Thứ Tư, 4 tháng 7, 2007

Sống giữa lòng dân - Hồ Xuân Lai


SỐNG GIỮA LÒNG DÂN
Hồ Xuân Lai


Sở dĩ tôi còn sống đến hôm nay là nhờ được nhân dân hết lòng nuôi dưỡng, che dấu. Không chỉ một mình tôi mà tất cả cán bộ, du kích xã sở dĩ tồn tại và chiến đấu công tác được ngay giữa lòng địch suốt cả thời gian kháng chiến là nhờ được dân che giấu đùm bọc.

Mặc dù sống dưới sự kiểm soát gắt gao của địch, bọn Hội tề, mật vụ theo dõi dòm ngó ngày đêm. Nhưng lòng dân vẫn hướng về cách mạng, không quản ngại gian khổ hy sinh, hết lòng nuôi giấu, bảo vệ chúng tôi, trừ một số rất ít bọn phản động làm tay sai cho địch. Có người đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ và du kích trong nhà, bị địch nghi vấn, bắt giam và tra tấn dã man, vẫn kiên quyết không khai báo, không chỉ hầm bí mật, sẵn sàng chịu đựng hy sinh để bảo vệ cán bộ cách mạng. Lòng dân đối với cách mạng biểu hiện muôn màu muôn vẻ ở khắp mọi nơi, sát ngay đồn địch, nhưng để tránh tai mắt của địch, mọi người đều phải tuyệt đối giữ bí mật. Cán bộ, dân quân không được để lộ cơ sở của mình, nhân dân không nói việc làm của mình cho ai biết, kể cả người thân.
Lòng dân bao la như trời biển, làm sao nói hết và viết hết, tôi chỉ kể một số việc làm của bà con có liên quan đến bản thân tôi.
Chỉ hơn nửa năm không liên lạc được với cơ sở, lần đầu tiên từ chiến khu trở về địa phương tình hình hết sức đen tối. Về đến An Lợi khoảng 2 giờ sáng vào một đêm tối trời, tôi tìm đến nhà đồng chí Bích một đảng viên nằm vùng gọi cửa. Cánh cửa vừa hé mở tôi đã lọt vào nhà, đứng ngay trước mặt đồng chí Bích, bấm đèn pin vào mặt mình hỏi: nhìn mặt coi có nhớ ra tôi là ai không? Lai đây, ở trên rừng về đây! Đồng chí Bích trả lời: tôi nhớ ra rồi, đồng chí Lai đây rồi. Nói xong đồng chí Bích chạy đi gọi vợ và bà cụ thân sinh dậy trao đổi gì đó rồi trở lại kéo tôi vào buồng. Trong buồng hai mẹ con đã thắp sẵn ngọn đèn dầu che sau một cái thúng để ánh sáng không hắt ra ngoài. Vừa ngồi xuống giường đồng chí Bích liền hỏi: Đồng chí về làm gì mà nguy hiểm thế? Tôi nói: Hôm nay cấp ủy phân công tôi về giao nhiệm vụ cho đồng chí. Nhiệm vụ gì? Đồng chí Bích hỏi. Nhiệm vụ thì nhiều nhưng trước mắt là tạo điều kiện nuôi giấu tôi ở lại đây độ vài tháng để nắm tình hình, bắt liên lạc với cơ sở các thôn, chuẩn bị cho cán bộ xã trở về hoạt động. Cả ba mẹ con đều tỏ vẻ vừa mừng vừa lo, hỏi thăm sức khoẻ anh em ở chiến khu và chuẩn bị giường chiếu bảo tôi đi ngủ.
Sáng hôm sau đồng chí Bích đã tìm thêm hai đồng chí là đồng chí Oa và đồng chí Thùy, đem đến gặp tôi, sau khi bàn bạc thông suốt nhiệm vụ, các đồng chí này đã luân phiên nhau nuôi giấu tôi, ở nhà này năm ba ngày lại chuyển sang nhà khác, suốt hai tháng trời, ban ngày nằm ở trong buồng viết truyền đơn khẩu hiệu, ban đêm đi rải truyền đơn dán khẩu hiệu, thăm viếng nhân dân và liên lạc vận động cơ sở đào hầm bí mật chuẩn bị cho cán bộ và du kích trở về hoạt động.
Trong thời gian trở về bám dân, sống trong lòng địch suốt cả thời gian kháng chiến lâu dài, riêng bản thân tôi đã được nhiều người trong các tầng lớp nhân dân hết lòng thương yêu đùm bọc, nuôi dưỡng che giấu, đồng thời còn là những cánh tay đắc lực, những tai mắt nhạy cảm, giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ và tồn tại đến ngày nay. Biết bao cử chỉ và hành động tốt đẹp đầy tinh thần dũng cảm hy sinh để lại trong tôi lòng biết ơn vô hạn và những tình cảm sâu đậm không bao giờ quên. Sau đây là những đồng bào đồng chí và những gia đình đã trực tiếp nuôi giấu tôi mà tôi vẫn còn nhớ được.
Ông Từ một nông dân công giáo ở thôn Dương Lộc đã giúp tôi liên lạc được với Chánh Thiệp và Thất Đệ, cung cấp nhiều tin hoạt động của bọn phản động Dương Lộc, đặc biệt đã phát hiện được quy luật hoạt động giữa đồn Dương Lộc với đồn Gia Độ, giúp cho bộ đội địa phương huyện Triệu Phong, tiêu diệt đồn Dương Lộc không tốn một viên đạn.
Anh Tân, một thợ may ở An Lợi, ở ngay đường Cái, cách đồn Dương Lộc khoảng 500m, là một trong những người làm tai mắt cho cấp ủy rất tích cực đã phát hiện nhiều tên tay sai chỉ điểm và đã báo cho xã biết bọn Hương vệ chuẩn bị chuyển một số hồ sơ tài liệu và vàng bạc của bọn phản động đi Đông Hà bằng đường sông. Xã đã báo cho một tổ công an xung phong phục kích tại bờ sông phía An Giạ, bắn chìm đò, một số Hương vệ chết, thu được một khẩu súng và một va ly đựng hồ sơ tài liệu và vàng bạc của bọn phản động.
Anh Hoàng Mốc (Mốc con) ở thôn Gia Độ là một nông dân chăn vịt, nhà anh có chiếc thuyền nan (chiếc ghe), ở cạnh bờ sông Thạch Hãn, gần đồn Gia Độ, sẵn sàng đưa đón cán bộ du kích qua sông những khi cần thiết, mặc dù ca nô địch thường xuyên tuần tiểu trên sông, anh đã trở thành chiếc cầu nối liền đôi bờ Gia Độ và Vinh Quang suốt trong thời gian kháng chiến chống Pháp.
Gia đình ông Hoàng Ninh một nông dân nghèo và gia đình anh Nguyễn Thống con một cán bộ cách mạng lão thành, là hai cơ sở dùng để gặp nhau giữa tôi, đồng chí Tấn với Cai Sướng đồn trưởng, là một cơ sở địch vận và là người chỉ huy một tổ binh vận tại đồn Gia Độ.
Gia đình Bà Bát Y ở thôn Gia Độ là nơi tôi đã ở lại ba ngày cùng với hai Hương vệ là anh Hồ Cọi và Hồ Dục, vẽ bản đồ và bàn bạc kế hoạch đánh lô cốt Hương vệ ở cuối thôn Gia Độ.
Gia đình Bà Hồ Thị Sâm ở Xuân Thành, gia đình Chị Bộ Khản ở sát hàng rào đồn Phú Tài, tôi đã ở tại đây một ngày một đêm và Chị Khản là người trực tiếp liên lạc gọi ba Hương vệ gồm các anh Đỗ Cáo, Trương Hy và Trương Khả đến gặp tôi tại nhà chị, để cùng nhau bàn bạc kế hoạch phối hợp đánh đồn Hương vệ Phú Tài.

Trong thời gian hoạt động ở vùng địch hậu. Khắp các thôn trong xã, thôn nào tôi cũng có từ một đến ba hầm bí mật cá nhân để ẩn núp khi có địch càn hoặc lính đồn thỉnh thoảng đi tuần tiểu.

Tôi còn nhớ được một số gia đình đã đào hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn hoặc giữa lũy tre để nuôi giấu tôi suốt trong 9 năm kháng chiến chống Pháp như: Chị Chiêm, Ông Hồ Khoa, Bà Bát Y, Ông Hoàng Thí, Ông Hồ Thành (Ông Côốc) ở thôn Gia Độ. Ngoài ra một số gia đình tuy không có hầm bí mật, nhưng tôi vẫn về ở lại được, khi có khách đến thì lẫn tránh vào buồng như nhà chị Hồ Thị Cầm, Hồ Kinh, Hồ Quy, Ông Trần Tốn, ông Thỏn Hành v.v... đều là những gia đình ở gần đồn, dưới sự kiểm soát gắt gao của giặc.

Gia đình Ông Thừa, Ông Mục Cừ ở Giáo Liêm.
Gia đình bà Tôn, Bà Mục Kiển ở Thanh Liêm.
Gia đình Anh Ngữ, Ông Mục Vỹ một nông dân công giáo và Ông Cần thợ rèn ở Phan Xá.
Gia đình Ông Ngô Cà và Ông Bộ Khản ở Phú Tài v.v...

Trong thời gian tôi được Huyện ủy điều động tăng cường Ban Chỉ huy quân sự Huyện đội Triệu Phong, phạm vi hoạt động rộng hơn, nhưng đến đâu cũng được nhân dân thương yêu nuôi giấu và cũng có những hình ảnh hết sức cảm động như:

Bà Ngọa ở thôn Ngô Xá Đông và Bà Quì ở thôn Vĩnh Huề là hai bà mẹ chiến sĩ, đã nhận tôi làm con đỡ đầu và đã nuôi dưỡng tôi như con đẻ. Mỗi khi nghe tin tôi đau ốm, dù ở đâu các mẹ cũng tìm đến chăm sóc thăm viếng, mỗi lần tôi ghé thăm các mẹ, lúc ra đi các mẹ đều cho tiền, cho gạo mang theo.
Giữa năm 1948, tôi được Tỉnh ủy Quảng Trị cử đi dự Hội nghị Tôn giáo vận tại khu IV. Sau mấy ngày trèo đèo, lội suối, hai mắt tôi bị sưng tấy, đến chân đèo Ba Rếp thì mù hẳn không đi được nữa. Đoàn đã liên lạc với một xã miền núi thuộc tỉnh Quảng Bình nhờ một đội viên du kích đưa tôi trở lại thôn Dương Phao, một xã giáp giới giữa Vĩnh Linh và Quảng Bình. Một gia đình không quen biết đã nuôi dưỡng chăm sóc tôi hơn một tuần lễ và tích cực chạy chữa thuốc thang giúp tôi sáng mắt để trở về.
Một bà mẹ ở thôn Mai Xá, đã cứu tôi khỏi bị giặc bắt, tôi bị địch bao vây bốn phía, mẹ đã dẫn tôi ra bụi chuối trước sân, bảo tôi nằm vào giữa bụi chuối, rồi ôm một bó củi lá Sim đang phơi đầy giữa sân ủ lên người tôi để che mắt giặc, nhờ vậy mặc dù địch vào thôn lục soát gắt gao, nhưng chúng không phát hiện ra tôi, trong lúc tôi đang nằm ngay dưới mũi súng của chúng.
Một chị nông dân vợ đồng chí Thôn đội ở Vĩnh Huề, một hôm tôi đang công tác tại thôn Vĩnh Huề gần đồn Cửa Việt, bị giặc càn vào thôn, tôi ẩn núp dưới hầm bí mật ngay trong nhà chị. Chị đã nghi trang hầm bí mật cho tôi, khi địch vào nhà tra hỏi chị kiên quyết không khai, khi địch xăm hầm tích cực chị đã mưu trí đuổi địch bằng cách hy sinh 400 đồng bạc Đông Dương (tiền bán cá) cho một tên lính Pháp cướp, để đấu tranh đuổi chúng ra khỏi thôn cứu tôi thoát chết.
Đúng là giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.
Một bà mẹ ở thôn Đạo Đầu tôi chưa hề quen biết. Một lần tôi về công tác bị giặc càn, đồng chí Xã đội dẫn tôi xuống hầm bí mật ngay trong nhà bà cụ.
Khi bị địch đốt nhà, bà không lo cứu nhà, cứu tài sản đang bị cháy, mà chỉ lo xách nước tưới hầm để cứu anh bộ đội cụ Hồ.
Giặc đi bà dỡ nắp hầm kéo tôi lên, tôi bị ngất xỉu, bà cụ đã chăm sóc tôi suốt đêm cho đến khi tôi tỉnh dậy, mới trở lại căn nhà đã biến thành tro bụi của mình.
Ôi lòng dân thật bao là trời biển, một bà cụ gần đất xa trời, nhà cửa bị giặc đốt, tài sản bị thiêu cháy thành tro bụi không lo, chỉ lo tìm cách cứu sống một anh lính cụ Hồ.
Nếu không gặp nạn làm sao hiểu hết lòng dân.

* * *
Tóm lại, trong những năm tháng chiến tranh quần nhau với giặc, tôi cũng như đồng đội, đồng chí của tôi đã trải qua biết bao hy sinh gian khổ vào tù ra tội, mạng sống như treo đầu sợi tóc. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn sống và tồn tại mãi cho đến hôm nay.
Những kẻ đi xâm lược và bọn phản động tay sai không sao hiểu nổi: Trên một địa bàn nhỏ hẹp, đồn bót bao vây bốn phía, bọn chúng kiểm soát ngày đêm, càn đi quét lại, mà những người cách mạng vẫn sống được và tồn tại một cách kỳ diệu, xuất quỷ nhập thần, huyền thoại như truyện cổ tích, bao phen làm cho chúng thất điên bát đảo, mất ăn mất ngủ?
Câu trả lời rất đơn giản : Lòng dân.

Viết tại TP. Hồ Chí Minh.
Tháng 12 năm 2000.
Hồ Xuân Lai.

Không có nhận xét nào: