưới vợ. Hôm đó tôi được ở lại sở cả ngày để phụ giúp đám cưới.
Cô dâu là người thị xã, sau khởi nghĩa có quen biết bạn bè với tôi. Lúc tan tiệc khách về hết, hai vợ chồng đang ngồi nói chuyện, tôi đang dọn dẹp bàn ghế, thấy vợ tên lính là người quen nhưng không dám hỏi! Bỗng nhiên cô ta hỏi trước: Ủa anh Lai làm gì ở đây ? Tôi trả lời : Làm tù chứ làm gì! Cô ta hỏi tiếp: Anh làm gì mà bị bắt? Tôi trả lời: Họ muốn bắt ai thì họ bắt, chứ tôi có làm gì đâu. Tên lính ngạc nhiên hỏi vợ: Em cũng quen anh Lai à? Cô vợ trả lời: Anh Lai là người thị xã với nhau làm sao không quen!
Từ đó trở đi trung sĩ Thí tin tôi là người thị xã và thông qua cô vợ nó bắt đầu có cảm tình và tin tưởng tôi không trốn nên dần dần tên Thí không quản lý tôi chặt chẽ như trước nữa, thỉnh thoảng nó còn sai tôi ra chợ mua các thứ lặt vặt cho vợ nó! Một thời cơ rất thuận lợi để tôi tổ chức vượt ngục an toàn. Nhà lao Thạch Hãn lúc đó chưa có chi bộ Đảng, tôi biết một người là đảng viên cũng bị giam lỏng như tôi là đồng chí chủ tịch, người ở Tham Triều, nhưng là chú ruột của tên Trọng chủ mật thám, nên chỉ quan hệ bình thường không dám bàn bạc việc tổ chức chi bộ Đảng. Tuy thế tôi đã tìm hiểu, tổ chức được một nhóm quần chúng tốt tại nhà lao, gồm các đồng chí bộ đội thuộc Trung đoàn 95 bị bắt gồm có: Anh Lý Đình Đảng Trung đội trưởng, anh Thành Tiểu đội trưởng và anh Gia trinh sát trung đoàn và một số chị em phụ nữ tốt gồm có: cô Ba, cô Con ở Đông Hà, cô Ngọc ở Nại Cửu, chị Trợ Tân ở Hải Lăng và chị Bí vợ anh Lương An cán bộ Tỉnh ủy Quảng Trị. Chúng tôi thống nhất với nhau, đi làm bên ngoài ai nắm được tình hình gì của ta và của địch tối về phải thông báo cho nhau biết.
Riêng tổ nam giới có thêm nhiệm vụ điều tra đường sá, tình hình nhân dân vào ra thị xã và quy luật canh gác ở các sở làm việc, chuẩn bị cho kế hoạch vượt ngục. Khó khăn nhất là trong tổ chức vượt ngục của chúng tôi có 4 người lại đi làm ở 3 sở khác nhau, đặc điểm lao động khác nhau, sự canh gác quản lý của địch cũng khác nhau nên rất khó hành động thống nhất khi có thời cơ thuận lợi. Sau một thời gian nắm được đường sá, tình hình đi lại của nhân dân và quy luật bố phòng của địch. Chúng tôi quyết định ngày vượt ngục và thống nhất cùng trốn một ngày, nếu trong ngày đó ai chưa trốn được thì hôm sau cũng phải tiếp tục trốn ngay, nếu chậm trễ khi địch có kế hoạch đối phó thì sẽ gặp khó khăn! Một buổi trưa đi làm về, thì được tin anh Lý Đình Đăng và anh Gia đã trốn được, lập tức chiều hôm đó tôi tranh thủ trốn ngay bằng cách trà trộn trong dòng người đi chợ về qua cầu nổi trước nhà máy nước, qua khỏi cầu đi dọc theo bờ sông, về đến Hậu Kiên thì trời bắt đầu tối, tôi ghé vào một nhà dân cạnh đường xin nước uống, nghỉ chân chờ tối tìm cách vượt đường số một lên chiến khu. Tôi trình bày hoàn cảnh trốn tù và yêu cầu gia đình giúp đỡ dẫn qua đường để khỏi đi lạc vào đồn địch hoặc gặp các ổ phục kích của giặc. Cụ chủ nhà cảnh giác bảo: Thôn này có Hội tề, không ai biết đường lên chiến khu cả, anh nên đi ngay, ngồi lâu Hội tề biết thì chúng bắt nộp lại cho Tây đấy! Thấy tôi có vẻ lo lắng buồn rầu, ông cụ nói tiếp: Thôi anh ngồi đây một lát, có ai đến thì tránh đi, để tôi đi hỏi thăm có ai biết đường tôi sẽ nhờ họ giúp đỡ.
Khoảng 30 phút sau ông cụ trở về cùng với 3-4 người xô cửa bước vào nhà, tôi thấy trong số đó có đồng chí Trương Huyện ủy viên. Đồng chí Trương chạy đến ôm lấy tôi và nói : Đúng anh Lai đây rồi, làm sao trốn được? Thôi về nhà tôi nghỉ, đợi tôi họp xong sẽ về huyện luôn. Đúng 2 giờ sáng chúng tôi vượt qua đường số Một lên chiến khu (Trấm) gặp Huyện ủy. Tay bắt mặt mừng và từ đó tôi đã trở lại cuộc sống tự do và tiếp tục công tác bình thường. Đồng chí Hào, bí thư Thị ủy nói: Tôi thường xuyên theo dõi tình hình của anh ở trại giam, chưa kịp tổ chức đưa anh ra thì anh đã tự ra trước rồi.

còn tiếp...

Không có nhận xét nào: