Thứ Tư, 4 tháng 7, 2007











HỒI ỨC VỀ BA TÔI


hồ tĩnh tâm
HỒI ỨC VỀ BA TÔI

1.
Năm 1954, tôi sống với mệ ở thị trấn Hồ Xá. Ngôi nhà lá nằm lưng chừng một con dốc, có con đường đất đỏ chạy vắt qua đồi và chạy thẳng xuống chợ huyện. Mệ tôi bấy giờ đã ngoài sáu mươi, hàng ngày gói bánh ú đem bán. Tôi nhớ hình như tóc mệ bấy giờ hãy còn xanh, lưng thẳng và đi lại vẫn nhanh nhẹn lắm.
Một hôm mệ hỏi:
- Thằng Cu có muốn đi thăm ba mi không?
Tôi tròn mắt ngạc nhiên, vì cứ tưởng trên đời này chỉ có mệ là người nuôi tôi. Không ngờ tôi lại còn có ba nữa. Mà đã có ba thì ắt phải có mẹ. Tôi hỏi: “Đi thăm má con luôn được không”? Mệ nói: “Má mi ở ngoài Hà Nội với chị và em mi, thăm răng được”.
Vài ngày sau tôi được mệ dẫn đến một doanh trại quân đội ở gần chợ huyện. Ba tôi đội mũ kê py, mặc quân phục và đi giày đinh. Với tôi như vậy là oách lắm. Nhất là tôi thấy ba đeo súng lục ngang hông, trước ngực lại còn tòn ten cái ống nhòm. Không hiểu sao lúc đó tôi vừa thích lại vừa sợ. Thích vì thấy ba tôi mắt sáng, gương mặt vuông vức và rất trắng. Sợ vì nghĩ ba tôi chắc là một ông tướng. Bởi vì mấy chú bộ đội tôi thấy hàng ngày, có ai đeo quân hàm quân hiệu trên vai đâu; hơn nữa họ lại không đội mũ có lưỡi trai đen nhánh, và chỉ đi giày vải, súng thì dài thườn thượt.
Trưa đó, tôi được ba dẫn đi ăn cơm khách của doanh trại. Đó là cả một bữa tiệc thịnh soạn, bởi có cá, có thịt, có trứng rán, có trái cây. Lại có cả nước xi rô màu đỏ. Hàng ngày, hai bà cháu tôi chỉ ăn cơm với cá cờ kho mặn, chan canh rau muống, rau dền, rau ngót, giỏi lắm mới có vài miếng thịt. Tôi nghĩ, nếu ba cho tôi vào doanh trại, thế nào tôi cũng xin học làm quân đội, làm tướng. Lúc đó tôi rất thích được sờ vào khẩu súng và cái ống nhòm. Nhưng tôi nghĩ, chỉ có các vị tướng mới được giữ những thứ đó.
Thêm một điều không ngờ là ngay buổi chiều hôm ấy, tôi được ba chở bằng xe comancar ra thăm cầu Hiền Lương. Cùng đi còn có chú Lượng mới từ Hà Nội vào. Và càng không ngờ hơn là tôi được cầm ống nhòm nhìn sang bờ Nam. Ba tôi nói: “Quê mình nằm thấp về phía biển, gọi là Triệu Phong”. Cái tên ấy suốt đời sẽ không ra khỏi đầu tôi.
Sau này tôi mới biết, bấy giơ ba tôi đang công tác trong phái đoàn của ủy ban liên hiệp quốc tế về đình chiến ở Việt Nam. Ba chỉ là đại đội trưởng chứ chẳng phải là ông tướng gì cả.

2.
Hơn một năm sau tôi mới được gặp lại ba. Lần này ba từ quân khu bốn vào để đưa tôi ra làng Chuông ở Hà Đông với mẹ. Tôi khóc gào lên, bởi tôi không thể xa mệ được. Thấy ba cứ cương quyết bắt tôi lên xe ca, tôi ghét ông vô cùng. Tại sao lại phải bắt tôi phải xa mệ cơ chứ. Mệ gần gũi và thương yêu tôi biết bao. Hàng đêm, tôi vẫn ngồi thức coi mệ nấu bánh, nghe mệ kể chuyện về Triệu Phong. Sáng ngày, khi tôi thức giấc thì mệ đã đi chợ. Bao giờ cũng có một bát xôi giành phần sẵn. Mỗi buổi chợ về, mệ thường mua cho tôi lúc thì mấy củ khoai từ, lúc thì cái bánh tráng, lúc thì cái bánh mì. Vậy mà ba bắt tôi phải xa mệ!
Ngồi trên xe, tôi chỉ quay đầu ra cửa. Vùn vụt qua mắt tôi là làng xóm, núi đồi và những dòng sông con suối. Ba tôi đang đọc một cuốn sách gì đó. Hai cha con cứ vậy mà lặng lẽ như chưa hề quen biết. Phải tới lúc xe dừng lại chuẩn bị qua phà sông Gianh, ba mới hỏi tôi: “Con có muốn mua một cuốn truyện tranh không”? Tuy chưa biết chữ nhưng tôi vẫn mừng rơn lên. Mệ thỉnh thoảng vẫn mua truyện tranh cho tôi. Tôi nhờ chị hàng xóm đọc cho nghe. Nghe chỉ vài lần là tôi thuộc vanh vách, ngồi kể lại cho lũ bạn cứ như là tôi biết đọc. Cuốn truyện tranh đó đã hàn gắn tình cảm của tôi với ba. Mà không chỉ một cuốn, ba mua cho tôi một lúc tới ba cuốn. Tôi nghĩ trong bụng, chắc ba tôi nhiều tiền lắm.
Chặng đường còn lại, ba đọc sách cho tôi nghe, và kể cho tôi rất nhiều về quê nhà Quảng Trị. Ở đó ba đã chiến đấu ra sao, chú tôi đã hy sinh ra sao, mệ tôi đã khổ cực như thế nào. Nhiều chuyện tôi nhớ tới tận hôm nay. Nhưng lúc bấy giờ, có một nỗi ám ảnh cứ day dứt mãi, đó là hình ảnh dòng sông Thạch Hãn mà tôi không thể nào hình dung ra được. Ba nói: “Lớn lên rồi con sẽ biết”.
Lần đó ba đưa tôi ra thẳng làng Chuông Hà Đông. Tôi mừng vì biết mình còn có một người chị hát rất hay, và thêm một thằng em trắng như con gái, cái gì cũng muốn biết. Nhưng ba chỉ ở lại với mẹ con tôi có một đêm, rồi lại đi công tác ở đâu đó.

3.
Năm 1959, mẹ quyết định đưa tôi và hai đứa em trai vào thành phố Vinh. Còn chị tôi thì xuống Hải Phòng theo trường học sinh miền Nam số 6. Mẹ quyết định thế, bởi lẽ ba tôi đã chuyển vào công tác tại nông trường quân đội Nghi Văn, thuộc quân khu IV.
Một buổi chiều, tôi đi chơi ngoài phố về, thấy ba đã có mặt trong nhà. Hai thằng em tôi quấn lấy ba, hỏi đủ thứ chuyện. Chúng quá mừng vì ba cho chúng rất nhiều kẹo và bánh. Riêng tôi với thằng Sơn, mỗi đứa được ba mua cho một bộ đồ trượt tuyết bằng vải nỉ đỏ của Liên Xô. Thằng Hải thì được một bộ sơ mi. vào thời ấy, đó là cả một món quà quý ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Ngày hôm sau ba dẫn cả nhà đi chụp ảnh và ăn cơm tiệm. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi được đi ăn cơm tiệm và chụp ảnh. Tiệm ăn lúc đó gọi là cửa hàng ăn uống quốc doanh, rất lớn, rất nhiều người; ba và mẹ phải mua phiếu, xếp hàng lấy thức ăn và nước uống đem ra bàn. Còn cái máy ảnh thì to kếch, ngồi chễm chệ trên ba cái chân sắt. Ông thợ ảnh trùm cái máy bằng một tấm vải đen xùm xuề rồi chui vào trong đó. Bàn tay trái của ông lú ra ngoài, vẫy vẫy chỉ huy chúng tôi kiểu ngồi, kiểu cười; rồi tạch một cái, tôi chóa mắt bởi một thứ ánh sáng chớp lên như sét. Ông thợ chui ra, cười toét miệng: “Xong rồi, mấy ngày nữa tới lấy ảnh”.
Mãi sau này tôi mới được xem tấm ảnh ấy, bởi vì ngay ngày hôm sau ba đã dẫn tôi theo lên nông trường Nghi Văn. Lần này thì tôi thích thật sự. Bởi tôi nghe ba nói, nông trường của ba có cả một thư viện, tha hồ sách mà xem, có điều tôi phải đi học cho biết chữ, chứ cứ xem truyện tranh mãi người ta cười cho.
Chiếc xe ca chạy đường Hà Nội, dừng lại phía bên kia cầu Cấm, thuộc địa phận đất Diễn Châu. Cha con tôi phải tiếp tục đèo nhau bằng xe đạp. Chiếc xe chạy ro ro trên con đường đồi đất đỏ. Đến đâu cũng nghe chim đa đa gáy, nghe tiếng chúng đập cánh bay ràn rạt.
Trời sập tối lúc nào, vậy mà cái xe đạp lại xì hơi, đành phải dẫn bộ. Chúng tôi cứ đi, cứ đi mãi. Đêm đặc sánh lại, như có thể cắt ra từng miếng. Lần đầu tiên tôi nghe ba huýt gió và hát thành tiếng. Té ra ba hát khá hay và thuộc rất nhiều bài. Sau này, nghe ba hát mãi tôi cũng thuộc không sót bài nào. Nhưng lúc đó, tiếng hát của ba quyện với tiếng chim đa đa kêu đêm, nghe rất vui. Nhờ vậy mà một đứa bé bảy tuổi như tôi mới đi bộ được cả đoạn đường đồi dài hơn hai chục cây số.
Ở nông trường, tôi cũng được ăn một xuất cơm như của ba. Bữa nào ba ở nhà thì cha con ăn chung với nhau, bữa nào ba đi công tác thì tôi ăn một mình. Chú anh nuôi của nông trường bộ rất vui tính, thường xúc thêm ra dĩa cho tôi rất nhiều thịt và cá. Chú nói, phải ăn nhiều cá thịt học mới giỏi. Tôi chẳng biết tôi học có giỏi hay không, nhưng lêu lổng chơi bời thì tôi giỏi lắm. Nhiều lần ba xuống các đội sản xuất lâu ngày, tôi cũng theo các chú công nhân leo xe máy kéo, xe tải vi vu đây đó. Vì ba là giám đốc nên các cô chú công nhân rất qúy tôi. Họ dạy cho tôi đủ thứ. Từ cách gài bẫy chim, đến cách bắt cá như thế nào. Lăn lóc nắng gió, tôi tròn trùng trục, đen thủi đen thui, mọi người gọi tôi là thằng Cu Đen.
Trường học cách nông trường bộ hơn năm cây số. Lũ trẻ con em cán bộ công nhân nông trường chúng tôi hàng ngày vẫn đi bộ với nhau. Đám con gái thì siêng học, chứ đám con trai chúng tôi thì… siêng lủi vào những đồi sim, đồi mua, đồi muồng nhiều hơn. Kết quả là tôi học không ra gì.
Một hôm ba đột ngột từ dưới đội sản xuất về, rủ tôi ngồi làm báo tường cho nông trường bộ. Nghĩa là ba vẽ, ba chép bài, rồi giao cho tôi gián vào tờ giấy cứng. Tôi không ngờ ba vẽ rất đẹp. Rồi lại còn làm thơ, và còn viết cả kịch nói. Vỡ kịch đầu tiên của ba mà tôi được xem lại do ba diễn vai chính. Còn bác bí thư đảng ủy thì đóng vai phản diện. Tôi không nhớ nội dung vỡ kịch ấy, chỉ biết người ta xem và người ta cười muốn bể cả hội trường.
Khi tờ báo làm xong, ba nói: “Ngày mai con phải về lại thành phố Vinh thôi. Ở trên này con lười học quá, không thể nên người được”.

4.
Thời gian cứ thế trôi qua. Bao nhiêu mùa trăng tôi không nhớ được. Mẹ sinh cho mấy chị em tôi hai đứa em trai là thằng Hòa, thằng Hùng. Một thằng ngịch như giặc, một thằng hiền như bụt. Kể cả tôi, ba mẹ có năm thằng ngũ quỷ. May mà chị Dung tôi cân bằng lại. Vậy nên thằng Sơn học rất giỏi, thằng Hải rất tài hoa, thằng Hòa có máu gan lì tướng quân, thằng Hùng thì tình cảm và dí dỏm; tất cả đều mê đá bóng như điếu đổ.
Mùa đông năm ấy, trời lạnh kinh khủng. Bấy giờ tôi đang học lớp năm. Chị Dung học lớp tám. Mẹ dẫn sáu chị em tôi lên sơ tán ở làng đồi bát úp Thanh Khê, huyện Thanh Chương. Tôi và hai thằng em áp út cưỡi con trâu trắng của vợ chồng thím Tý, chẳng may khi trâu bườn qua gò đất, thằng út bị ngã gãy xương vai. Mẹ nói: “Mày hư quá! Giữ em không nên thân. Ba về thì biết!”. Năm ấy (1965), ba tôi về thật. Ba đi xe comanca. Chở theo cả một đống quần áo.
Tôi lần đầu tiên được mặc áo Đông Xuân, áo bông vải gabađin màu xanh chỉ lâm. Kể như nhất vào thời đó. Chị cả và các em cũng có áo ấm. Mùa đông ở huyện miền núi trở thành kỷ niệm.
Nhưng ba về rồi ba lại đi. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, ba là con người của công việc. Thoắt về thoắt đi. Hình như ba không có thời gian cho cả nhà vui trọn vẹn.
Sau này mẹ dẫn chúng tôi ra Thạch Thành sơ tán. Ba có về một vài lần. Lần nào cũng chỉ một hai ngày. Thường là ba tự lái xe comancar, xuyên theo những con đường rừng, từ một nông trường nào đó về thăm nhà. Đó là những ngày mấy chị em tôi được ăn uống đã đời. Ai có sống những năm tháng miền Bắc bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá mới hiểu. Hiểu gì ư? Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết trong thơ: cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ, văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi. Tôi không muốn kể ra đây nỗi khổ lúc bấy giờ. Chỉ xin nói về mấy câu thơ rất trí tuệ của người đồng hương nức tiếng một thời mà tôi vô cùng kính trọng: tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất, khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc, Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn!
Rồi mùa hè năm 68 ập tới với nắng vàng rực rở. Ba tôi về Thạch Bình bằng chiếc xe đạp phượng hoàng. Lúc đó mẹ đã mua cho tôi chiếc xe đạp Thống nhất. Ba và tôi đạp xe gần hai trăm cây số ra Hà Nội thăm chị Dung. Chị đang học tiếng Nga để chuẩn bị đi nước ngoài tại trường đại học bách khoa. Ba nói, con muốn nên người thì cứ noi gương chị Hai mà học. Từ đó tôi ít nghịch hơn, và bắt đầu quan tâm nhiều tới chuyện học hành.
Kể từ ngày ấy trở đi, năm nào tôi cũng là học sinh giỏi. Nhưng máu văn nghệ của tôi vẫn cứ sôi lên sùng sục. Với cây đàn mandolin mà chị Dung dạy tôi vỡ lòng đồ rê mi lúc ở Nghi Hồng, tôi bắt đầu thích nhạc. Khi đã biết thế nào là hợp âm, là giai điệu, tiết tấu, suốt ngày tôi chỉ mơ có một cây ghita.
Mùa hè năm 69, khi mẹ đã đưa mấy anh em tôi về xã biển Quỳnh Minh, ước mơ của tôi mới thành sự thật. Mẹ lặn lội ra Hà Nội thăm ba. Ba mua tặng tôi cây ghita 45 đồng. Đó là số tiền gần cả tháng lương của mẹ. Tôi biết, mẹ phải nói thế nào mới thuyết phục được ba, bởi vì ngay cả Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Vinh lúc bấy giờ, cũng chỉ có chú Trí dạy topo có một cây đàn ghita, nhưng là đàn của đội văn nghệ khoa. Thích thì thích thật, nhưng thay bằng học đàn, tôi lại lao vào học nhạc lý. Tôi học từ thằng bạn tên Nguyễn Sĩ Dũng, và từ một ông thầy dạy sinh chưa có vợ. Hành trang vào đời của tôi bắt đầu từ hợp âm La thứ, với bài hát “Đôi bờ”, giúp tôi khám phá thế giới giai điệu và âm hình tiết tấu, cũng như lối cấu trúc hoàn chỉnh một ca khúc bốn câu nhạc theo tiến hành công năng TSDT. Ba với tôi là thần tượng, nhưng chưa bao giờ cha con sống với nhau được quá ba ngày.
Sau này tôi mới hiểu, không biết vì sao mẹ tôi lại vượt qua được trăm ngàn nỗi nhớ thương, chờ đợi. Còn mấy anh em chúng tôi, có được cây đàn, coi như không còn biết khổ là gì.

5.
Tôi nhớ những năm sơ tán. Hình ảnh mẹ tôi gánh thằng em út trên một đầu thúng, đầu thúng kia là nồi niêu chén bát và thức ăn, lúc nào cũng sống động như vừa mới xãy ra. Tôi, chị Dung và thằng Sơn vắt chéo qua vai mỗi người một ruột tượng gạo may bằng vải xanh chỉ lâm. Cả nhà tôi cứ thế đi hết nơi này nơi khác, chỉ có ba là vắng mặt. Những lúc vất vả dặm đường, mẹ thường nói: “Đến nơi thế nào ba cũng tìm vào thăm. Ở Hà Nội, ba bận nhiều công việc. Chúng tôi phải noi gương ba mà học cho giỏi”. Tôi biết mẹ rất tự hào về ba. Lúc đó ba vừa làm việc vừa học chuyên tu đại học Kinh tế – Tài chính. Trường của ba cũng sơ tán về nông thôn. Để có tiền gởi về nuôi sáu đứa con, ba hàng ngày, sau giờ học, cũng lặn lội ra đồng mò ốc, bắt cua, bắt cá, bởi vậy ba bị ghẻ rất nặng. Có lần ba về Thạch Bình, Thạch Thành, Thanh hóa thăm nhà, mẹ sai tôi vào làng bẻ cả ôm lá ba chạc nấu lên cho ba tắm. Rồi mẹ dùng dao cạo từng mụn ghẻ để xức thuốc. Mỗi ngày mỗi trị, được gần ba ngày thì ba khỏi bệnh. Khi ba đi rồi, mẹ nói: “Mấy đứa thấy chưa? Ba lớn tuổi rôi mà đi học, thi môn nào cũng được điểm 5 (Bấy giờ miền Bắc chấm điểm 5 theo nền giáo dục Liên Xô, là điểm 10 bây giờ)”.
Để khuyến khích chúng tôi học tập, thời sống ở Thạch Bình, tối nào mẹ cũng bung một nồi ngô nếp- có khi là ngô răng ngựa của Mỹ- tất cả đều được ngâm qua nước vôi để đãi sạch mày và vỏ cứng bên ngoài. Trong khi chờ ngô chín, mẹ thường hỏi chúng tôi về bài học ở trường. Nhiều hôm anh em chúng tôi còn xúm nhau đóng kịch. Kịch dựa theo các bài tập đọc. Không chỉ lo cho chúng tôi học hành, mẹ còn dạy chúng tôi trồng rau, nuôi gà, nuôi vịt, nuôi ngỗng. Gà nuôi cả bầy hàng chục con, trứng mỗi ngày thu được cả rỗ. Anh em chúng tôi tha hồ làm bánh bao, bánh ga tô, bánh xà quẫy, bánh rán, nấu mì sợi. Lúc đó mẹ thường mua mỗi lần cả thùng mỡ thực vật mười ký. Bột mì mẹ cũng mua thêm từng bao lớn.
Một lần ba về thăm, thấy anh em chúng tôi thích chăn nuôi, ba đạp xe mấy chục cây số tới một nông trường quốc doanh, mua về cho chúng tôi bốn con ngỗng sư tử con. Đó là giống ngỗng to lớn, con nít đi ngang qua, đứa nào cũng sợ, bởi vì chúng vừa gióng cổ rượt đuổi, vừa kêu quàng quạc inh ỏi, nom khiếp lắm. Ba khuyên chúng tôi nên nuôi chó cho vui. Mẹ lên bản người Mường, mua về cho chúng tôi một con chó săn lông trắng. Thằng Sơn đặt tên nó là Giôn Xơn, hàng ngày kiên trì dạy cho nó đứng lên đi bằng hai chân sau, và đi nhặt đồ. Tôi thì chỉ thích dạy Giôn Xơn săn chuột và rượt đuổi chồn cáo trong lùm bụi. Giôn Xơn là con chó cái tinh khôn và dũng mãnh; không một con chó to lớn nào trong xóm có thể thắng được nó. Mỗi lần cần bắt gà, chỉ việc chỉ tay hay ném đá về phía con gà nào, Giôn Xơn liền phóng đi, ngoạm ngang cần cổ con gà tha về. Sau này Giôn Xơn đẻ cho anh em chúng tôi một bầy chó con, mẹ cho hết, chỉ giữ lại một con lông màu xám tro, đặt tên là con ky. Ky lớn nhanh vùn vụt. Cùng với mẹ, nó giữ đàn gà rất kỹ, không một con chồn con cáo nào dám bén mảng.
Cùng với việc chăn nuôi, mấy anh em chúng tôi cũng rất thích trồng trọt. Chúng tôi trồng đủ thứ rau. Từ rau cải, bắp cải, củ cải, su hào tới hành, tỏi, và cả rau diếp, rau xà lách, rau muống cạn giống Trung Quốc. Một lần về thăm, ba khuyên nên đào đất thành ao cạn, dẫn nước ruộng vào trồng rau muống nước. Rồi ba xắn tay áo cùng đào ao với tôi. Chỗ đất đắp cao lên, ba nói tôi nên trồng mía, đu đủ và chuối để có quà mà ăn. Bấy giờ tôi với thằng Sơn rất siêng đi củi trên rừng Lạch Quèn. Chủ nhật nào hai anh em tôi cũng dẫn con Giôn Xơn, con Ky theo trẻ làng đi củi. Đống củi nhà tôi chất cao ngồn ngộn. Ba nói: “Ở rừng, chẳng cần phải trữ củi nhiều làm gì. Thời gian phải để dành mà học”. Thằng Sơn nghe theo lời ba, học rất chăm, rất giỏi. Còn Hải, Hòa, Hùng, cả ba đứa, năm nào cũng được tặng danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ. Mỗi lần như vậy, bao giờ ba cũng có quà gởi về. Thường là quần áo mới và sách vở. Biết tôi với thằng Sơn thích đọc truyện, mỗi lần về thăm, bao giờ ba cũng mua cho chúng tôi cả đống truyện. Ba còn khuyên tôi nên làm thêm cái gì đó hợp với sức của mình để kiếm tiền mua sách. Vậy là tôi mượn xe ba gác đi chở nước mắm, chở thực phẩm cho khoa Toán. Tôi còn cùng Hiệp Ruốc đi đào giếng, đi xúc đá. Nhờ vậy mà tôi mua được rất nhiều sách. Sống ở nơi sơ tán, vậy mà anh em chúng tôi có cả một thư viện vài trăm cuốn sách. Thấy tủ sách toàn là sách truyện, ba khuyên tôi nên mua thêm sách khoa học kỹ thuật. Thói quen đọc sách khoa học kỹ thuật của tôi được hình thành từ bé chính là nhờ ba dạy cho. Sau này, khi đã thành người viết văn chuyên nghiệp tôi vẫn giữ được thói quen ấy. Và cả con gái tôi sau này, có lẽ cũng ảnh hưởng rất nhiều thói quen thích đọc sách báo của ông nội. Nhưng thôi, đó là chuyện sau này.
Năm ấy, ba hẹn sẽ về thăm nhà vào dịp Tết, nên mẹ quyết định mua hai con lợn con về nuôi. Nhưng gần Tết thì ba thư về, nói bận công tác ở mấy nông trường trên Tây Bắc, không thể về được. Qua Tết mẹ quyết định đi thăm ba, tiện thể mua giấy và mua sách cho chúng tôi. Lúc bấy giờ ở miền Trung giấy rất hiếm và rất đắt. Tôi với thằng Sơn ở nhà, bày trò rủ Hiệp Ruốc xuống chơi, rồi đè cổ một con lợn hơn ba mươi ký ra thịt. Chúng tôi thịt vì tò mò muốn xem lục phủ ngũ tạng của nó bố trí ra làm sao. May mà cô Liễu vợ chú Luyện biết được, ới bạn bè tới chia mỗi người vài ký.
Khi mẹ về, không biết ba gởi bao nhiêu tiền, mà mẹ nói sẽ mua cho tôi một chiếc xe đạp Favorit để đi học. Đây là xe Tiệp, lúc bấy giờ không phải ai cũng mua nổi. Nhưng đang lúc tìm mua xe thì mẹ nhận được phiếu mua xe cung cấp, hiệu thống nhất. Chị Dung giữ chiếc xe ấy, đến khi đi học ở nước ngoài chị mới giao cho tôi. Qua Liên Xô, chị gởi về cho anh em chúng tôi một thùng đồ chơi, có cả chiếc đàn gõ kiểu như đàn t/rưng bằng kim loại. Riêng tôi còn được tặng một cái đồng hồ hiệu Slava. Khi ba đem quà về, ba tặng luôn cho tôi cái đài Xionmao ba băng. Tôi biết đây là cái đài ba rất qúy, bởi thương chúng tôi đang sơ tán ở miền núi, nên ba mới cho.
Sau này tôi ra Hà Nội chờ đi học, ba khuyên tôi nên học thêm âm nhạc và khí nhạc. Tôi được ba dẫn đến trung tâm dạy ghita của giáo sư nhạc sĩ Nguyễn Văn Phúc. Nhưng ngay ngày hôm đó tôi nhận được giấy triệu tập lên trường đại học Mỏ – Địa chất ở Phổ Yên- Thái Nguyên, nên xin xóa tên khỏi danh sách. Ba cho tôi ít tiền và năm ký mì sợi để lên trường. Vậy mà hàng tuần tôi vẫn về Hà Nội. Lần nào ba cũng cho vài đồng và vài ký mì sợi. Mì là lương thực mua theo bìa phiếu cung cấp. Ba cho tôi mì, có nghĩa là ba phải ra chợ mua thứ khác để ăn. Sau này tôi mới biết, ba vẫn thường xuyên ăn phở “không người lái”- tức là phở chay không có thịt, giá một hào một tô.
Đến lúc ba theo phái đoàn tiếp quản kinh tế vào Nam, ba bàn giao cho tôi chiếc xe phượng hoàng màu cánh trả. Với chiếc xe đạp đó, tôi đã ngao du ngang dọc suốt cả tỉnh Thái Nguyên. Căn phòng của ba, ba cũng giao chìa khóa cho tôi, nên thỉnh thoảng tôi vẫn về Hà Nội vào chiều thứ bảy và ngày chủ nhật. Một lần tôi vừa về tới nhà để chuẩn bị sắp xếp vào Nghệ An thăm mẹ và các em, thì ba cũng từ trong Nam mới ra. Ba nói, tình hình này còn phải đánh đấm vài năm nữa mới thống nhất được.
Tôi chưa thể viết hết ra được những hồi ức về ba, nhưng tôi biết ba, dù ở xa, vẫn rất chú tâm để ý tới từng bước đi của chúng tôi trong cuộc đời. Bằng chứng là mãi sau này, khi tôi đã trưởng thành, ba vẫn giữ cái tông đơ Liên Xô tôi mua về cắt tóc cho mấy đứa em, giữ cái đèn bão tôi mua bằng tiền đi xúc đá, giữ mấy cuốn sổ nhật ký, mấy cuốn sổ tay chép thơ sáng tác của tôi, cả tấm bản đồ theo dõi đường tiến công chiến dịch Hồ Chí Minh để hy vọng tôi sẽ theo đoàn quân chiến thắng trở về.

6.
Sau 30 tháng 4 năm 75, trung đoàn tôi lên đóng quân ở miệt Tân Thành, gần sông Trăng biên giới Việt Nam – Campuchia. Do đám tàn quân Sài Gòn chạy qua đất bạn móc nối gây rối, tôi chưa thể nghỉ phép về thăm nhà. Trong một lần đi công tác, ba đã đến thăm tôi, rủ tôi đi thị xã Long Xuyên mua cho mẹ cái tủ lạnh 20 lít, mua cho tôi cái đồng hồ titoni tự động. Rồi cha con cùng nhau lên Sài Gòn, lùng mua một dàn tex nghe nhạc, một bộ salon bọc len gởi ra Hà Nội. Kể từ đó, ba thường xuyên đi công tác các tỉnh đồng bằng châu thổ. Riết rồi thành duyên, ba xin chuyển hẳn vào Nam. Không biết bằng cách nào mà một thân một mình ba vẫn nuôi heo. Ba nuôi heo trong buồng tắm. Con nào cũng trên một tạ rưỡi mới xuất chuồng. Khi thằng Hải xin vào Nam làm việc, cùng với nó, ba nuôi heo càng tích cực hơn. Từ heo jorsea tới cả heo bò. Được bao nhiêu tiền cũng mua đồ gởi về Hà Nội cho mẹ.
Một lần đến thăm tôi ở Long Hồ, ba mua tặng vợ chồng tôi một con heo giống ngoại F1 chính hiệu. Con heo này lớn phì phì, to khỏe sạch sẽ tới mức chiều nào đứa con gái ba tuổi của tôi cũng trèo lên lưng nó cưỡi chơi như cưỡi ngựa. Thấy tôi nuôi được, ba cho tiếp một con heo bò. Con này tôi nuôi lớn tới 185 kg mới bán.
Khi cả nhà tôi chuyển vào Nam, ba mới thôi không nuôi heo trong buồng tắm. Đó cũng là lúc ba nghỉ hưu. Tiếng là nghỉ nhưng ba lại tham gia Ban chấp hành đảng bộ phường Bến Nghé, trực tiếp làm chủ tịch mặt trận phường. Để khuây khỏa tuổi già, ba đưa cháu nội là con gái tôi lên sống với ông bà. Hàng ngày ông nội lọm khom chở cháu gái đến trường bằng cái xe đạp cà tàng, không cần chuông người ta cũng nghe tiếng kêu của nó mà tránh ra. Cháu học hết lớp một với ông, mẹ nó nhớ con mới xin cho nó về nhà. Từ đó ông rất siêng xuống Long Hồ thăm cháu.
Từ khi nghỉ hẳn công việc ở phường, tưởng ba lão giả an chi, nào ngờ ba lại tích cực tham gia Hội người cao tuổi, Hội thơ Bến Nghé, Hội cựu chiến binh, Hội đồng hương Quảng Trị. Và ba bắt đầu làm thơ, bắt đầu ngồi mày mò viết hồi ký. Ba viết nhanh và nhiều tới chóng mặt. Thơ của ba giản dị, chân thật và tình cảm như con người của ba. Có dễ giờ này đã lên tới vài trăm bài. Bận bịu viết lách nhưng ba vẫn không quên bà con, bè bạn, người làng người xóm. Hàng năm, cứ rủng rỉnh để dành được ítt tiền là ba lên đường. Lúc thì lên Tây Nguyên, ra Bình Thuận thăm bà con đi kinh tế mới; lúc thì về quê viếng ông bà cha mẹ; lúc thì đạp xe cọc cạch đi thăm bè bạn trong thành phố. Các em tôi nói: ông nội đi đâu cũng như phóng viên. Nghĩa là ba cụ bị theo nào là máy ảnh, máy ghi âm, sổ sách. Tất nhiên có một thứ ba không bao giờ quên, đó là các tập thơ mới sáng tác để tặng bạn bè, mấy bộ quần áo tặng con cháu ở quê; kể cả tiền để xây mộ, xây nhà thờ họ và tổ chức cúng quãy ở làng. Đó là làng Gia Độ, nơi mệ tôi, ông tôi đã nằm xuống, chú tôi đã nằm xuống.

7.
Vào mùa hè đỏ lửa năm 72, tôi quyết định sung vào quân đội. Từ Phổ Yên, tôi về Hà Nội thăm ba. Ba cho tôi 15 đồng, với một ruột tượng gạo và năm ổ bánh mì, một bọc mì lát khô tẩm đường, cùng lời nói: con phải về Yên Thành thăm mẹ, thăm các em; chiến tranh ác liệt, một đi biết bao giờ trở lại.
Năm tháng sẽ trôi đi, nhưng ngày ấy thì đọng mãi trong tâm thức.
Tôi sẽ không kể ra đây tất cả những gì đã thành kỷ niệm. Chỉ xin nói rằng, khi tôi tình nguyện đầu quân tại đoàn 568 Quân khu Tả ngạn, ba viết thư gởi lên vùng Yên Tử - Đông Bắc, nói rằng: Ba muốn con đổi tên Hồ Xuân Tâm thành Hồ Tĩnh Tâm.
Và cái tên của hồ sen trắng Thành Nội, gắn với tôi tới tận bây giờ.

Vĩnh Long, ngày 11 tháng 11 năm 2005
Hồ Tĩnh Tâm
Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam
ĐT: 0913. 648732
E-Mail:
hotinhtam52@yahoo.com.vn







Không có nhận xét nào: