Thứ Năm, 5 tháng 7, 2007

Chùm thơ Hồ Xuân Lai




thơ Hồ Xuân Lai



THU SANG


Mặt trời lặn xuống lũy tre
Khói lam phủ nhoè trên bến
Vườn sau gió thổi phất phơ
Lá vàng rơi đầy bờ giếng
Trời cao xanh nhoà nước biển
Chòm sao bừng thức lung linh
Hơi sương mỏng hơn tờ giấy
Giật mình lòng như bỗng thấy
Thu sang rồi đấy, thu sang.



NHƯ LỜI THỀ NGUYỆN

Tuổi già nhớ cảnh làng quê
Như con chim muốn bay về điền viên
Như tình yêu muốn trao duyên
Như lời nhân ngãi thệ nguyền tâm linh
Nước non sơn thuỷ hữu tình
Chim ơi dang cánh thoả tình lượn bay
Dù còn gian khổ đắng cay
Đã đa mang ắt có ngày gặp nhau।




NHỚ NHỮNG NGÀY GIAN KHỔ

Gặp nhau lại nhớ Cổ Thành
Nhớ sông Thạch Hãn, nhớ ghềnh Thác Lo
Nhớ Triệu, Hải, nhớ Cam, Gio*
Ngày đầu giặc chiếm phải lo chống càn
Mặc cho khói lửa ngập tràn
Đồng xanh máu nhuộm, sẵn sàng hy sinh
Nhớ đường 9, nhớ Khe Sanh
Nam Đông, Mỹ Chánh ta giành thắng to
Giặc thua giặc chạy co giò
Quân ta thắng trận reo hò hăng say
Gặp nhau nhớ lại những ngày
Chiến tranh gian khổ vẫn say bạn bè.



TẤC LÒNG VỚI QUÊ

Quê hương Quảng Trị mỏi mòn trông
Nẫu cả tim gan đốm lửa hồng;
Làng xóm đông vui, đồng bát ngát
Bến đò rộn rã khách sang sông.


NHỚ CHIẾN KHU XƯA

Ba Lòng ơi
Bao năm rồi xa cách
Bao năm rồi thương nhớ mãi chiến khu
Nhớ những cánh rừng cây lá âm u
Thức suốt ngày đêm canh thù giữ nước
Những ngọn núi giăng giăng sau trước
Như tường thành ngăn bước xâm lăng;
Những bãi bồi ngô lúa lên xanh
Nuôi chiến khu suốt bao mùa chiến dịch.
Nhớ con suối những chiều ra tắm giặt
Bàn chân giẫm phải rêu trơn
Ngã lăn theo những hòn đá cuội,
Nghe La La tuôn chảy nước nghiêng trôi
Nghe Thạch Hãn bần thần đá rịn mồ hôi;
Nghe thác Lo vẫn thường gây lo lắng
Xoáy ầm ào giữa đôi bờ lau trắng
Thuyền bè qua người phải lên bờ.
Nhớ đêm trăng dưới tán cây thưa
Mắc võng đòng đưa thả hồn theo gió
Hát say sưa bài “Tiến quân ca”;
Nhớ những đêm lạnh buốt xương da
Trong bóng tối từng đoàn quân ra trận
Rầm rập bước chân rừng Ba Lòng chuyển động.
Hành quân đêm
Dội khúc hành quân đêm
Các anh đi
Không kịp ghé thăm nhà,
không từ giã người thân
Các anh đi
điệp điệp trùng trùng
Vượt núi, xuyên rừng, băng qua khe suối
Nòng súng chong nghiêng
hướng thẳng tiền phương
Xốc tới!
Đêm không trăng sao
Đom đóm dẫn đường các anh ra trận
Cả chiến khu mòn đêm không ngủ
Thao thức chờ nghe tin súng nổ.
Sương mai chưa tan, rừng Ba Lòng bỗng rộ
Tiếng hoan hô bộ đội diệt đồn thù.

Nhớ Ba Lòng. Ta nhớ lắm… chiến khu!..




VỀ THĂM THÀNH CỔ

Anh em mình về thăm Thành cổ
Nhớ một thời gian khổ đã qua
Tám mốt ngày đêm chuyển rung lịch sử
Đạn bom gầm dậy đất quê ta.
Một thời xưa đã đi qua
Đêm nay phố Cổ lụa là bên nhau
Trăng e ấp nhìn đèn điện sáng
Nụ cười nghiêng duyên dáng trên môi.
Đẹp như Thạch Hãn sông trôi
Hiền như làn gió nói lời phi lao
Đêm Thành cổ trời cao lồng lộng
Ngàn sao gieo ánh sáng cho đời.
Đi bên em như đi trong mộng
Anh chạnh lòng- Thành cổ- bóng hình em.

Giới thiệu thơ Hồ XuânLai



TIẾNG TƠ
NGÂN TỪ CUỘC SỐNG

Thơ Hồ Xuân Lai là tiếng lòng của một người con luôn hướng về quê hương Quảng Trị, là tiếng lòng của một người cựu binh luôn hướng về những tháng ngày gian lao kháng chiến, hướng về đồng đội, đồng chí và đồng bào. Thơ ông dung dị, nhưng luôn là dòng chảy của cảm xúc về quê hương, đất nước, về Đảng, về Bác Hồ, về những người thân quen, ruột thịt. Ông làm thơ như là một nhu cầu luôn tiềm ẩn, và cũng có thể là đã tiềm ẩn rất lâu, nhưng mãi đến lúc nghỉ hưu mới bùng phát thành câu chữ.
Câu chữ trong thơ Hồ Xuân Lai không trau chuốt cầu kỳ, nhưng đôi lúc nó vẫn ánh lên lấp lánh bởi tình cảm mà ông gởi vào thơ. Đó là tình cảm của một người yêu thơ, biết nâng niu và chiu chắt từng chữ cho thơ, trong tất cả khả năng có thể của mình.

Tình anh ngày đợi đêm mong nhớ
Đeo đuổi cùng nhau suốt cuộc đời
Vương vấn tình thơ đâu đòi đoạn
Diết da nghĩa chữ dám buông rơi.

Thơ với Hồ Xuân Lai như là người bạn tình thủy chung cùng năm tháng. Thơ và người sóng bước bên nhau để cùng đi ngược về quá khứ, cùng đi trong hiện tại và đi tới tương lai. Đó là con đường của đời người, đời thơ, con đường của tình yêu mà Hồ Xuân Lai từng tâm sự:

Tình yêu như cành cây xanh lá
Tình yêu như tiếng chim rộn rã
Đừng để lá xanh rời cành tơi tả
Đừng để tiếng chim lẻ bạn kêu than
Đừng để tình yêu lỡ làng tan vỡ
Bởi tình yêu là chuyện đời muôn thuở
Có ai ra ngoài chiếc bóng của tình yêu.

Đúng như nhà Phật đã nói, người ta không ai ra được ngoài chiếc bóng của mình. Điều tâm niệm trong thơ Hồ Xuân Lai là tâm niệm của một con người muốn hết lòng vì con người, không màng tưởng tới danh lợi, không đòi hỏi cho riêng mình. Bởi vậy, ông biết rằng, với tuổi ngoài tám mươi, sống có ích là phải sống vì dân, vì nước, sống nêu gương cho con cháu.

Nhớ ơn người đi trước
Theo tổ tiên tiếp bước
Nguyện giữ trọn cuộc đời
Sống vì dân vì nước

Lão giả bất an chi
Với con cháu cùng đi
Đầu xanh bên đầu bạc
Gian khổ chẳng hề chi.

Vượt lên trên gian khổ, trước hết là phải biết vượt lên trên chính bản thân mình. Khẩu khí thơ Hồ Xuân Lai đôi khi chợt bùng sáng chỉ trong một vài câu ngắn gọn. Ngắn gọn nhưng lại gói chặt được những gì ông muốn biến thành thông điệp để gởi tới cho con người.
Năm 75 tuổi, tự cảm tác về mình, Hồ Xuân Lai đã viết:

Mới đó mà nay đã bảy lăm
Mà sao cứ ngỡ tuổi trăng rằm
Sức khỏe dồi dào ham thể dục
Tinh thần thanh thản thích thơ văn
Mới hay tuổi tác đâu quan trọng
Phương pháp dưỡng sinh mới thật cần.

Thơ như vậy là thơ của đời, của người, nó thiết thực với con người và với cuộc đời đến mức máu thịt. Hầu như tất cả các bài thơ của Hồ Xuân Lai đều gắn bó với cuộc sống rất thật của chính bản thân ông, cũng như của chính bản thân cuộc sống.
Về quê tảo mộ, bồi hồi cùng hương khói trước vong linh của cha mẹ, ông đã viết lên những dòng thơ rất thật.

Cây vững gốc thắm chồi xanh lá
Nước trong nguồn biển cả sông sâu
Chữ trung chữ hiếu làm đầu
Sống luôn tâm niệm vì đâu có mình

Với Hồ Xuân Lai, quê hương dường như là tất cả: là đời, là tình, là thơ, là thủy chung, là lao động, là cội nguồn, là ý tưởng chắp cánh cho chữ nghĩa bay lên cùng cảm thức. Chỉ một cánh chim lẻ loi trong trời chiều cũng khiến lòng ông nao nao xúc động.

Một mình đứng ngắm ráng mây chiều
Lẻ loi cánh nhạn dõi mắt theo
Ngàn dặm chim ơi, chim có đến
Cho ta nhắn gởi chút tình quê.

Chính tình quê đã dệt thành thi tứ cho thơ Hồ Xuân Lai, làm cho thơ Hồ Xuân Lai trở nên quen thuộc và gần gũi với chúng ta như chính cuộc sống của chúng ta.

Bìm bịp kêu chiều, văng vẳng bên sông
Nghe não nuột bao la ngàn nỗi nhớ
Khói lam chiều lững lờ trên mái rạ

Bến sông, tiếng chim bìm bịp và mái tranh xưa… gần gũi và dân dã dân gian biết mấy. Thơ Hồ Xuân Lai dường như được chắt ra từ gió Lào, nắng lửa của quê nhà, từ đất đá cằn cỗi của quê nhà, từ tình sâu nghĩa nặng mà quê nhà đã dành cho ông, và chính bản thân ông cũng từng đã sống hết mình cho quê nhà yêu dấu. Bởi dẫu sao đi nữa, quê nhà cũng là một góc của quê hương đất nước.
Và cũng chính vì thế, vì tất cả những gì mà ông yêu thương, trân trọng và chắt chiu gìn giữ, Hồ Xuân Lai đã viết, như là viết ca dao cho đời:

Dù cho lên thác xuống ghềnh
Giàu sang, nghèo đói, quê mình vẫn hơn

Thơ Hồ Xuân Lai rất giàu hình ảnh thôn quê, hình ảnh đời thường, và cũng vì thế, ông rất hay sử dụng từ ngữ dân gian, cách ví von, cách diễn đạt của dân gian. Đó là ý thức về nguồn cội, nhưng đồng thời, đó cũng là tình cảm của ông với cuộc sống mà ông từng gắn bó với tất cả máu thịt của đời mình. Chỉ chuyện mời trầu thôi, Hồ Xuân Lai cũng nâng lên thành thơ, thành chuyện nghĩa tình chung thủy.

Miếng trầu mời bạn trao tay
Dù mặn, dù lạt, dù cay, dù nồng
Dù chẳng nên vợ nên chồng
Cũng ăn một miếng cho lòng em say

Đến với thơ Hồ Xuân Lai chính là đến với cái tình mà ông chăm chút gởi vào từng câu chữ. Hãy đọc và hãy cảm thì sẽ yêu được cái tình ấy của thơ ông!

Nguyễn Nguyễn Bạch Liên

Chùm thơ Hồ Xuân Lai







NHỚ QUÊ
Vừa tỉnh giấc mơ
Gió thổi phất phơ
Cây rung xào xạc
Canh gà xao xác
Tưởng mình còn mê
Đêm dài lê thê
Nhớ quê da diết
Mong sao có dịp
Bay về thăm quê.



ĐI ĐÂU CŨNG MUỐN TRỞ VỀ

Quê tôi nghèo rớt mồng tơi
Bến xưa dòng cũ khi vơi khi đầy
Thay trâu nay có máy cày
Làng quê đã kéo đường dây điện về
Dẫu chưa sung túc đề huề
Làng trên xóm dưới bốn bề vang ca
Tôi là đứa con đi xa
Chẳng quên mùi vị mắm cà của quê
Đi đâu cũng muốn trở về
Vui cùng bè bạn lời thề tri âm।



CỬA TÙNG SÓNG

Sóng xô triều biển biếc
Lớp lớp dồn lên xô mải miết
Cửa Tùng em
Cát trắng níu chân anh
Đêm gọi gió
hàng thông say sưa hát
Trăng lung linh trên ngọn sóng bóng nhoà
Trong sương mờ cồn cỏ hiện xa xa
Cửa Tùng sóng, mãi vỗ bờ…
vỗ mãi…



XA QUÊ NẶNG MỘT LỜI THỀ

Xóm làng để lại từ đây
Ra đi là tiếp những ngày nhớ quê
Tiếng chim gởi lại bờ tre
Tiếng gà gởi lại bên hè cho ai
Nắng chiều gởi lại dặm dài
Vầng trăng gởi lại vạn chài tơ duyên
Bến sông gởi lại ghe thuyền
Vườn nhà gởi lại xóm giềng sớm hôm
Chỉ mang theo chút gió nồm
Khung trời kỷ niệm sớm hôm đi về.

Ra đi nặng một lời thề
Nước nhà tan giặc mới về quê hương!



CUỐI THU

Hoa bưởi rụng trắng sau vườn
Hương bay thơm lừng bờ giếng
Ngõ xóm gồ ghề thân thuộc
Hằn vết chân trâu đi về
Bầu trời bồng bềnh mây trắng
Quanh làng sương khói đê mê.


TA VẪN LÀ TA


Đường quê mát mẻ nắng lụa hong
Man mác hồn ta chạnh tấc lòng
Năm mươi năm lẻ đời xa xứ
Gặp lại tình quê bao nhớ mong…

Cha ta nằm đó giữa cánh đồng
Mẹ ta nằm đó giữa núi rừng
Em ta da thịt tìm đâu thấy
Hồn bay lang bạt khắp thinh không?..

Từ thuở xa quê đà quyết chí
Dù đời phiêu bạt với gian nan
Năm tháng qua đi cùng năm tháng
Ta vẫn là ta một tấm lòng!

Năm mươi năm lẻ dòng đời chảy
Đeo đẳng tình quê cháy cả lòng…




giới thiệu thơ Hồ Xuân Lai đến bạn đọc Blogspot.com

họ Hồ trong cộng đồng tộc Việt - tư liệu lịch sử




HỌ HỒ TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC VIỆT
Hồ Xuân Lai sưu tầm nghiên cứu
Họ Hồ là họ lâu đời ở xứ Nghệ. Kể từ trạng nguyên Hồ Hưng Dật lập nghiệp ở Hương Bào Đột (nay thuộc Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An), đến nay đã trên ngàn năm. Người họ Hồ tập trung ở châu Hoan (Nghệ An – Hà Tĩnh), con cháu ngày nay có mặt khắp nơi trên cả nước.
Cháu đời thứ 15 của trạng nguyên Hồ Hưng Dật là Hồ Quý Ly (vua nhà Hồ), Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Quản lĩnh hầu Hồ Hân, Hoan quận công Hồ Nhân.
Cháu 27 đời là vua Quang Trung (Hồ Thơm), Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Tư nhân hầu Hồ Phi Tứ.
Đến nay di duệ cụ tổ Hồ Hưng Dật đã đến đời 38, 39; đời nào cũng có công đóng góp nhiều cho đất nước, có nhiều di tích văn hóa lịch sử được Nhà nước công nhận.
Nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi thì chắc chắn ai cũng biết, trong đó tập hợp rất nhiều danh nhân, như công thần nhà Lê là Quản lĩnh hầu Hồ Hân, các nhà thơ, nhà sử học như Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Tân, Hồ Sĩ Đống… cùng các nhà yêu nước và cách mạng, như Hồ Sĩ Tuần, Hồ Ngọc Lãm, Hồ Tùng Mậu…
Gia phả các chi phái họ Hồ nói chung đều được giữ rất kỹ trong các nhà thờ họ ở khắp nơi trong nước.

Xin bật mí với các bạn, tại TP Vũng Tàu đã có đường Hồ Quý Ly bên bờ biển Thùy Vân; tại TP Vinh có đường Hồ hán Thương (con vua Hồ Quý Ly – cùng với Hồ Nguyên Trừng là ông tổ ngành thuốc súng và đại bác).
Tại TP Hồ Chí minh thì có 18 con đường mang tên của dòng họ Hồ:
đường Hồ Hảo Hớn
đường Hồ Huấn Nghiệp
đường Hồ Tùng Mậu
đường Nguyễn Huệ (Hồ Thơm)
đường Hồ Xuân Hương
đường Trần Quốc Thảo (Hồ Xuân Lưu)
đường Hồ Biểu Chánh
đường Hồ Học Lãm
đường Hồ Bá Kiện
đường Hồ Văn Huê
đường Hồ Đắc Duy
đường Hồ Ngọc Cẩn
đường Hồ Bá Phấn
đường Hồ Văn Long
đường Hồ Văn Tắng
đường Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu)
đường Cô Bắc
đường Cô Giang

các bạn có biết tại sao người miền Nam gọi hoa là bông không?
Ví dụ: hoa hồng = bông hồng ; hoa mai = bông mai
Thời Nguyễn, bà Hồ Thị Hoa là Chánh thất vua Minh Mệnh, là mẹ vua Thiệu Trị.
Vua Minh Mệnh là Nguyễn Phúc Đản, làm vua từ 1820 – 1840. Vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Miên Tông, làm vua từ 1841 đến 1847.
Bà Hồ Thị Hoa là con gái Phước Quận Công Hồ Văn Bôi. Bà mất khi Miên Tông mới sinh được 13 ngày, được vua phong là Tá thiên Nhân Hoàng Hậu.
Chính vì tên húy bà là Hoa nên vùng Đông Hoa ở Huế phải đổi tên thành Đông Ba (nay còn có chợ Đông Ba), làng Hoa Cầu đổi thành làng Huê Cầu, tỉnh Thanh Hoa đổi thành tỉnh Thanh Hóa…
Cầu Bông ở Sài Gòn, chính là cầu Hoa mà ra.

Các bạn biết không?Vua Tự Đức chính là cháu nội bà Hồ Thị Hoa đấy!
Mộ bà Hồ Thị Hoa táng tại làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Vua Thiệu Trị có cho xây dựng nhà thờ họ Hồ ở Thủ Đức, để thờ ông Hồ Văn Bôi và mẹ bà Hồ Thị Hoa, vì ông Hồ Văn Bôi khởi nghiệp ở Thủ Đức.
Đến đời Tự Đức, vua đặt tên là Dụ Trạch Tự, lưu cho đến bây giờ.

Họ Hồ văn võ kiêm toàn. Ngày nay có rất nhiều tiến sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ và tướng lĩnh trong bộ máy nhà nước.
Xin cung cấp cho em biết một số tiến sĩ họ Hồ từ triều Nguyễn về trước (không kể phó bảng):

1. Hồ Hưng Dật trạng nguyên – nguyên tổ
2. Hồ Tông Thốc trạng nguyên – triều Trần
3. Hồ Tông Đốc trạng nguyên – triều Trần
4. Hồ Tông Thành trạng nguyên – triều trần
5. Hồ Doãn Hài tiến sĩ – triều Trần
6. Hồ Ngạn Thần thái học sinh – triều Hồ
7. Hồ Ước Lễ thái học sinh – triều Lê
8. Hồ Doãn Văn tiến sĩ – triều Lê
9. Hồ Đình Quế tiến sĩ – triều Lê
10. Hồ Đình Trung tiến sĩ – triều Lê
11. Hồ Bĩnh Quốc hoàng giáp – triều Lê
12. Hồ Sĩ Dương tiến sĩ – triều Lê
13. Hồ Phi Tích hoàng giáp – triều Lê
14. Hồ Sĩ Tôn thiên hạ sĩ vọng - Lê
15. Hồ Sĩ Tân tiến sĩ – triều Lê
16. Hồ Sĩ Đống hoàng giáp - triều Lê
17. Hồ Sĩ Tuần tiến sĩ – triều Nguyễn
18. Hồ Trung Lượng tiến sĩ – triều Nguyễn
19. Hồ Văn Trị tiến sĩ – triều Nguyễn
20. Hồ Sĩ Tạo tiến sĩ – triều Nguyễn

Trên diễn đàn văn học trước đây, họ Hồ có các tác gia văn chương nổi tiếng sau:

Hồ Quý Ly
Hồ Tông Thốc
Hồ Nguyên Trừng
Hồ Sĩ Dương
Thiên hạ vọng sĩ Hồ Sĩ Tôn
Tiến sĩ Hồ Sĩ Tân
Cử nhân Hồ Tất Tố
Hoàng giáp song nuyên Hồ Sĩ Đông
Cử nhân Hồ Đắc Dự
Tú tài Hồ Phi Hội
Tiến sĩ Hồ Sĩ Tuần
Cử nhân Hồ Trọng Đĩnh
Tiến sĩ Hồ Phi Tạo
Cử nhân Hồ Phi Huyền
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương

HXL sưu tầm nghiên cứu

Tựa hồi ký "Sống giữa lòng dân" của Hồ Xuân Lai



LỜI NÓI ĐẦU

SỐNG GIỮA LÒNG DÂN của tác giả HỒ XUÂN LAI là một công trình ghi chép mấy mươi năm kháng chiến của bản thân, gia đình và đồng chí đồng bào từ xã Triệu Bình huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị qua hai thời kỳ vệ quốc anh hùng. Bằng cách viết chân thật, nghiêm túc: cuộc sống chiến đấu của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, có những đóng góp lớn vào sự nghiệp giành giữ độc lập tự do và giải phóng đất nước… hiện diện rõ bởi những mẫu đối thoại hấp dẫn và mâu thuẫn địch – ta được diễn đạt bằng chi tiết ký sự lịch sử, tạo nên giá trị nhiều mặt cho một cuốn sách, hấp dẫn người đọc – cung cấp nguồn tư liệu tin cậy cho các nhà văn trẻ và nhà làm sử.
Tuy tác giả và gia đình có nhã ý xuất bản SỐNG GIỮA LÒNG DÂN để lưu dấu kỷ niệm cho người thân – dòng họ, trao các thế hệ nối tiếp niềm tự hào về truyền thống chính mình và rút ra nhiều bài học cao quý từ những tấm gương rực sáng SỐNG GIỮA LÒNG DÂN, hầu góp sức dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Nhưng trên thực tế, cuốn sách đã vượt xa hơn…
SỐNG GIỮA LÒNG DÂN là bức chân dung nhiều màu, sống động bởi ngôn ngữ và ý tưởng thanh khiết, mang nghĩa khí vùng đất, gắn bó với sức mạnh trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi – và ý chí “Không có gì qúy hơn độc lập tự do” với niềm tin vào Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Do vậy cuốn sách có khả năng lưu truyền và tỏa rộng… Nhìn chung SỐNG GIỮA LÒNG DÂN là một hồi ký có giá trị, đánh dấu sự nghiệp kháng chiến kiến quốc không chỉ một gia tộc, một quê hương mà hàm chứa lớn hơn, có ích cho cuộc sống mà ta mong đợi.
Nhân lần thứ ba mươi, ngày Việt Nam toàn thắng: NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG ấn hành cuốn sách này với mong muốn góp phần bảo tồn sự kiện và nhân chứng lịch sử chiến tranh vệ quốc thế kỷ qua ở một vùng đất – xem đây là một hình thái phát triển mới của công tác bảo tồn và phát triển văn hóa lịch sử từ LÒNG DÂN mà tác giả Hồ Xuân Lai và nhà văn Hồ Tĩnh Tâm khởi thảo.

NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2007

Thơ Hồ Xuân Lai

t
h
ơ

Hồ Xuân Lai

LẠC CHỀU TIÊN CẢNH

Gió đưa cành trúc là đà
Bóng ác đã xế non xa
Ráng chiều còn đang giỡn sóng
Chập chờn muôn ánh vàng rơi
Thấp thoáng mấy chiếc thuyền bơi
Hối hả quăng chài bủa lưới
Lưng trời chim bay về núi
Cánh đồng lúa trổ đòng thơm
Đàn cò chớp nồng rơm rạ
Đường làng rộn rã chân trâu
Khói lam vấn vương mái lá
Gió vờn cành lá hát ca
Một chiều đứng giữa quê nhà
Mà như lạc vào tiên cảnh.


CHỨNG TÍCH

Chiến tranh rồi cũng qua đi
Còn cái lô cốt đứng lì ở đây
Để làm chứng tích đất này
Nhật hàng, Pháp chạy, Mỹ lăn quay chổng kềnh.

NHỚ QUÊ XƯA

Sống xa quê lòng vẫn hướng về quê
Trong giấc ngủ cũng nhớ về Quảng trị
Chang chang nắng ươm vàng đồng bông bí
Đá trên sườn Mai Lĩnh đổ mồ hôi
Sông Hiền Lương trôi thẳng đến Cửa Tùng
Dòng Thạch Hãn trào tuôn về Cửa Việt
Hai dòng sông ghi một thời oanh liệt
Biết bao người đi biền biệt có về mô
Đêm thao thức con thương về quê nội
Chạnh lòng ru bổi hổi khúc quê xưa


SAU MÙA GẶT

Tôi về thăm quê sau mùa gặt
Nắng hong gốc rạ vàng khắp nơi
Trâu ai no cỏ không chăn dắt
Đàn vịt tranh nhau nhặt thóc rơi
Hơi thu phảng phất bên hồ nước
Bạch đàn, dương liễu đứng soi chơi
Đàn chim chiền chiện buồn nhớ thóc
Bay vút lưng trời hót thảnh thơi.


DÁNG QUÊ



Mỏi bước chân chiều về với quê xưa
Lối cỏ tháng năm nồm nam đưa mát
Làng vẫn làng xưa, bạn xưa còn lác đác
Gốc rạ bên đường chợp chút hương đưa.

Trưa nắng hạ, cua lên bờ nhìn đất
Dáng quê gầy run rẩy mắt cua
Thấy con bống thệ, nhớ bàn tay cô Tấm
Gặp luỹ tre làng, nhớ vóc dáng Thạch Sanh
Thương con ốc quắn, đêm rộn ràng lối xóm
Chắt chắt, tàu bay chống đói cả làng
Khói lam chiều tím tim từng mái lá.
Gà quẩn chân túc túc gọi tuổi thơ.

Quê lam lũ, dáng quê thời lam lũ
Rối lòng nhau từ độ ấy đến giờ…

thơ lục bát gởi quê - HXL


thơ lục bát tặng quê nhà Quảng Trị
hồ xuân lai
SÔNG CHIỀU

Sông chiều man mác sương rơi
Trăng treo đầu núi, lưng trời chim bay
Núi xa mờ tím cõi ngày
Từng mây xốp nhẹ xúi cay mắt đời
Thu đi lặng lẽ không lời
Heo may đông đến, lạnh người bến sông
Bao giờ Thạch Hãn tàn đông
Thuyền xuôi Cửa Việt tiếng đồng buông lơi
Tấc lòng xa tít mù khơi
Sóng từ trong ngực gởi lời “tình chi”
Thu đi rồi đông cũng đi
Riêng ta ở lại cũng vì sông thôi.



MƯA ĐÊM

Dòng sông lặng chảy trong mưa
Chiếc thuyền cô độc vẫn đưa mái chèo
Thâu đêm thánh thót giọt reo
Nước giăng mờ mịt thuyền chèo bơ vơ
Nỗi đời ướt đẫm câu thơ
Bốn bề u tịch phủ mờ nẻo xưa
Cắm sào neo ngủ trong mưa
Giật mình… Thạch Hãn…. Trăng vừa nhú lên.










HỒI ỨC VỀ BA TÔI


hồ tĩnh tâm
HỒI ỨC VỀ BA TÔI

1.
Năm 1954, tôi sống với mệ ở thị trấn Hồ Xá. Ngôi nhà lá nằm lưng chừng một con dốc, có con đường đất đỏ chạy vắt qua đồi và chạy thẳng xuống chợ huyện. Mệ tôi bấy giờ đã ngoài sáu mươi, hàng ngày gói bánh ú đem bán. Tôi nhớ hình như tóc mệ bấy giờ hãy còn xanh, lưng thẳng và đi lại vẫn nhanh nhẹn lắm.
Một hôm mệ hỏi:
- Thằng Cu có muốn đi thăm ba mi không?
Tôi tròn mắt ngạc nhiên, vì cứ tưởng trên đời này chỉ có mệ là người nuôi tôi. Không ngờ tôi lại còn có ba nữa. Mà đã có ba thì ắt phải có mẹ. Tôi hỏi: “Đi thăm má con luôn được không”? Mệ nói: “Má mi ở ngoài Hà Nội với chị và em mi, thăm răng được”.
Vài ngày sau tôi được mệ dẫn đến một doanh trại quân đội ở gần chợ huyện. Ba tôi đội mũ kê py, mặc quân phục và đi giày đinh. Với tôi như vậy là oách lắm. Nhất là tôi thấy ba đeo súng lục ngang hông, trước ngực lại còn tòn ten cái ống nhòm. Không hiểu sao lúc đó tôi vừa thích lại vừa sợ. Thích vì thấy ba tôi mắt sáng, gương mặt vuông vức và rất trắng. Sợ vì nghĩ ba tôi chắc là một ông tướng. Bởi vì mấy chú bộ đội tôi thấy hàng ngày, có ai đeo quân hàm quân hiệu trên vai đâu; hơn nữa họ lại không đội mũ có lưỡi trai đen nhánh, và chỉ đi giày vải, súng thì dài thườn thượt.
Trưa đó, tôi được ba dẫn đi ăn cơm khách của doanh trại. Đó là cả một bữa tiệc thịnh soạn, bởi có cá, có thịt, có trứng rán, có trái cây. Lại có cả nước xi rô màu đỏ. Hàng ngày, hai bà cháu tôi chỉ ăn cơm với cá cờ kho mặn, chan canh rau muống, rau dền, rau ngót, giỏi lắm mới có vài miếng thịt. Tôi nghĩ, nếu ba cho tôi vào doanh trại, thế nào tôi cũng xin học làm quân đội, làm tướng. Lúc đó tôi rất thích được sờ vào khẩu súng và cái ống nhòm. Nhưng tôi nghĩ, chỉ có các vị tướng mới được giữ những thứ đó.
Thêm một điều không ngờ là ngay buổi chiều hôm ấy, tôi được ba chở bằng xe comancar ra thăm cầu Hiền Lương. Cùng đi còn có chú Lượng mới từ Hà Nội vào. Và càng không ngờ hơn là tôi được cầm ống nhòm nhìn sang bờ Nam. Ba tôi nói: “Quê mình nằm thấp về phía biển, gọi là Triệu Phong”. Cái tên ấy suốt đời sẽ không ra khỏi đầu tôi.
Sau này tôi mới biết, bấy giơ ba tôi đang công tác trong phái đoàn của ủy ban liên hiệp quốc tế về đình chiến ở Việt Nam. Ba chỉ là đại đội trưởng chứ chẳng phải là ông tướng gì cả.

2.
Hơn một năm sau tôi mới được gặp lại ba. Lần này ba từ quân khu bốn vào để đưa tôi ra làng Chuông ở Hà Đông với mẹ. Tôi khóc gào lên, bởi tôi không thể xa mệ được. Thấy ba cứ cương quyết bắt tôi lên xe ca, tôi ghét ông vô cùng. Tại sao lại phải bắt tôi phải xa mệ cơ chứ. Mệ gần gũi và thương yêu tôi biết bao. Hàng đêm, tôi vẫn ngồi thức coi mệ nấu bánh, nghe mệ kể chuyện về Triệu Phong. Sáng ngày, khi tôi thức giấc thì mệ đã đi chợ. Bao giờ cũng có một bát xôi giành phần sẵn. Mỗi buổi chợ về, mệ thường mua cho tôi lúc thì mấy củ khoai từ, lúc thì cái bánh tráng, lúc thì cái bánh mì. Vậy mà ba bắt tôi phải xa mệ!
Ngồi trên xe, tôi chỉ quay đầu ra cửa. Vùn vụt qua mắt tôi là làng xóm, núi đồi và những dòng sông con suối. Ba tôi đang đọc một cuốn sách gì đó. Hai cha con cứ vậy mà lặng lẽ như chưa hề quen biết. Phải tới lúc xe dừng lại chuẩn bị qua phà sông Gianh, ba mới hỏi tôi: “Con có muốn mua một cuốn truyện tranh không”? Tuy chưa biết chữ nhưng tôi vẫn mừng rơn lên. Mệ thỉnh thoảng vẫn mua truyện tranh cho tôi. Tôi nhờ chị hàng xóm đọc cho nghe. Nghe chỉ vài lần là tôi thuộc vanh vách, ngồi kể lại cho lũ bạn cứ như là tôi biết đọc. Cuốn truyện tranh đó đã hàn gắn tình cảm của tôi với ba. Mà không chỉ một cuốn, ba mua cho tôi một lúc tới ba cuốn. Tôi nghĩ trong bụng, chắc ba tôi nhiều tiền lắm.
Chặng đường còn lại, ba đọc sách cho tôi nghe, và kể cho tôi rất nhiều về quê nhà Quảng Trị. Ở đó ba đã chiến đấu ra sao, chú tôi đã hy sinh ra sao, mệ tôi đã khổ cực như thế nào. Nhiều chuyện tôi nhớ tới tận hôm nay. Nhưng lúc bấy giờ, có một nỗi ám ảnh cứ day dứt mãi, đó là hình ảnh dòng sông Thạch Hãn mà tôi không thể nào hình dung ra được. Ba nói: “Lớn lên rồi con sẽ biết”.
Lần đó ba đưa tôi ra thẳng làng Chuông Hà Đông. Tôi mừng vì biết mình còn có một người chị hát rất hay, và thêm một thằng em trắng như con gái, cái gì cũng muốn biết. Nhưng ba chỉ ở lại với mẹ con tôi có một đêm, rồi lại đi công tác ở đâu đó.

3.
Năm 1959, mẹ quyết định đưa tôi và hai đứa em trai vào thành phố Vinh. Còn chị tôi thì xuống Hải Phòng theo trường học sinh miền Nam số 6. Mẹ quyết định thế, bởi lẽ ba tôi đã chuyển vào công tác tại nông trường quân đội Nghi Văn, thuộc quân khu IV.
Một buổi chiều, tôi đi chơi ngoài phố về, thấy ba đã có mặt trong nhà. Hai thằng em tôi quấn lấy ba, hỏi đủ thứ chuyện. Chúng quá mừng vì ba cho chúng rất nhiều kẹo và bánh. Riêng tôi với thằng Sơn, mỗi đứa được ba mua cho một bộ đồ trượt tuyết bằng vải nỉ đỏ của Liên Xô. Thằng Hải thì được một bộ sơ mi. vào thời ấy, đó là cả một món quà quý ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Ngày hôm sau ba dẫn cả nhà đi chụp ảnh và ăn cơm tiệm. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi được đi ăn cơm tiệm và chụp ảnh. Tiệm ăn lúc đó gọi là cửa hàng ăn uống quốc doanh, rất lớn, rất nhiều người; ba và mẹ phải mua phiếu, xếp hàng lấy thức ăn và nước uống đem ra bàn. Còn cái máy ảnh thì to kếch, ngồi chễm chệ trên ba cái chân sắt. Ông thợ ảnh trùm cái máy bằng một tấm vải đen xùm xuề rồi chui vào trong đó. Bàn tay trái của ông lú ra ngoài, vẫy vẫy chỉ huy chúng tôi kiểu ngồi, kiểu cười; rồi tạch một cái, tôi chóa mắt bởi một thứ ánh sáng chớp lên như sét. Ông thợ chui ra, cười toét miệng: “Xong rồi, mấy ngày nữa tới lấy ảnh”.
Mãi sau này tôi mới được xem tấm ảnh ấy, bởi vì ngay ngày hôm sau ba đã dẫn tôi theo lên nông trường Nghi Văn. Lần này thì tôi thích thật sự. Bởi tôi nghe ba nói, nông trường của ba có cả một thư viện, tha hồ sách mà xem, có điều tôi phải đi học cho biết chữ, chứ cứ xem truyện tranh mãi người ta cười cho.
Chiếc xe ca chạy đường Hà Nội, dừng lại phía bên kia cầu Cấm, thuộc địa phận đất Diễn Châu. Cha con tôi phải tiếp tục đèo nhau bằng xe đạp. Chiếc xe chạy ro ro trên con đường đồi đất đỏ. Đến đâu cũng nghe chim đa đa gáy, nghe tiếng chúng đập cánh bay ràn rạt.
Trời sập tối lúc nào, vậy mà cái xe đạp lại xì hơi, đành phải dẫn bộ. Chúng tôi cứ đi, cứ đi mãi. Đêm đặc sánh lại, như có thể cắt ra từng miếng. Lần đầu tiên tôi nghe ba huýt gió và hát thành tiếng. Té ra ba hát khá hay và thuộc rất nhiều bài. Sau này, nghe ba hát mãi tôi cũng thuộc không sót bài nào. Nhưng lúc đó, tiếng hát của ba quyện với tiếng chim đa đa kêu đêm, nghe rất vui. Nhờ vậy mà một đứa bé bảy tuổi như tôi mới đi bộ được cả đoạn đường đồi dài hơn hai chục cây số.
Ở nông trường, tôi cũng được ăn một xuất cơm như của ba. Bữa nào ba ở nhà thì cha con ăn chung với nhau, bữa nào ba đi công tác thì tôi ăn một mình. Chú anh nuôi của nông trường bộ rất vui tính, thường xúc thêm ra dĩa cho tôi rất nhiều thịt và cá. Chú nói, phải ăn nhiều cá thịt học mới giỏi. Tôi chẳng biết tôi học có giỏi hay không, nhưng lêu lổng chơi bời thì tôi giỏi lắm. Nhiều lần ba xuống các đội sản xuất lâu ngày, tôi cũng theo các chú công nhân leo xe máy kéo, xe tải vi vu đây đó. Vì ba là giám đốc nên các cô chú công nhân rất qúy tôi. Họ dạy cho tôi đủ thứ. Từ cách gài bẫy chim, đến cách bắt cá như thế nào. Lăn lóc nắng gió, tôi tròn trùng trục, đen thủi đen thui, mọi người gọi tôi là thằng Cu Đen.
Trường học cách nông trường bộ hơn năm cây số. Lũ trẻ con em cán bộ công nhân nông trường chúng tôi hàng ngày vẫn đi bộ với nhau. Đám con gái thì siêng học, chứ đám con trai chúng tôi thì… siêng lủi vào những đồi sim, đồi mua, đồi muồng nhiều hơn. Kết quả là tôi học không ra gì.
Một hôm ba đột ngột từ dưới đội sản xuất về, rủ tôi ngồi làm báo tường cho nông trường bộ. Nghĩa là ba vẽ, ba chép bài, rồi giao cho tôi gián vào tờ giấy cứng. Tôi không ngờ ba vẽ rất đẹp. Rồi lại còn làm thơ, và còn viết cả kịch nói. Vỡ kịch đầu tiên của ba mà tôi được xem lại do ba diễn vai chính. Còn bác bí thư đảng ủy thì đóng vai phản diện. Tôi không nhớ nội dung vỡ kịch ấy, chỉ biết người ta xem và người ta cười muốn bể cả hội trường.
Khi tờ báo làm xong, ba nói: “Ngày mai con phải về lại thành phố Vinh thôi. Ở trên này con lười học quá, không thể nên người được”.

4.
Thời gian cứ thế trôi qua. Bao nhiêu mùa trăng tôi không nhớ được. Mẹ sinh cho mấy chị em tôi hai đứa em trai là thằng Hòa, thằng Hùng. Một thằng ngịch như giặc, một thằng hiền như bụt. Kể cả tôi, ba mẹ có năm thằng ngũ quỷ. May mà chị Dung tôi cân bằng lại. Vậy nên thằng Sơn học rất giỏi, thằng Hải rất tài hoa, thằng Hòa có máu gan lì tướng quân, thằng Hùng thì tình cảm và dí dỏm; tất cả đều mê đá bóng như điếu đổ.
Mùa đông năm ấy, trời lạnh kinh khủng. Bấy giờ tôi đang học lớp năm. Chị Dung học lớp tám. Mẹ dẫn sáu chị em tôi lên sơ tán ở làng đồi bát úp Thanh Khê, huyện Thanh Chương. Tôi và hai thằng em áp út cưỡi con trâu trắng của vợ chồng thím Tý, chẳng may khi trâu bườn qua gò đất, thằng út bị ngã gãy xương vai. Mẹ nói: “Mày hư quá! Giữ em không nên thân. Ba về thì biết!”. Năm ấy (1965), ba tôi về thật. Ba đi xe comanca. Chở theo cả một đống quần áo.
Tôi lần đầu tiên được mặc áo Đông Xuân, áo bông vải gabađin màu xanh chỉ lâm. Kể như nhất vào thời đó. Chị cả và các em cũng có áo ấm. Mùa đông ở huyện miền núi trở thành kỷ niệm.
Nhưng ba về rồi ba lại đi. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, ba là con người của công việc. Thoắt về thoắt đi. Hình như ba không có thời gian cho cả nhà vui trọn vẹn.
Sau này mẹ dẫn chúng tôi ra Thạch Thành sơ tán. Ba có về một vài lần. Lần nào cũng chỉ một hai ngày. Thường là ba tự lái xe comancar, xuyên theo những con đường rừng, từ một nông trường nào đó về thăm nhà. Đó là những ngày mấy chị em tôi được ăn uống đã đời. Ai có sống những năm tháng miền Bắc bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá mới hiểu. Hiểu gì ư? Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết trong thơ: cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ, văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi. Tôi không muốn kể ra đây nỗi khổ lúc bấy giờ. Chỉ xin nói về mấy câu thơ rất trí tuệ của người đồng hương nức tiếng một thời mà tôi vô cùng kính trọng: tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất, khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc, Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn!
Rồi mùa hè năm 68 ập tới với nắng vàng rực rở. Ba tôi về Thạch Bình bằng chiếc xe đạp phượng hoàng. Lúc đó mẹ đã mua cho tôi chiếc xe đạp Thống nhất. Ba và tôi đạp xe gần hai trăm cây số ra Hà Nội thăm chị Dung. Chị đang học tiếng Nga để chuẩn bị đi nước ngoài tại trường đại học bách khoa. Ba nói, con muốn nên người thì cứ noi gương chị Hai mà học. Từ đó tôi ít nghịch hơn, và bắt đầu quan tâm nhiều tới chuyện học hành.
Kể từ ngày ấy trở đi, năm nào tôi cũng là học sinh giỏi. Nhưng máu văn nghệ của tôi vẫn cứ sôi lên sùng sục. Với cây đàn mandolin mà chị Dung dạy tôi vỡ lòng đồ rê mi lúc ở Nghi Hồng, tôi bắt đầu thích nhạc. Khi đã biết thế nào là hợp âm, là giai điệu, tiết tấu, suốt ngày tôi chỉ mơ có một cây ghita.
Mùa hè năm 69, khi mẹ đã đưa mấy anh em tôi về xã biển Quỳnh Minh, ước mơ của tôi mới thành sự thật. Mẹ lặn lội ra Hà Nội thăm ba. Ba mua tặng tôi cây ghita 45 đồng. Đó là số tiền gần cả tháng lương của mẹ. Tôi biết, mẹ phải nói thế nào mới thuyết phục được ba, bởi vì ngay cả Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Vinh lúc bấy giờ, cũng chỉ có chú Trí dạy topo có một cây đàn ghita, nhưng là đàn của đội văn nghệ khoa. Thích thì thích thật, nhưng thay bằng học đàn, tôi lại lao vào học nhạc lý. Tôi học từ thằng bạn tên Nguyễn Sĩ Dũng, và từ một ông thầy dạy sinh chưa có vợ. Hành trang vào đời của tôi bắt đầu từ hợp âm La thứ, với bài hát “Đôi bờ”, giúp tôi khám phá thế giới giai điệu và âm hình tiết tấu, cũng như lối cấu trúc hoàn chỉnh một ca khúc bốn câu nhạc theo tiến hành công năng TSDT. Ba với tôi là thần tượng, nhưng chưa bao giờ cha con sống với nhau được quá ba ngày.
Sau này tôi mới hiểu, không biết vì sao mẹ tôi lại vượt qua được trăm ngàn nỗi nhớ thương, chờ đợi. Còn mấy anh em chúng tôi, có được cây đàn, coi như không còn biết khổ là gì.

5.
Tôi nhớ những năm sơ tán. Hình ảnh mẹ tôi gánh thằng em út trên một đầu thúng, đầu thúng kia là nồi niêu chén bát và thức ăn, lúc nào cũng sống động như vừa mới xãy ra. Tôi, chị Dung và thằng Sơn vắt chéo qua vai mỗi người một ruột tượng gạo may bằng vải xanh chỉ lâm. Cả nhà tôi cứ thế đi hết nơi này nơi khác, chỉ có ba là vắng mặt. Những lúc vất vả dặm đường, mẹ thường nói: “Đến nơi thế nào ba cũng tìm vào thăm. Ở Hà Nội, ba bận nhiều công việc. Chúng tôi phải noi gương ba mà học cho giỏi”. Tôi biết mẹ rất tự hào về ba. Lúc đó ba vừa làm việc vừa học chuyên tu đại học Kinh tế – Tài chính. Trường của ba cũng sơ tán về nông thôn. Để có tiền gởi về nuôi sáu đứa con, ba hàng ngày, sau giờ học, cũng lặn lội ra đồng mò ốc, bắt cua, bắt cá, bởi vậy ba bị ghẻ rất nặng. Có lần ba về Thạch Bình, Thạch Thành, Thanh hóa thăm nhà, mẹ sai tôi vào làng bẻ cả ôm lá ba chạc nấu lên cho ba tắm. Rồi mẹ dùng dao cạo từng mụn ghẻ để xức thuốc. Mỗi ngày mỗi trị, được gần ba ngày thì ba khỏi bệnh. Khi ba đi rồi, mẹ nói: “Mấy đứa thấy chưa? Ba lớn tuổi rôi mà đi học, thi môn nào cũng được điểm 5 (Bấy giờ miền Bắc chấm điểm 5 theo nền giáo dục Liên Xô, là điểm 10 bây giờ)”.
Để khuyến khích chúng tôi học tập, thời sống ở Thạch Bình, tối nào mẹ cũng bung một nồi ngô nếp- có khi là ngô răng ngựa của Mỹ- tất cả đều được ngâm qua nước vôi để đãi sạch mày và vỏ cứng bên ngoài. Trong khi chờ ngô chín, mẹ thường hỏi chúng tôi về bài học ở trường. Nhiều hôm anh em chúng tôi còn xúm nhau đóng kịch. Kịch dựa theo các bài tập đọc. Không chỉ lo cho chúng tôi học hành, mẹ còn dạy chúng tôi trồng rau, nuôi gà, nuôi vịt, nuôi ngỗng. Gà nuôi cả bầy hàng chục con, trứng mỗi ngày thu được cả rỗ. Anh em chúng tôi tha hồ làm bánh bao, bánh ga tô, bánh xà quẫy, bánh rán, nấu mì sợi. Lúc đó mẹ thường mua mỗi lần cả thùng mỡ thực vật mười ký. Bột mì mẹ cũng mua thêm từng bao lớn.
Một lần ba về thăm, thấy anh em chúng tôi thích chăn nuôi, ba đạp xe mấy chục cây số tới một nông trường quốc doanh, mua về cho chúng tôi bốn con ngỗng sư tử con. Đó là giống ngỗng to lớn, con nít đi ngang qua, đứa nào cũng sợ, bởi vì chúng vừa gióng cổ rượt đuổi, vừa kêu quàng quạc inh ỏi, nom khiếp lắm. Ba khuyên chúng tôi nên nuôi chó cho vui. Mẹ lên bản người Mường, mua về cho chúng tôi một con chó săn lông trắng. Thằng Sơn đặt tên nó là Giôn Xơn, hàng ngày kiên trì dạy cho nó đứng lên đi bằng hai chân sau, và đi nhặt đồ. Tôi thì chỉ thích dạy Giôn Xơn săn chuột và rượt đuổi chồn cáo trong lùm bụi. Giôn Xơn là con chó cái tinh khôn và dũng mãnh; không một con chó to lớn nào trong xóm có thể thắng được nó. Mỗi lần cần bắt gà, chỉ việc chỉ tay hay ném đá về phía con gà nào, Giôn Xơn liền phóng đi, ngoạm ngang cần cổ con gà tha về. Sau này Giôn Xơn đẻ cho anh em chúng tôi một bầy chó con, mẹ cho hết, chỉ giữ lại một con lông màu xám tro, đặt tên là con ky. Ky lớn nhanh vùn vụt. Cùng với mẹ, nó giữ đàn gà rất kỹ, không một con chồn con cáo nào dám bén mảng.
Cùng với việc chăn nuôi, mấy anh em chúng tôi cũng rất thích trồng trọt. Chúng tôi trồng đủ thứ rau. Từ rau cải, bắp cải, củ cải, su hào tới hành, tỏi, và cả rau diếp, rau xà lách, rau muống cạn giống Trung Quốc. Một lần về thăm, ba khuyên nên đào đất thành ao cạn, dẫn nước ruộng vào trồng rau muống nước. Rồi ba xắn tay áo cùng đào ao với tôi. Chỗ đất đắp cao lên, ba nói tôi nên trồng mía, đu đủ và chuối để có quà mà ăn. Bấy giờ tôi với thằng Sơn rất siêng đi củi trên rừng Lạch Quèn. Chủ nhật nào hai anh em tôi cũng dẫn con Giôn Xơn, con Ky theo trẻ làng đi củi. Đống củi nhà tôi chất cao ngồn ngộn. Ba nói: “Ở rừng, chẳng cần phải trữ củi nhiều làm gì. Thời gian phải để dành mà học”. Thằng Sơn nghe theo lời ba, học rất chăm, rất giỏi. Còn Hải, Hòa, Hùng, cả ba đứa, năm nào cũng được tặng danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ. Mỗi lần như vậy, bao giờ ba cũng có quà gởi về. Thường là quần áo mới và sách vở. Biết tôi với thằng Sơn thích đọc truyện, mỗi lần về thăm, bao giờ ba cũng mua cho chúng tôi cả đống truyện. Ba còn khuyên tôi nên làm thêm cái gì đó hợp với sức của mình để kiếm tiền mua sách. Vậy là tôi mượn xe ba gác đi chở nước mắm, chở thực phẩm cho khoa Toán. Tôi còn cùng Hiệp Ruốc đi đào giếng, đi xúc đá. Nhờ vậy mà tôi mua được rất nhiều sách. Sống ở nơi sơ tán, vậy mà anh em chúng tôi có cả một thư viện vài trăm cuốn sách. Thấy tủ sách toàn là sách truyện, ba khuyên tôi nên mua thêm sách khoa học kỹ thuật. Thói quen đọc sách khoa học kỹ thuật của tôi được hình thành từ bé chính là nhờ ba dạy cho. Sau này, khi đã thành người viết văn chuyên nghiệp tôi vẫn giữ được thói quen ấy. Và cả con gái tôi sau này, có lẽ cũng ảnh hưởng rất nhiều thói quen thích đọc sách báo của ông nội. Nhưng thôi, đó là chuyện sau này.
Năm ấy, ba hẹn sẽ về thăm nhà vào dịp Tết, nên mẹ quyết định mua hai con lợn con về nuôi. Nhưng gần Tết thì ba thư về, nói bận công tác ở mấy nông trường trên Tây Bắc, không thể về được. Qua Tết mẹ quyết định đi thăm ba, tiện thể mua giấy và mua sách cho chúng tôi. Lúc bấy giờ ở miền Trung giấy rất hiếm và rất đắt. Tôi với thằng Sơn ở nhà, bày trò rủ Hiệp Ruốc xuống chơi, rồi đè cổ một con lợn hơn ba mươi ký ra thịt. Chúng tôi thịt vì tò mò muốn xem lục phủ ngũ tạng của nó bố trí ra làm sao. May mà cô Liễu vợ chú Luyện biết được, ới bạn bè tới chia mỗi người vài ký.
Khi mẹ về, không biết ba gởi bao nhiêu tiền, mà mẹ nói sẽ mua cho tôi một chiếc xe đạp Favorit để đi học. Đây là xe Tiệp, lúc bấy giờ không phải ai cũng mua nổi. Nhưng đang lúc tìm mua xe thì mẹ nhận được phiếu mua xe cung cấp, hiệu thống nhất. Chị Dung giữ chiếc xe ấy, đến khi đi học ở nước ngoài chị mới giao cho tôi. Qua Liên Xô, chị gởi về cho anh em chúng tôi một thùng đồ chơi, có cả chiếc đàn gõ kiểu như đàn t/rưng bằng kim loại. Riêng tôi còn được tặng một cái đồng hồ hiệu Slava. Khi ba đem quà về, ba tặng luôn cho tôi cái đài Xionmao ba băng. Tôi biết đây là cái đài ba rất qúy, bởi thương chúng tôi đang sơ tán ở miền núi, nên ba mới cho.
Sau này tôi ra Hà Nội chờ đi học, ba khuyên tôi nên học thêm âm nhạc và khí nhạc. Tôi được ba dẫn đến trung tâm dạy ghita của giáo sư nhạc sĩ Nguyễn Văn Phúc. Nhưng ngay ngày hôm đó tôi nhận được giấy triệu tập lên trường đại học Mỏ – Địa chất ở Phổ Yên- Thái Nguyên, nên xin xóa tên khỏi danh sách. Ba cho tôi ít tiền và năm ký mì sợi để lên trường. Vậy mà hàng tuần tôi vẫn về Hà Nội. Lần nào ba cũng cho vài đồng và vài ký mì sợi. Mì là lương thực mua theo bìa phiếu cung cấp. Ba cho tôi mì, có nghĩa là ba phải ra chợ mua thứ khác để ăn. Sau này tôi mới biết, ba vẫn thường xuyên ăn phở “không người lái”- tức là phở chay không có thịt, giá một hào một tô.
Đến lúc ba theo phái đoàn tiếp quản kinh tế vào Nam, ba bàn giao cho tôi chiếc xe phượng hoàng màu cánh trả. Với chiếc xe đạp đó, tôi đã ngao du ngang dọc suốt cả tỉnh Thái Nguyên. Căn phòng của ba, ba cũng giao chìa khóa cho tôi, nên thỉnh thoảng tôi vẫn về Hà Nội vào chiều thứ bảy và ngày chủ nhật. Một lần tôi vừa về tới nhà để chuẩn bị sắp xếp vào Nghệ An thăm mẹ và các em, thì ba cũng từ trong Nam mới ra. Ba nói, tình hình này còn phải đánh đấm vài năm nữa mới thống nhất được.
Tôi chưa thể viết hết ra được những hồi ức về ba, nhưng tôi biết ba, dù ở xa, vẫn rất chú tâm để ý tới từng bước đi của chúng tôi trong cuộc đời. Bằng chứng là mãi sau này, khi tôi đã trưởng thành, ba vẫn giữ cái tông đơ Liên Xô tôi mua về cắt tóc cho mấy đứa em, giữ cái đèn bão tôi mua bằng tiền đi xúc đá, giữ mấy cuốn sổ nhật ký, mấy cuốn sổ tay chép thơ sáng tác của tôi, cả tấm bản đồ theo dõi đường tiến công chiến dịch Hồ Chí Minh để hy vọng tôi sẽ theo đoàn quân chiến thắng trở về.

6.
Sau 30 tháng 4 năm 75, trung đoàn tôi lên đóng quân ở miệt Tân Thành, gần sông Trăng biên giới Việt Nam – Campuchia. Do đám tàn quân Sài Gòn chạy qua đất bạn móc nối gây rối, tôi chưa thể nghỉ phép về thăm nhà. Trong một lần đi công tác, ba đã đến thăm tôi, rủ tôi đi thị xã Long Xuyên mua cho mẹ cái tủ lạnh 20 lít, mua cho tôi cái đồng hồ titoni tự động. Rồi cha con cùng nhau lên Sài Gòn, lùng mua một dàn tex nghe nhạc, một bộ salon bọc len gởi ra Hà Nội. Kể từ đó, ba thường xuyên đi công tác các tỉnh đồng bằng châu thổ. Riết rồi thành duyên, ba xin chuyển hẳn vào Nam. Không biết bằng cách nào mà một thân một mình ba vẫn nuôi heo. Ba nuôi heo trong buồng tắm. Con nào cũng trên một tạ rưỡi mới xuất chuồng. Khi thằng Hải xin vào Nam làm việc, cùng với nó, ba nuôi heo càng tích cực hơn. Từ heo jorsea tới cả heo bò. Được bao nhiêu tiền cũng mua đồ gởi về Hà Nội cho mẹ.
Một lần đến thăm tôi ở Long Hồ, ba mua tặng vợ chồng tôi một con heo giống ngoại F1 chính hiệu. Con heo này lớn phì phì, to khỏe sạch sẽ tới mức chiều nào đứa con gái ba tuổi của tôi cũng trèo lên lưng nó cưỡi chơi như cưỡi ngựa. Thấy tôi nuôi được, ba cho tiếp một con heo bò. Con này tôi nuôi lớn tới 185 kg mới bán.
Khi cả nhà tôi chuyển vào Nam, ba mới thôi không nuôi heo trong buồng tắm. Đó cũng là lúc ba nghỉ hưu. Tiếng là nghỉ nhưng ba lại tham gia Ban chấp hành đảng bộ phường Bến Nghé, trực tiếp làm chủ tịch mặt trận phường. Để khuây khỏa tuổi già, ba đưa cháu nội là con gái tôi lên sống với ông bà. Hàng ngày ông nội lọm khom chở cháu gái đến trường bằng cái xe đạp cà tàng, không cần chuông người ta cũng nghe tiếng kêu của nó mà tránh ra. Cháu học hết lớp một với ông, mẹ nó nhớ con mới xin cho nó về nhà. Từ đó ông rất siêng xuống Long Hồ thăm cháu.
Từ khi nghỉ hẳn công việc ở phường, tưởng ba lão giả an chi, nào ngờ ba lại tích cực tham gia Hội người cao tuổi, Hội thơ Bến Nghé, Hội cựu chiến binh, Hội đồng hương Quảng Trị. Và ba bắt đầu làm thơ, bắt đầu ngồi mày mò viết hồi ký. Ba viết nhanh và nhiều tới chóng mặt. Thơ của ba giản dị, chân thật và tình cảm như con người của ba. Có dễ giờ này đã lên tới vài trăm bài. Bận bịu viết lách nhưng ba vẫn không quên bà con, bè bạn, người làng người xóm. Hàng năm, cứ rủng rỉnh để dành được ítt tiền là ba lên đường. Lúc thì lên Tây Nguyên, ra Bình Thuận thăm bà con đi kinh tế mới; lúc thì về quê viếng ông bà cha mẹ; lúc thì đạp xe cọc cạch đi thăm bè bạn trong thành phố. Các em tôi nói: ông nội đi đâu cũng như phóng viên. Nghĩa là ba cụ bị theo nào là máy ảnh, máy ghi âm, sổ sách. Tất nhiên có một thứ ba không bao giờ quên, đó là các tập thơ mới sáng tác để tặng bạn bè, mấy bộ quần áo tặng con cháu ở quê; kể cả tiền để xây mộ, xây nhà thờ họ và tổ chức cúng quãy ở làng. Đó là làng Gia Độ, nơi mệ tôi, ông tôi đã nằm xuống, chú tôi đã nằm xuống.

7.
Vào mùa hè đỏ lửa năm 72, tôi quyết định sung vào quân đội. Từ Phổ Yên, tôi về Hà Nội thăm ba. Ba cho tôi 15 đồng, với một ruột tượng gạo và năm ổ bánh mì, một bọc mì lát khô tẩm đường, cùng lời nói: con phải về Yên Thành thăm mẹ, thăm các em; chiến tranh ác liệt, một đi biết bao giờ trở lại.
Năm tháng sẽ trôi đi, nhưng ngày ấy thì đọng mãi trong tâm thức.
Tôi sẽ không kể ra đây tất cả những gì đã thành kỷ niệm. Chỉ xin nói rằng, khi tôi tình nguyện đầu quân tại đoàn 568 Quân khu Tả ngạn, ba viết thư gởi lên vùng Yên Tử - Đông Bắc, nói rằng: Ba muốn con đổi tên Hồ Xuân Tâm thành Hồ Tĩnh Tâm.
Và cái tên của hồ sen trắng Thành Nội, gắn với tôi tới tận bây giờ.

Vĩnh Long, ngày 11 tháng 11 năm 2005
Hồ Tĩnh Tâm
Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam
ĐT: 0913. 648732
E-Mail:
hotinhtam52@yahoo.com.vn







Sống giữa lòng dân - Hồ Xuân Lai


SỐNG GIỮA LÒNG DÂN
Hồ Xuân Lai


Sở dĩ tôi còn sống đến hôm nay là nhờ được nhân dân hết lòng nuôi dưỡng, che dấu. Không chỉ một mình tôi mà tất cả cán bộ, du kích xã sở dĩ tồn tại và chiến đấu công tác được ngay giữa lòng địch suốt cả thời gian kháng chiến là nhờ được dân che giấu đùm bọc.

Mặc dù sống dưới sự kiểm soát gắt gao của địch, bọn Hội tề, mật vụ theo dõi dòm ngó ngày đêm. Nhưng lòng dân vẫn hướng về cách mạng, không quản ngại gian khổ hy sinh, hết lòng nuôi giấu, bảo vệ chúng tôi, trừ một số rất ít bọn phản động làm tay sai cho địch. Có người đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ và du kích trong nhà, bị địch nghi vấn, bắt giam và tra tấn dã man, vẫn kiên quyết không khai báo, không chỉ hầm bí mật, sẵn sàng chịu đựng hy sinh để bảo vệ cán bộ cách mạng. Lòng dân đối với cách mạng biểu hiện muôn màu muôn vẻ ở khắp mọi nơi, sát ngay đồn địch, nhưng để tránh tai mắt của địch, mọi người đều phải tuyệt đối giữ bí mật. Cán bộ, dân quân không được để lộ cơ sở của mình, nhân dân không nói việc làm của mình cho ai biết, kể cả người thân.
Lòng dân bao la như trời biển, làm sao nói hết và viết hết, tôi chỉ kể một số việc làm của bà con có liên quan đến bản thân tôi.
Chỉ hơn nửa năm không liên lạc được với cơ sở, lần đầu tiên từ chiến khu trở về địa phương tình hình hết sức đen tối. Về đến An Lợi khoảng 2 giờ sáng vào một đêm tối trời, tôi tìm đến nhà đồng chí Bích một đảng viên nằm vùng gọi cửa. Cánh cửa vừa hé mở tôi đã lọt vào nhà, đứng ngay trước mặt đồng chí Bích, bấm đèn pin vào mặt mình hỏi: nhìn mặt coi có nhớ ra tôi là ai không? Lai đây, ở trên rừng về đây! Đồng chí Bích trả lời: tôi nhớ ra rồi, đồng chí Lai đây rồi. Nói xong đồng chí Bích chạy đi gọi vợ và bà cụ thân sinh dậy trao đổi gì đó rồi trở lại kéo tôi vào buồng. Trong buồng hai mẹ con đã thắp sẵn ngọn đèn dầu che sau một cái thúng để ánh sáng không hắt ra ngoài. Vừa ngồi xuống giường đồng chí Bích liền hỏi: Đồng chí về làm gì mà nguy hiểm thế? Tôi nói: Hôm nay cấp ủy phân công tôi về giao nhiệm vụ cho đồng chí. Nhiệm vụ gì? Đồng chí Bích hỏi. Nhiệm vụ thì nhiều nhưng trước mắt là tạo điều kiện nuôi giấu tôi ở lại đây độ vài tháng để nắm tình hình, bắt liên lạc với cơ sở các thôn, chuẩn bị cho cán bộ xã trở về hoạt động. Cả ba mẹ con đều tỏ vẻ vừa mừng vừa lo, hỏi thăm sức khoẻ anh em ở chiến khu và chuẩn bị giường chiếu bảo tôi đi ngủ.
Sáng hôm sau đồng chí Bích đã tìm thêm hai đồng chí là đồng chí Oa và đồng chí Thùy, đem đến gặp tôi, sau khi bàn bạc thông suốt nhiệm vụ, các đồng chí này đã luân phiên nhau nuôi giấu tôi, ở nhà này năm ba ngày lại chuyển sang nhà khác, suốt hai tháng trời, ban ngày nằm ở trong buồng viết truyền đơn khẩu hiệu, ban đêm đi rải truyền đơn dán khẩu hiệu, thăm viếng nhân dân và liên lạc vận động cơ sở đào hầm bí mật chuẩn bị cho cán bộ và du kích trở về hoạt động.
Trong thời gian trở về bám dân, sống trong lòng địch suốt cả thời gian kháng chiến lâu dài, riêng bản thân tôi đã được nhiều người trong các tầng lớp nhân dân hết lòng thương yêu đùm bọc, nuôi dưỡng che giấu, đồng thời còn là những cánh tay đắc lực, những tai mắt nhạy cảm, giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ và tồn tại đến ngày nay. Biết bao cử chỉ và hành động tốt đẹp đầy tinh thần dũng cảm hy sinh để lại trong tôi lòng biết ơn vô hạn và những tình cảm sâu đậm không bao giờ quên. Sau đây là những đồng bào đồng chí và những gia đình đã trực tiếp nuôi giấu tôi mà tôi vẫn còn nhớ được.
Ông Từ một nông dân công giáo ở thôn Dương Lộc đã giúp tôi liên lạc được với Chánh Thiệp và Thất Đệ, cung cấp nhiều tin hoạt động của bọn phản động Dương Lộc, đặc biệt đã phát hiện được quy luật hoạt động giữa đồn Dương Lộc với đồn Gia Độ, giúp cho bộ đội địa phương huyện Triệu Phong, tiêu diệt đồn Dương Lộc không tốn một viên đạn.
Anh Tân, một thợ may ở An Lợi, ở ngay đường Cái, cách đồn Dương Lộc khoảng 500m, là một trong những người làm tai mắt cho cấp ủy rất tích cực đã phát hiện nhiều tên tay sai chỉ điểm và đã báo cho xã biết bọn Hương vệ chuẩn bị chuyển một số hồ sơ tài liệu và vàng bạc của bọn phản động đi Đông Hà bằng đường sông. Xã đã báo cho một tổ công an xung phong phục kích tại bờ sông phía An Giạ, bắn chìm đò, một số Hương vệ chết, thu được một khẩu súng và một va ly đựng hồ sơ tài liệu và vàng bạc của bọn phản động.
Anh Hoàng Mốc (Mốc con) ở thôn Gia Độ là một nông dân chăn vịt, nhà anh có chiếc thuyền nan (chiếc ghe), ở cạnh bờ sông Thạch Hãn, gần đồn Gia Độ, sẵn sàng đưa đón cán bộ du kích qua sông những khi cần thiết, mặc dù ca nô địch thường xuyên tuần tiểu trên sông, anh đã trở thành chiếc cầu nối liền đôi bờ Gia Độ và Vinh Quang suốt trong thời gian kháng chiến chống Pháp.
Gia đình ông Hoàng Ninh một nông dân nghèo và gia đình anh Nguyễn Thống con một cán bộ cách mạng lão thành, là hai cơ sở dùng để gặp nhau giữa tôi, đồng chí Tấn với Cai Sướng đồn trưởng, là một cơ sở địch vận và là người chỉ huy một tổ binh vận tại đồn Gia Độ.
Gia đình Bà Bát Y ở thôn Gia Độ là nơi tôi đã ở lại ba ngày cùng với hai Hương vệ là anh Hồ Cọi và Hồ Dục, vẽ bản đồ và bàn bạc kế hoạch đánh lô cốt Hương vệ ở cuối thôn Gia Độ.
Gia đình Bà Hồ Thị Sâm ở Xuân Thành, gia đình Chị Bộ Khản ở sát hàng rào đồn Phú Tài, tôi đã ở tại đây một ngày một đêm và Chị Khản là người trực tiếp liên lạc gọi ba Hương vệ gồm các anh Đỗ Cáo, Trương Hy và Trương Khả đến gặp tôi tại nhà chị, để cùng nhau bàn bạc kế hoạch phối hợp đánh đồn Hương vệ Phú Tài.

Trong thời gian hoạt động ở vùng địch hậu. Khắp các thôn trong xã, thôn nào tôi cũng có từ một đến ba hầm bí mật cá nhân để ẩn núp khi có địch càn hoặc lính đồn thỉnh thoảng đi tuần tiểu.

Tôi còn nhớ được một số gia đình đã đào hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn hoặc giữa lũy tre để nuôi giấu tôi suốt trong 9 năm kháng chiến chống Pháp như: Chị Chiêm, Ông Hồ Khoa, Bà Bát Y, Ông Hoàng Thí, Ông Hồ Thành (Ông Côốc) ở thôn Gia Độ. Ngoài ra một số gia đình tuy không có hầm bí mật, nhưng tôi vẫn về ở lại được, khi có khách đến thì lẫn tránh vào buồng như nhà chị Hồ Thị Cầm, Hồ Kinh, Hồ Quy, Ông Trần Tốn, ông Thỏn Hành v.v... đều là những gia đình ở gần đồn, dưới sự kiểm soát gắt gao của giặc.

Gia đình Ông Thừa, Ông Mục Cừ ở Giáo Liêm.
Gia đình bà Tôn, Bà Mục Kiển ở Thanh Liêm.
Gia đình Anh Ngữ, Ông Mục Vỹ một nông dân công giáo và Ông Cần thợ rèn ở Phan Xá.
Gia đình Ông Ngô Cà và Ông Bộ Khản ở Phú Tài v.v...

Trong thời gian tôi được Huyện ủy điều động tăng cường Ban Chỉ huy quân sự Huyện đội Triệu Phong, phạm vi hoạt động rộng hơn, nhưng đến đâu cũng được nhân dân thương yêu nuôi giấu và cũng có những hình ảnh hết sức cảm động như:

Bà Ngọa ở thôn Ngô Xá Đông và Bà Quì ở thôn Vĩnh Huề là hai bà mẹ chiến sĩ, đã nhận tôi làm con đỡ đầu và đã nuôi dưỡng tôi như con đẻ. Mỗi khi nghe tin tôi đau ốm, dù ở đâu các mẹ cũng tìm đến chăm sóc thăm viếng, mỗi lần tôi ghé thăm các mẹ, lúc ra đi các mẹ đều cho tiền, cho gạo mang theo.
Giữa năm 1948, tôi được Tỉnh ủy Quảng Trị cử đi dự Hội nghị Tôn giáo vận tại khu IV. Sau mấy ngày trèo đèo, lội suối, hai mắt tôi bị sưng tấy, đến chân đèo Ba Rếp thì mù hẳn không đi được nữa. Đoàn đã liên lạc với một xã miền núi thuộc tỉnh Quảng Bình nhờ một đội viên du kích đưa tôi trở lại thôn Dương Phao, một xã giáp giới giữa Vĩnh Linh và Quảng Bình. Một gia đình không quen biết đã nuôi dưỡng chăm sóc tôi hơn một tuần lễ và tích cực chạy chữa thuốc thang giúp tôi sáng mắt để trở về.
Một bà mẹ ở thôn Mai Xá, đã cứu tôi khỏi bị giặc bắt, tôi bị địch bao vây bốn phía, mẹ đã dẫn tôi ra bụi chuối trước sân, bảo tôi nằm vào giữa bụi chuối, rồi ôm một bó củi lá Sim đang phơi đầy giữa sân ủ lên người tôi để che mắt giặc, nhờ vậy mặc dù địch vào thôn lục soát gắt gao, nhưng chúng không phát hiện ra tôi, trong lúc tôi đang nằm ngay dưới mũi súng của chúng.
Một chị nông dân vợ đồng chí Thôn đội ở Vĩnh Huề, một hôm tôi đang công tác tại thôn Vĩnh Huề gần đồn Cửa Việt, bị giặc càn vào thôn, tôi ẩn núp dưới hầm bí mật ngay trong nhà chị. Chị đã nghi trang hầm bí mật cho tôi, khi địch vào nhà tra hỏi chị kiên quyết không khai, khi địch xăm hầm tích cực chị đã mưu trí đuổi địch bằng cách hy sinh 400 đồng bạc Đông Dương (tiền bán cá) cho một tên lính Pháp cướp, để đấu tranh đuổi chúng ra khỏi thôn cứu tôi thoát chết.
Đúng là giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.
Một bà mẹ ở thôn Đạo Đầu tôi chưa hề quen biết. Một lần tôi về công tác bị giặc càn, đồng chí Xã đội dẫn tôi xuống hầm bí mật ngay trong nhà bà cụ.
Khi bị địch đốt nhà, bà không lo cứu nhà, cứu tài sản đang bị cháy, mà chỉ lo xách nước tưới hầm để cứu anh bộ đội cụ Hồ.
Giặc đi bà dỡ nắp hầm kéo tôi lên, tôi bị ngất xỉu, bà cụ đã chăm sóc tôi suốt đêm cho đến khi tôi tỉnh dậy, mới trở lại căn nhà đã biến thành tro bụi của mình.
Ôi lòng dân thật bao là trời biển, một bà cụ gần đất xa trời, nhà cửa bị giặc đốt, tài sản bị thiêu cháy thành tro bụi không lo, chỉ lo tìm cách cứu sống một anh lính cụ Hồ.
Nếu không gặp nạn làm sao hiểu hết lòng dân.

* * *
Tóm lại, trong những năm tháng chiến tranh quần nhau với giặc, tôi cũng như đồng đội, đồng chí của tôi đã trải qua biết bao hy sinh gian khổ vào tù ra tội, mạng sống như treo đầu sợi tóc. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn sống và tồn tại mãi cho đến hôm nay.
Những kẻ đi xâm lược và bọn phản động tay sai không sao hiểu nổi: Trên một địa bàn nhỏ hẹp, đồn bót bao vây bốn phía, bọn chúng kiểm soát ngày đêm, càn đi quét lại, mà những người cách mạng vẫn sống được và tồn tại một cách kỳ diệu, xuất quỷ nhập thần, huyền thoại như truyện cổ tích, bao phen làm cho chúng thất điên bát đảo, mất ăn mất ngủ?
Câu trả lời rất đơn giản : Lòng dân.

Viết tại TP. Hồ Chí Minh.
Tháng 12 năm 2000.
Hồ Xuân Lai.

Sống giữa lòng dân - Hồ Xuân Lai


NHỮNG DẤU ẤN
KHÔNG QUÊN

IX. NHỮNG LẦN THOÁT CHẾT

1. Chủ quan khinh đỊch:

Tháng 3 năm 1947, chỉ sau Tết Nguyên đán mấy ngày, địch tổ chức trận càn lớn đầu tiên vào xã Phong Gia, mục tiêu trận càn là đánh vào thôn Gia Độ vì Gia Độ là nơi trung tâm đầu não của xã, nên lực lượng dân quân du kích của xã cũng tập trung ở đây. Sau khi địch đánh chiếm thị xã Quảng Trị, xã đã huy động toàn dân thực hiện vườn không nhà trống, đập phá nhà cửa, đào hào chiến đấu, chặt tre rào làng, lập phòng tuyến cản địch cả dưới sông và trên bộ.
Địch hành quân bằng cơ giới theo đường Cửa Việt đổ quân tại ngã ba Đại Hào, bí mật vượt qua các thôn, tập kết tại thôn Dương Lộc, huy động đồng bào công giáo phối hợp tiến về thôn Gia Độ. Khi gặp phòng tuyến và lực lượng du kích cản trở chúng bắt đầu nổ súng dữ dội vào thôn Gia Độ. Đồng bào bắt đầu chạy giặc và cán bộ cùng rút dần về phía Giáo Liêm. Tôi cũng đi dần về cuối thôn rồi bắt đầu dừng lại quan sát tình hình, vì tin rằng lực lượng du kích của ta đang giao chiến với giặc ở đầu làng. Mãi nhìn về hướng có tiếng súng nổ, thì bỗng thấy một toán địch xuất hiện trước mặt, chỉ cách khoảng 40-50m, tôi liền chạy theo một con đường nhỏ lui về phía sau thôn, nhưng vừa ra khỏi thôn lại gặp ngay một toán địch khác đang đi tới, chạy trở lại cũng không được tôi liền nhảy xuống cánh đồng ruộng nước chạy về phía Xuân Thành, bọn địch không thể nhảy xuống ruộng đuổi theo tôi, nên chúng dừng lại trên đường và tập trung súng bắn theo tôi, liều chết tôi cứ chạy, đạn nổ trên đầu, đạn cày dưới chân, đạn găm trước mặt, đạn xẹt hai bên, may sao toán địch không có súng máy nên tôi thoát chết.
Trong trận này gần một trung đội du kích và một số cán bộ hy sinh, nhiều đồng bào và dân quân bị thương và bị bắt.

2. VưỢt sÔng Mai XÁ:

Tháng 7-1947 địch phối hợp tổ chức một trận càn quét lớn vào 2 xã Phong Đăng và Phong Gia. Chúng hành quân theo lối bao vây bọc kín : quân thị xã đổ về theo hướng Phúc Lộc, Dương Lệ, quân Đại Hào phối hợp với quân đồn Bố Bản tiến vào hướng Đại Hòa, Quảng Lượng, Quảng Điền, Hương vệ Nhu Lý, tiến sang phía Việt Yên, quân Cửa Việt hành quân bằng thuyền theo dọc sông Thạch Hãn.
Cả ba mặt đều có địch, chúng tôi chỉ còn một cách gọi thuyền chài vượt sông Thạch Hãn sang phía Gio Linh. Tôi và một số cán bộ du kích ngồi kín trong mui một chiếc thuyền, sang được 2 phần ba sông thì gặp một chiếc thuyền của địch từ phía Cửa Việt lên, anh thuyền chài kêu: Các anh ơi thuyền địch gần quá rồi làm sao đây ? May sao trong thuyền có một anh bộ đội biệt động chỉa súng vào anh thuyền chài bảo: anh chèo mau lên, nếu buông chèo tôi bắn. Chiếc thuyền ghé vào bờ chúng tôi nhảy lên chạy vào làng Cồn Soi, đồng thời chiếc thuyền địch cũng ghé vào bờ đuổi theo chúng tôi. Bí đường buộc chúng tôi phải liều nhảy xuống sông vượt sang Mai Xá. Cách bờ Mai Xá chỉ còn 4-5m thì bọn địch đến kịp chúng dừng lại trên bờ xả súng bắn theo chúng tôi. Tôi đuối sức không bơi được nữa, định đứng xuống để lội vào bờ, nhưng nước còn sâu, nên bị chìm luôn xuống nước, tôi ngoi lên mấy lần nhưng không bơi được nữa, may sao có một người bơi phía sau tôi đã cầm tay tôi lôi lên mặt nước, đẩy mạnh vào bờ, tôi đứng xuống thì chân chạm đất, nên đã lội được lên bờ, chúng tôi chạy vào làng Mai Xá, may sao không ai trúng đạn cả.
Âm mưu của địch trong trận càn quét này là bao vây tìm diệt, nên chúng tàn sát rất dã man. Nhiều cán bộ, du kích và đồng bào, không kịp vượt sông Thạch Hãn đã bị bắn giết hoặc bị bắt. Trong đó một số cán bộ cách mạng lão thành bị giết tại chỗ và bị thủ tiêu mất tích như các ông Hồ Khắc, Hồ Kiệm, Trần Thưởng, Nguyễn Y, Nguyễn Lẩm, Hoàng Phùng ở Gia Độ v.v...

3. Bị địch bao vây:

Khoảng tháng 10 năm 1947 địch phối hợp lực lượng lớn càn quét một lúc vào địa bàn 2 huyện Gio Linh và Triệu Phong. Khoảng 8 giờ sáng quân địch đã áp sát 2 xã Phong Đăng và Phong Gia. Phía Gio Linh còn yên tĩnh, nên chúng tôi đều vượt sông chạy sang các thôn Vinh Quang, Mai Xá.
Tôi và một số cán bộ, du kích xã chạy vào làng Mai Xá, tình hình rất vắng vẻ, một số bà con cho biết, được tin địch càn từ hôm qua, nên cán bộ và nhân dân đã sơ tán hết rồi, chỉ còn các cụ già và phụ nữ có con mọn ở lại thôi. Tình hình vẫn yên tĩnh, nên chúng tôi vẫn nghỉ lại Mai Xá, đợi địch rút sẽ trở về. Nhưng vào khoảng 10 giờ thì có tin báo địch xuất hiện tại Vinh Quang đang tiến về Mai Xá, nhân dân bắt đầu xôn xao và chúng tôi bảo nhau chạy ra hướng Lâm Xuân, Nhĩ Hạ. Không ngờ vừa ra khỏi Mai Xá thì gặp lực lượng địch phục kích sẵn, bắn xối xã vào chúng tôi, chúng tôi chạy ngược về Mai Xá và lạc nhau mỗi người mỗi ngã. Tôi vào làng chạy vào hết nhà này sang nhà khác, nhưng không còn gặp một ai, có lẽ bà con đã xuống hầm tránh đạn hết. Khi chạy ngang qua một căn nhà lá trống trải, thấy có bà cụ già khoảng trên dưới 60 tuổi, ăn mặc rách rưới, đang ngồi trước cửa tôi mừng quá chạy vào nhờ cụ giúp đỡ chỉ cho chỗ ẩn núp để tránh giặc! Cụ bảo, nhà tôi trống trải không có chỗ nào ẩn núp được đâu, con tôi nó cũng chạy hết từ sáng rồi! Tôi năn nỉ: bốn phía đều có địch bao vây, không thể chạy đi đâu được nữa, mẹ cho núp ở đâu đây trong nhà hoặc núp dưới bàn thờ cũng được, nhà mẹ trống trải thế này chúng không lục soát đâu!
Suy nghĩ một lát bà cụ bảo tôi theo cụ ra góc sân có bụi chuối, ở giữa bụi chuối có cái hầm nhỏ để tránh đạn pháo địch đã sập đất, chỉ còn mấy cây gỗ gác bên trên. Cụ bảo tôi nằm xuống hầm, rồi ôm củi sim đang phơi đầy sân phủ kín lên nắp hầm liền với số củi sim đang phơi ở trên sân, xong cụ vừa trở vào nhà, thì đã nghe tiếng địch gọi nhau ơi ới, tiếng chân giẫm lên đám củi sim lạo xạo và tiếng gà kêu oang oác, có lẽ bọn lính đang đuổi bắt đàn gà ở gần đâu đó, may mà đàn gà không chạy vào bụi chuối, nên tôi thoát chết.

Sau trận càn lớn này địch đóng thêm đồn Gia Độ và đồn Mai Xá.

4. Nằm trong tầm pháo:

Thời gian địch đóng thêm đồn Gia Độ và đồn Mai Xá, hai xã Phong Đăng và Phong Gia nằm trong thế bị địch bao vây bốn phía. Bọn Tề lưu vong bắt đầu trở về hoạt động công khai. Cán bộ và du kích xã bắt đầu thoát ly, chuyển cơ quan vào đóng tại thôn Linh Yên phía bên kia đường Cửa Việt và chuyển hướng công tác vào ban đêm.
Một buổi sáng vào khoảng 9 giờ được tin báo một đoàn xe cơ giới đổ quân xuống thôn Mỹ Lộc, Duy Phiên, đang tiến về phía Long Quang, Linh Yên. Thu dấu tài liệu xong, chúng tôi cùng đồng bào chạy vào hướng Hải Lăng, thì gặp bọn địch từ Thi Ông, Ngô Xá chặn đường ở Linh Chiểu, Chợ Cạn. Bị bít cả hai đầu, đoàn người chạy giặc buộc phải băng qua bãi cát trống chạy về phía biển, bất chấp chiếc đầm già đang quần lượn trên đầu. Phát hiện được đoàn người, chiếc máy may đầm già đuổi theo, lượn quanh mấy vòng rồi bắn pháo hiệu gọi pháo binh bắn chặn tới tấp. Tôi liều mạng vừa bò, lăn, vừa chạy, đến cách thôn Gia Đẳng khoảng 200-300 mét thì pháo bắn cấp tập, không thể chạy được nữa, tôi lăn vào một động cát moi một hàm ếch nằm xuống tránh đạn, pháo nổ dồn dập trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái, may nhờ các động cát che chở và các cánh quân địch cũng tập kết ở chợ Cạn rồi rút theo đường Qui Thiện về thị xã, không ra thôn Gia Đẳng nên tôi đã thoát nạn.

5. Gặp địch phục kícH:

Tuy cơ quan chính quyền và các đoàn thể đã dời ra khỏi xã, nhưng đêm nào cán bộ và du kích cũng vượt đường Cửa Việt trở về hoạt động.
Một đêm tháng 3 năm 1948 vào khoảng 9 giờ đêm chúng tôi gồm có 7 cán bộ và du kích về đến thôn Xuân Thành, đi qua một con đập người ta đắp để đơm cá, thì gặp dịch phục kích ở bìa làng Xuân Thành bắn ra xối xả, chúng tôi nhảy xuống đầm nước, mạnh ai nấy chạy về phía thôn Giáo Liêm. Khoảng12 giờ đêm mới gặp nhau đông đủ tại một điểm tập kết đã quy định, chỉ thiếu anh Nguyễn Hẹ, một du kích dẫn đường đã bị địch bắn chết ngay từ loạt đoạn đầu. Sáng hôm sau nhân dân đã tìm được thi hài và chôn cất tử tế.

6. Bị kẹt giữa Vạn đò:

Một hôm một số cán bộ và du kích xã về hoạt động ở thôn Gia Độ. Khoảng hai giờ sáng anh em rút về Linh Yên bên kia đường Cửa Việt, tôi ngủ lại tại nhà ông Hồ Khoa ở Gia Độ để sáng hôm sau xuống gặp bà con Vạn đò ngã ba Gia Độ sơ tán tại bãi Cồn Nôông, giáp địa phận thôn Xuân Thành và Duy Phiên. Anh Thái đại biểu Hội đồng Nhân dân xã triệu tập một số quần chúng tốt tập trung trên một chiếc thuyền đậu giữa Vạn đò để nghe tôi phổ biến một số tình hình và nhiệm vụ mới.
Vào khoảng 9 giờ sáng bỗng có hai chiếc ca nô địch xuất hiện từ phía ngã ba Gia Độ chạy về hướng Cồn Nông. Bà con xôn xao ai về thuyền nấy, vì bọn lính tuần tiểu trên sông, thỉnh thoảng ghé vào Vạn đò kiểm tra bắt nạt để cướp tôm cá của dân.
Anh Thái gọi một chiếc Tròng Ngao do một phụ nữ chèo bảo đưa tôi vào Bãi Sa- Gia Độ để tránh giặc. Tôi bước xuống Tròng và bảo chị lái đò không chèo vào bờ, mà chèo ngược lên hướng hai chiếc ca nô. Chị lái đò bảo tôi năm sát xuống tròng và đậy chiếc sạp lên người tôi, chị đứng lên trên sạp chèo ngược về phía hai chiếc ca nô đang đi tới.
Vừa sợ nhưng cũng rất buồn cười, vì khi đậy chiếc sạp lên người tôi thì cái đầu tôi bị kê chiếc sạp lên, làm chị không thể đứng lên sạp để chèo được, buộc tôi phải để đầu ra ngoài sạp, vì phải nằm ngửa nên tôi nhìn rất rõ nét mặt lo sợ của chị ta. Nhưng rồi chị ta cũng nhanh trí lấy chiếc nón đang đội trên đầu ném úp lên mặt tôi và bình tĩnh chèo tròng thẳng về hướng địch.
Bọn địch hình như cũng muốn trêu ghẹo chị ta nên cho hai chiếc ca nô chạy kèm hai bên, mỗi bên chỉ cách chiếc tròng ngao khoảng 5-6 mét làm cho chiếc tròng ngao chòng chành chao đảo dữ dội, tôi có cảm giác như chiếc tròng ngao sắp bị lật. Bọn giặc không ngờ rằng trên chiếc tròng nhỏ bé ấy lại có một tên Việt minh gan dạ đang qua mặt chúng, nên đã cho ca nô chạy thẳng về phía Cửa Việt, và chiếc tròng ngao cũng thong thả ghé vào thôn Gia Độ, đưa tôi lên bờ thoát chết.

7. Chạm trán quân thù:

Đầu năm 1948, khoảng tháng 2 âm lịch có hai anh bộ đội địa phương mang thư Huyện ủy ra triệu tập tôi về huyện họp gấp. Hôm đó đang mùa mưa dầm gió Bấc, lại nhằm ngày chủ nhật, chúng tôi nhận định có thể địch không hoạt động nên quyết định vượt đường Cửa Việt ban ngày (thông thường thì lợi dụng vượt đường vào khoảng chập choạng tối).
Khoảng 10 giờ sáng tôi và hai đồng chí bộ đội bắt đầu xuất phát tại thôn Phú Tài, đi đến giữa cánh đồng giáp ranh với thôn Hiền Lương, bỗng thấy một toán địch xuất hiện từ thôn Dương Lộc, băng qua cánh đồng đi về phía chúng tôi, chúng tôi phán đoán có lẽ bọn Hương vệ Nhu Lý đi xem lễ ở nhà thờ Dương Lộc trở về và khoảng cách giữa ta và địch quá gần, nên bảo nhau cứ đi tự nhiên, khi nào chúng gọi hoặc bắn thì mới chạy! Khi địch cách chúng tôi chỉ còn một đám ruộng nước hơi sâu không lội sang được, chúng dừng lại trên bờ ruộng và gọi chúng tôi đứng lại. Đang đi trên đường, ba anh em chúng tôi đều nhảy xuống ruộng chạy dạt ra thành hàng ngang, mỗi người cách nhau khoảng 5-6 mét để phân tán mục tiêu và địch cũng bắt đầu nổ súng bắn đuổi theo chúng tôi. Đạn bay vèo vèo trên đầu, dưới chân, sau lưng, trước mặt. Cũng may là bọn Hương vệ không có súng máy, nên cả 3 anh em đều chạy thoát được vào thôn Hiền Lương. Chạy đến bãi tha ma gần bìa làng, thì tối tăm mặt mũi không còn chạy được nữa, mỗi người lăn vào cạnh một ngôi mộ nằm bất tỉnh.
Một lúc sau tiếng súng im lặng, chúng tôi dần dần tỉnh lại gọi nhau. Tôi và một anh đội viên ngồi dậy được, còn anh tiểu đội trưởng có mang theo khẩu súng thì nằm bất động. Chúng tôi đến gọi anh dậy để đi tiếp, nhưng anh không dậy được nữa, hai mắt nhắm nghiền, máu ra lênh láng, anh bị một viên đạn xuyên qua lồng ngực và đã hy sinh!
Ngồi với anh đứa nào cũng khóc! Cuối cùng chúng tôi bồng anh để xuống một cái ao (hào) cạnh lũy tre làng rồi cùng nhau trở về huyện báo tin!

Tối hôm đó Huyện đội cử một tiểu đội ra thôn Hiền Lương cùng với nhân dân chôn cất anh tử tế.

8 . Bị đạn pháo địch bắn đuổi:

Một buổi sáng tôi về thôn Đại Hòa, tổ chức họp mặt các cụ phụ lão để phát động phong trào quần chúng thực hiện khẩu hiệu 3 không (Không biết, không nghe, không thấy).
Đang họp thì có tin báo địch ở đồn Đại Hào sang. Cuộc họp giải tán, đồng bào ai về nhà nấy, tôi và một số cán bộ định rút về phía Hiền Lương, Quảng Điền. Vừa ra khỏi thôn Đại Hào khoảng 150 m thì địch phát hiện được, tập trung các loại súng bắn theo chúng tôi. Giữa cánh đồng trống trải, đoàn cán bộ chúng tôi chỉ có 4-5 người nhưng chạy cách xa nhau mỗi người một ngả để phân tán mục tiêu. Bỗng một quả đạn pháo nổ phía sau tôi rất gần, tôi có cảm giác lưng tôi hơi bị tê nhức, nhưng không nghĩ là mình đã trúng đạn, nên vẫn tích cực chạy.
Về đến thôn Hiền Lương, thì tiếng súng cũng bắt đầu im lặng. Tôi vào một nhà dân xin nước uống, người nhà phát hiện bảo: Anh bị thương rồi! Tôi sờ tay về phía lưng thì máu dính đầy tay, lúc đó mới cảm thấy đau nhức khó chịu. Bà con gọi cô y tá ở gần đó, đến băng bó vết thương cho tôi và đã lấy ra 5-6 mảnh đạn pháo bằng hạt bắp hạt đậu, may mà các mảnh đạn còn bám ở phần mềm chưa xuyên vào lồng ngực.

9. Giữa đường gặp nạn:

Cuối năm 1949 Huyện ủy cử đoàn cán bộ đi dự Hội nghi tôn giáo do Khu ủy triệu tâp họp tại Thanh Chương- Nghệ An.
Đoàn gồm 5 người do một Huyện ủy viên phụ trách, một cán bộ huyện ủy và ba bí thư Đảng ủy xã. Bắt đầu xuất phát tại Trấm vào ngày 28 Tết âm lịch. Ra đến Quảng Bình thì tôi bị đau mắt, đến Liên U - Ba Rền vào chiều 30 Tết. Chúng tôi quyết định nghỉ lại dưỡng sức để sáng mai vượt đèo. Vì không biết phong tục tập quán ở đây thế nào, nên không dám vào nhà dân, cùng nhau nằm ở vệ đường để nghỉ! Sáng ngày mồng một, hai mắt tôi bị sưng vù, nhắm tít, không còn thấy rõ đường sá! Vì đường còn xa núi non hiểm trở nên anh em rất lúng túng, bỗng có mấy người dân đi chúc tết sớm, thấy chúng tôi đang ngồi ở vệ đường bà con ghé lại hỏi chuyện, biết chúng tôi là cán bộ trên đường gặp khó khăn, nên đã dẫn chúng tôi vào một nhà dân gần đó, được gia đình đón tiếp và cho ăn uống tử tế và bà con đề nghị nên để tôi ở lại vì đường còn xa phải đi mất mấy ngày đường nữa, lại phải vượt qua nhiều đèo núi, khe suối, lỡ có chuyện gì giữa rừng núi thì rất khó khăn! Nhưng ở lại đây cũng rất nguy hiểm, vì bọn địch ở Hòa Luật Nam và Ngã ba Chè thường bắn pháo và phục kích dưới chân đèo để rình bắt Việt minh, nên đồng chí trưởng đoàn quyết định tôi phải trở lại Dương Phao thuộc huyện Vĩnh Linh giáp giới Quảng Bình nghỉ lại, đợi lành mắt mới trở về và nhờ bà con dẫn đồng chí trưởng đoàn đi gặp xã đội địa phương, xin một dân quân đưa tôi trở lại Dương Phao. Về đến Dương Phao trời vừa tối, anh dân quân Quảng Bình phải tìm đến nhà một cán bộ Ủy ban xã để bàn giao và Ủy ban xã đã gởi tôi nghỉ lại một nhà dân.
Ở đây tôi được bà con chăm sóc rất chu đáo và đã tìm thầy chữa mắt cho tôi. Khoảng một tuần lễ sau mắt tôi dần dần sáng lại và từ giã bà con trở về địa phương. Công ơn này biết bao giờ tôi mới trả được.

10. Vượt đường số Một:
Tháng 6 năm 1950 là Bí thư Đảng bộ, tôi đi theo đoàn dân công xã gánh thóc thuế nông nghiệp lên chiến khu. Đoàn gồm trên 50 dân công và một tổ du kích dẫn đường.
Đoàn xuất phát từ 7 giờ tối đến Đâu kênh, vì phải đợi nước ròng mới lội sang sông Thạch Hãn được, nên phải gần 4 giờ sáng mới đến Trấm, giao lương xong, đoàn dân công phải về Tràu (Triệu Sơn) nghỉ lại đợi đến tối mới vượt đường số Một trở về địa phương. Vào khoảng 8 giờ tối, chuẩn bị qua đường, đoàn đi theo hàng dọc, khoảng cách từ 3-4 mét, người sau phải nhìn lưng người trước để khỏi lạc. Đến gần đường sắt cách quốc lộ khoảng một cây số, thì gặp tổ phục kích của địch bắn xối xả, đoàn người chạy tán loạn, mải đến 12 giờ đêm anh chị em mới gặp nhau đông đủ tại địa điểm tập kết đã định trước và khoảng 2 giờ sáng đoàn dân công lại tiếp tục vượt đường, vượt sông trở về xã an toàn. Trong trận này một dân công đã hy sinh tại chỗ là anh Đạt người thôn Thanh Liêm và một vài người khác bị thương nhẹ.

11. Bị đốt dưới hầm bí mật:

Năm 1953 bộ đội địa phương huyện có hai nhiệm vụ: vừa tập trung phối hợp đánh các trận tập kích lớn vào các đồn bót địch, vừa phân tán xây dựng và phát triển lực lượng dân quân du kích khắp các xã trong toàn huyện. Một hôm tôi về kiểm tra một tiểu đội bộ đội địa phương đang hoạt động ở thôn Đạo Đầu. Sáng hôm sau được tin báo có một đơn vị quân địch từ thôn Ngô Xá đang tiến sang Đạo Đầu. Tôi cùng với tiểu đội bộ đội địa phương và một số du kích triển khai bố trí lực lượng dọc hào giao thông về hướng Ngô Xá với mục đích bắn chặn tiêu hao địch rồi rút xuống hầm bí mật tại chỗ.
Khi địch tiếp cận, vì lực lượng địch đông lại có máy bay đầm già yểm trợ, nên quân ta chỉ bắn vài loạt súng trường rồi rút xuống hầm bí mật. Tôi xuống hầm trong một nhà dân đã được bố trí sẵn, lúc đó chỉ có một bà cụ già khoảng gần 60 tuổi ở nhà. Bà cụ nghi trang hầm cho tôi vừa xong, chỉ một lát sau thì địch vào làng, chúng lục soát bắn phá và đốt một số nhà dân. Ngồi dưới hầm tôi nghe rõ tiếng địch la hét, tiếng dân kêu khóc, tiếng lửa cháy rần rần và tiếng tre nổ lốp bốp. Nhà tôi đang ẩn núp cũng bị đốt, nhiệt độ trong hầm càng lúc càng tăng, nhất là lúc nhà bị sập, khói lùa vào lỗ thông hơi. Người tôi vừa nóng vừa ngạt thở, tưởng như sắp chết, muốn nhảy ra khỏi hầm, nhưng lại sợ địch còn ở bên trên. Thỉnh thoảng tôi nghe có tiếng xèo xèo trên miệng hầm, tôi đoán có người đang dội nước cứu tôi, nhưng mỗi lần có tiếng dội nước bên trên thì sức nóng dưới hầm tăng lên, rất khó thở. Mãi đến một giờ chiều, nắp hầm mới được dỡ lên, tôi nhảy lên hầm chạy qua đám lửa, ra đến giữa sân thì té xỉu, không còn biết gì nữa.
Mãi đến nửa đêm tôi mới dần dần tỉnh dậy và thấy bà cụ già đã cứu tôi đang ngồi cạnh với bát cháo đậu xanh, bà cụ vừa khóc vừa nói: Chúng đốt nhà tôi không sợ, mà chỉ sợ anh chết! Tôi muốn dỡ hầm cứu anh, nhưng lại sợ chúng bắt anh! May mà anh còn sống, phúc đức lắm anh ơi. Tôi đã khóc theo bà cụ và vô cùng cảm động trước tấm lòng của một người dân chưa một lần quen biết đã hy sinh vì nghĩa lớn.

12. Bị xăm hầm bí mật :

Đầu năm 1954, tôi về công tác tại thôn Vĩnh Huề ở gần đồn Cửa Việt nhằm củng cố lực lượng dân quân du kích và phát động phong trào bất hợp tác với địch.
Một hôm đang họp với anh em du kích và một số cơ sở quần chúng, thì được tin từ Cửa Việt báo: sáng mai địch càn từ Cửa Việt vào Hải Lăng. Họp xong tôi mời anh em cán bộ ở lại để bàn biện pháp đối phó với trận càn ngày mai. Không ngờ từ khi địch tập trung Hội tề về đồn Cửa Việt, mỗi khi được tin giặc càn thì cán bộ du kích Vĩnh Huề đều rút vào thôn Cửa Việt dựa vào dân để tránh địch. Hôm đó anh em đề nghị tôi cùng đi với anh em ra Cửa Việt để đảm bảo an toàn hơn. Tôi nghĩ là cán bộ chỉ huy Huyện đội, xuống cơ sở phát động phong trào chiến tranh du kích, nghe địch càn lại chạy vào đồn địch trốn, thì sẽ nói với bà con như thế nào! Tôi yêu cầu cán bộ và du kích ở lại chống càn xong rút xuống hầm bí mật. Nhưng anh em đều không nhất trí với lý do, ta chỉ bắn năm ba phát súng cũng không cản được địch, mà chỉ tạo cớ cho địch tàn sát nhân dân, và đề nghị tôi nên cùng anh em vào Cửa Việt tránh giặc để bảo vệ dân.
Tôi kiên quyết ở lại một mình, cuối cùng đồng chí Thôn đội trưởng dẫn tôi về nhà chỉ hầm bí mật và bảo nếu mai địch vào làng thì anh xuống hầm để tránh. Tôi kiểm tra hầm bí mật xong, yên trí lên giường nằm ngủ và sáng hôm sau tôi dậy sớm đi quan sát tình hình. Vĩnh Huề là một thôn nhỏ ít dân, tôi đi quanh khắp mọi nơi, thôn xóm vẫn yên tĩnh và vắng vẻ không thấy bóng một thanh niên hay cán bộ, mà chỉ gặp các cụ phụ lão và một số phụ nữ có con mọn ở nhà (vợ đồng chí thôn đội trưởng cũng có con mọn ở nhà) gặp tôi ai cũng bảo địch càn sao anh không tránh! Tôi mỉm cười và bảo: biết nó có càn không mà tránh.
Khoảng 8 giờ 30 sáng tôi trèo lên một cây cao phía rìa làng quan sát thì thấy địch xuất hiện, chúng tiến hàng ngang băng qua các bãi cát trống bao vây Vĩnh Huề từ phía Cửa Việt vào và Long Quang xuống, chỉ còn phía Gia Đẳng còn bỏ ngỏ.
Địch bắt đầu nổ súng tôi chạy về nhà đồng chí Thôn đội trưởng xuống hầm và dặn vợ đồng chí Thôn đội nghi trang xong cứ bồng con ngồi ở nhà không đi đâu cả.
Khoảng sau vài chục phút tôi nghe thấy tiếng lính gọi nhau í ới và tiếng thuổng xăm hầm thình thịch. Hầm tôi ẩn tránh ở trong nhà, nhưng lỗ thông hơi thì ra phía ngoài hè. Hầm và lỗ thông hơi đều phải xây và chắn bằng gạch để chống cát sập. Đang ngồi đưới hầm bỗng nghe một tiếng cạch và viên gạch che lỗ thông hơi bị lật, cát chảy xuống hầm, tôi nghĩ là địch đã xăm trúng hầm, thế nào cũng bị bắt và đã bắt dưới hầm bí mật thì thế nào cũng bị bắn. Tôi tự bảo kiên quyết không để địch bắt và lấy quả lựu đạn mang theo, rút chốt an toàn cầm ở tay, địch gọi không lên, chờ chúng mở nắp hầm sẽ ném lựu đạn lên và giẫm lên xác giặc mà chạy, may ra còn có đường thoát! Bỗng nhiên nghe tiếng la khóc của chị vợ đồng chí Thôn đội và tiếng chân chạy thình thịch trên nhà. Tiếng la khóc xa dần, xa dần cho đến khi không còn nghe tiếng và tình hình trên mặt đất cũng dần dần yên lặng. Khoảng 30 phút sau chị dỡ nắp hầm gọi tôi lên vì địch đã đi xa, chị bồng con đứng nhìn tôi với nét mặt buồn rầu đau khổ.
Tôi hỏi: Bọn chúng đánh chị đau lắm phải không? Ngồi dưới hầm tôi nghĩ chắc chị bị tra tấn dã man và bắt đi cả mẹ lẫn con! Không ngờ chị còn sống. Chị chủ nhà vừa nói vưa rưng rưng nước mắt: Hai tên lính vào nhà hỏi tôi nhà có hầm bí mật không? Tôi trả lời không có, chúng nó bắt đầu xăm hầm. Sợ quá, tôi định bồng con đi khỏi nhà, nhưng khi ra giữa sân tôi nghĩ nếu bỏ đi, chúng nó nghi sẽ tìm hầm tích cực và thế nào anh cũng bị bắt nên tôi ngồi lại ở cửa, nghĩ cách cứu anh, vì nếu anh bị bắt trong nhà thì mẹ con tôi cũng bị chúng giết. Tôi nhớ trong túi yếm của tôi có 400 đồng bạc Đông Dương vừa bán cá hôm qua, bèn lấy ra giả vờ vừa cho con bú vừa đếm bạc. Bỗng một tên lính Pháp đi qua, nó nhìn tôi một lúc rồi xông vào cướp nắm tiền trên tay tôi rồi bỏ chạy. Tôi bồng con đuổi theo nó, vừa chạy vừa la khóc vừa kêu cứu. Mấy tên lính đang xăm hầm đứng nhìn ngơ ngác rồi bỏ chạy theo tên Pháp, bọn lính khác cũng lần lượt kéo ra khỏi làng, đợi chúng đi xa tôi mới dám trở về gọi anh lên, rất mừng là anh không bị bắt! Đúng là chị đã cứu tôi thoát chết.
Tối hôm đó, tôi cho triệu tập đồng bào và cán bộ đến họp để kiểm điểm tinh thần chống càn của nhân dân. Sau khi nghe tôi báo cáo tình hình, bà con đã động viên nhau đóng góp đủ số tiền bị địch cướp để giúp đỡ gia đình đồng chí Thôn đội đỡ bớt khó khăn. Đây là một sự hy sinh cao cả và một hành động mưu trí dũng cảm của một người dân bình thường đối với đất nước. Bọn cướp nước làm sao hiểu nổi.

13. Hai lần suýt chết trong đồn giặc:

Đầu năm 1953 bộ đội địa phương Huyện phối hợp với D- 230 tỉnh tổ chức đánh đồn Phú Tài. Tổ đột phá khẩu vừa cắt xong ba lớp rào kẽm, vừa vào đến sân đồn chưa kịp hành động thì gặp tổ tuần tra của địch phát hiện, chúng bắn pháo hiệu kêu cứu viện và hai bên bắt đầu nổ súng bắn nhau, nhưng chỉ một lát sau thì pháo ở Thị xã Quảng Trị, ở Đông Hà và Cửa Việt bắn cấp tập vào trận địa, quân ta không tổ chức xung phong được, buộc phải rút lui trong tầm pháo và bị hy sinh gần một tiểu đội. Tôi cũng nằm trong vùng lửa, rất may là không trúng đạn.
Cuối năm 1953 bộ đội địa phương Huyện phối hợp với bộ đội chủ lực tỉnh đánh đồn Linh Chiểu. Khi tổ đặc công diệt xong Sở chỉ huy và các hỏa điểm phòng ngự của địch, bộ đội lập tức xung phong chiếm đồn, bọn địch hoàn toàn tê liệt, chỉ còn một vài tiếng súng và lựu đạn nổ lẻ tẻ không hiểu của quân ta hay quân địch bắn. Tôi vào ngay Sở chỉ huy, căn phòng vẫn trống trải và im lặng, quét đèn pin xem xét bốn phía thấy bên cạnh có một phòng ngủ, hai vợ chồng tên đồn trưởng đang nằm chết ở trên giường. Tôi bước vào phòng đến đầu giường đang loay hoay tìm khẩu súng ngắn, bỗng nghe tiếng lựu đạn nổ ở phòng ngoài, không hiểu của địch hay của ta, mảnh đạn bay xuyên cả vào phòng tôi đang đứng, may mà mảnh đạn xuyên qua tấm ván ngăn phòng đã yếu đi, nên tôi không chết.
Trận này ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ binh lính trong đồn. Khi rút lui ta cho một tổ phóng hỏa đốt đồn và khi pháo địch bắn chi viện thì quân ta đã tập kết về Gia Đẳng toàn vẹn, không một ai bị chết hoặc bị thương.

14. Bị bom trên đường đi công táC:

Trong chiến dịch ném bom miền Bắc, máy bay địch tích cực săn lùng các đoàn xe vận tải, hòng cắt đứt viện trợ của hậu phương cho tiền tuyến. Con đường số Một bị máy bay địch tập kích bắn phá thường xuyên. Một hôm tôi đi công tác ở miền Trung về bằng xe đạp, đến địa phận tỉnh Ninh Bình bỗng nghe tiếng máy bay, vừa nhìn lên trời đã thấy một phi đội phản lực bay lượn trên đầu. Ba chiếc phản lực đang bay về hướng Hà Nội, bỗng quay lại lượn mấy vòng rồi thay nhau bổ nhào cắt bom xuống mặt đất. Không kịp tìm chỗ ẩn tránh, tôi ném chiếc xe xuống vệ đường rồi lăn ngay xuống ruộng. Quả bom rơi gần chỗ tôi nằm, nhưng đều nổ ở bên kia đường, có một quả nổ ngay trên mặt đường, nhưng vì tôi nằm dưới ruộng nên mảnh đạn chỉ bay qua người và tôi không chết.

15. Qua cầu gặp địch:

Một hôm tôi làm việc ở nông trường Bãi Trành ở Thanh Hóa xong, lúc trở về Hà Nội, ra khỏi nông trường khoảng 2 cây số thì gặp một chiếc cầu. Người ta đã dỡ hết mặt cầu để đánh lừa máy bay địch, ban đêm người ta ráp mặt cầu cho xe qua, ban ngày thì tháo dỡ đem đi dấu, chỉ gác lại mỗi vì cầu một tấm ván cho người đi bộ. Tôi vác xe đạp trên vai rồi đi qua cầu. Trên chiếc xe đạp có chiếc ba lô quần áo và đồ dùng hơi nặng, nên qua khỏi vì cầu thứ nhất đến vì cầu thứ hai vừa đi được mấy bước, thì tấm ván quá mỏng nhún lên nhún xuống không bước tiếp được nữa, muốn trở lại cũng không dỡ chân lên được đành phải đứng im tại chỗ, chờ gặp người giúp đỡ. May sao có hai người đi đến, một người ra đỡ chiếc xe đạp và dắt tôi trở lại. Nhưng vừa ra khỏi cầu đang đứng nói chuyện thì có hai chiếc máy bay đến ném bom. Chúng tôi chỉ kịp lăn xuống mố cầu thì hai quả bom đã nổ liên tiếp ở giữa cầu, có lẽ chúng thấy mục tiêu đã bị phá hủy, nên chỉ ném một loạt bom rồi bay thẳng nên cả ba chúng tôi đều thoát chết.

16. Chìm cầu giữa sông:

Thời gian địch ném bom ác liệt nhất, mọi sinh hoạt trên đường số Một đều chuyển về ban đêm. Một lần tôi đi công tác ở Nghệ Tĩnh về đến Thanh Hóa thì trời sáng phải nghỉ lại một nhà dân ở huyện Hoàng Hóa, chờ đến tối mới tiếp tục đi, đến cầu Họ Ninh Bình vào khoảng 8 giờ đêm. Cầu Họ ban đêm chỉ dành riêng cho xe cơ giới, người đi bộ và xe đạp phải qua sông bằng cầu phao về phía hữu ngạn, cách cầu chính khoảng 500 mét. Trên bến cầu phao lúc đó người và xe đạp ùn lại rất đông, ai cũng muốn tranh thủ qua cầu trước để tránh nguy hiểm, nên đoàn người chen chúc nhau xuống cầu, bất chấp cả sự điều khiển của Ban quản lý cầu, tôi cũng nằm trong số đó. Khi ra đến một phần ba cầu, vì chiếc cầu quá tải nên chìm dần, một số người đã rơi xuống sông kêu la inh ỏi, lúc đó muốn trở lại vào bờ cũng không được! Khi chỗ tôi đứng nước đã lên quá đầu gối, tôi liền buông chiếc xe đạp và nhảy xuống sông bơi trở lại vào bờ và tìm đến Ban quản lý cầu, yêu cầu giúp đỡ. Nhưng mãi đến gần 2 giờ sáng, khi mọi người đã qua cầu hết, Ban quản lý cầu mới cho người lặn xuống sông tìm được chiếc xe đạp, tôi mới có phương tiện tiếp tục qua cầu trở về Hà Nội.

17. Nằm giữa tọa độ chết:

Phủ Qùi thuộc tỉnh Nghệ An là một vùng kinh tế chiến lược, gồm có 2 nông trường quốc doanh, 3 nông trường quân đội, một nhà máy cơ khí trung đại tu và một thị trấn khoảng trên dưới hai vạn dân. Do đó nên Phủ Quì là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến dịch ném bom phá hoại miền Bắc của địch, máy bay phản lực hết phi đội này đến phi đội khác bắn phá suốt ngày đêm, càn đi quét lại, băm nát con đường 48 từ ngã ba Diễn Châu đi Phủ Quì giáp biên giới Lào, các cơ sở nông trường và nhà máy trở thành những đống gạch vụn, nhiều vườn cây bị bom đạn cày xới, sản xuất bị đình trệ, đời sống cán bộ và công nhân bị uy hiếp, các cơ sở sản xuất mất liên lạc với trung ương.
Trước tình hình đó, giữa năm 1965, Bộ cử 3 cán bộ trong đó có tôi vào Phủ Quì cùng với địa phương thành lập Ban đại diện thay mặt Bộ giải quyết khó khăn tại chỗ. Ban đại diện đóng giữa một vườn cà phê cạnh một đội sản xuất, tại nông trường Đông Hiếu. Một hôm khoảng 11 giờ đêm tôi đang ngủ bỗng nghe bom nổ phía nông trường 3 tháng 2. Tất cả anh em cán bộ cơ quan đều thức dậy chạy ra sân quan sát tình hình, thấy nơi máy bay địch đang bắn phá cách cơ quan đại diện đang ở khoảng 10 cây số, nên chủ quan mọi người đều vào lán ngủ tiếp. Chỉ một lát sau vừa nghe tiếng máy bay đồng thời với hai quả bom nổ liên tiếp tại đội sản xuất sát cạnh chúng tôi đang ngủ. Tiếp theo là tiếng kêu khóc thảm thiết. Chúng tôi đều chạy sang đội sản xuất chỗ vừa bị ném bom thì thấy một số lán trại bị sụp đổ, một số người chết và nhiều người bị thương. Anh em chúng tôi cùng với cán bộ nông trường phân công nhau đi điều động công nhân ở các đội sản xuất khác đến giải quyết hậu quả, mãi đến 9-10 giờ sáng mới xong. Khi trở về lán, tôi thấy ở chỗ tôi nằm có nhiều mảnh bom xuyên qua chiếc phản lá cạnh giường, tôi ngồi vào giường ướm thử, có một số mảnh bom xuyên qua phên có tầm ngang đầu ngang ngực, may mà lúc đó tôi đang nằm ngủ, nếu còn thức thì đã mất mạng.

còn tiếp...


Sống giữa lòng dân - Hồ Xuân Lai

NHỮNG DẤU ẤN KHÔNG QUÊN

VIII. ĐỐI MẶT VỚI KẺ THÙ

Đầu tháng 5 năm 1949, một hôm tôi về dự lễ kết nạp một đảng viên mới tại liên chi bộ An Lợi, Trung Yên, dự lễ xong khoảng 2 giờ sáng, tôi về nhà anh Trinh đảng viên và là du kích ở thôn Trung Yên ngủ lại. Khoảng 5 giờ sáng nghe tiếng súng nổ ở thôn Đại Lộc, vì chủ quan Trung Yên là một cồn nổi xung quanh đều có sông bao bọc, chỉ có khoảng 50 nhà dân, địch ít chú ý nên vào nằm ngủ lại. Không ngờ lúc đó triều xuống, nước sông cạn, một số thanh niên Đại Lộc lội sông chạy sang Trung Yên và địch đuổi theo vào Trung Yên lục soát.
Được người nhà anh Trinh gọi, tôi và anh Trinh vừa vùng dậy chưa kịp xuống hầm bí mật thì đã có hai tên lính áp sát vào nhà. Thấy chúng tôi đều là thanh niên liền hỏi và chúng tôi bình tỉnh trả lời.
- Hai anh người xã nào ?
- Chúng tôi là dân Trung Yên.
- Dân Trung Yên cũng phải về đồn, nếu đúng thì Lý trưởng sẽ bảo lãnh sau.

Thế là cả tôi và anh Trinh đều bị bắt. Ra giữa đồng gặp Lý trưởng đang cuốc đất (Lý trưởng là anh Trương Đỉnh, một quần chúng tốt) chúng gọi đi theo về đồn để nhận dạng.
Đi hết cánh đồng Trung Yên chúng dừng lại gọi đò chở qua sông để về đồn Gia Độ. Lợi dụng lúc chúng không để ý, anh Đỉnh, Lý trưởng nói nhỏ với tôi: về đồn Gia Độ sẽ gặp người quen không thể nhận chú là dân Trung Yên được, phải khai thật thôi, chú có bề gì cũng là hy sinh cho cách mạng, mong chú thông cảm!
Tôi bảo với anh Đỉnh và anh Trinh: Về đồn chúng có hỏi thì hai anh cứ bảo tôi là ông Hồ Xuân Lai, Phó chủ tịch Ủy ban xã, nhưng từ ngày có đồn Gia Độ thì đi đâu không biết, chúng tôi không hề gặp. Nếu chúng hỏi anh Trinh: không biết tại sao bắt được ông Lai tại nhà anh, thì trả lời không hiểu từ đâu ông Lai vừa chạy vào nhà tôi, thì các ông vào bắt, tôi không biết ông ấy ở đâu đến cả. Về đồn tôi đã có cách khai với chúng nó, còn các anh dù chúng có tra tấn như thế nào, cũng kiên quyết không được khai thêm điều gì ngoài lời tôi dặn. Chúng tôi đã thống nhất được với nhau.
Đúng như chúng tôi đã phán đoán, về đến đồn Gia Độ, tôi đang ngồi giữa đám đông vừa thanh niên, vừa nông dân của 2 thôn Đại Lộc và Trung Yên gần 20 người vừa bị chúng bắt tại đám đất trước sân đồn (chùa Gia Độ), chỉ khoảng 15 phút sau, có 2 tên lính lách đám đông đến dắt tay tôi đưa vào đồn gặp tên đồn trưởng (đồn trưởng là tên Thượng sĩ Thắng có vợ là con tên lý trưởng làng Gia Độ).
Tên Thắng hỏi và tôi trả lời :
- Anh tên gì, làm gì, ở đâu ?
- Tôi tên Hồ Xuân Lai, Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh, khi xã bị chiếm đóng tôi chạy lên rừng tăng gia sản xuất và ở luôn trên đó.
- Anh bảo anh ở trên rừng, tại sao anh lại bị chúng tôi bắt tại Trung Yên.
- Nhớ gia đình quá, hôm qua tôi định về thăm, nhưng về đến Lập Thạnh, gặp lúc nước sông lên cao không lội qua được tôi phải nghỉ lại chờ đến sáng nay, vừa mới sang sông thì gặp các ông bắt.
- Nếu lời khai của anh là đúng sự thật, tôi hứa sẽ giúp đỡ anh, nếu khai láo thì anh hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bây giờ hết giờ, anh tạm ngồi đây, chiều chúng ta sẽ tiếp tục làm việc.
Trưa hôm đó ngồi một mình trong đồn giặc, tôi quan sát rất kỹ hệ thống bố phòng của chúng. Sau 3 lớp rào bằng tre vót nhọn đan chéo nhau, còn có một lớp rào bùng nhùng bằng dây kẽm gai, tôi phát hiện có một chỗ gần cửa lô cốt tạm giam người bị bắt, các lớp hàng rào bị đẩy dạt ra hai bên, nghiêng người có thể lòn qua được và từ đó có một lối mòn nhỏ đi ra phía trại gia binh của chúng. Trong đầu tôi hình thành một phương án trốn khỏi đồn giặc ngay đêm hôm đó và đêm đó tôi đã 3 lần lòn ra khỏi trại giam, nhưng lần nào cũng gặp bốn năm tên lính ngồi nói chuyện hút thuốc gần ngay trước trại giam nên không thể trốn được.
Khoảng 1 giờ 30 phút chiều đó chúng bắt đầu tổ chức lấy cung. Tôi ngồi đối diện với tên Thắng đồn trưởng, bàn bên cạnh là một thư ký ghi chép thỉnh thoảng tên đồn trưởng gọi tên là trung sĩ Tâm. Tên đồn trưởng hỏi và tôi trả lời.
- Anh tên gì ?
- Tôi tên Hồ Xuân Lai.
- Làm gì ?
- Làm Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh xã Triệu Bình.
- Anh ở nhà nào và làm việc với những ai ?
- Tôi ở chiến khu tăng gia sản xuất, không còn làm việc nữa, nên cũng không quan hệ với ai cả.
- Anh ở chiến khu tại sao anh bị bắt ở làng Trung Yên, ngay gần đồn chúng tôi ?
- Lâu ngày không gặp bà cụ và vợ con, tôi nhớ nhà quá, hôm qua định về thăm nhà, gặp nước lớn không lội qua được, chờ đến sáng nước ròng tôi vừa lội qua khỏi sông thì bị bắt.
- Anh có dám cam đoan những lời khai của anh là đúng không ? Nếu tôi phát hiện lời khai của anh không đúng thì sao ?
- Tôi cam đoan lời khai của tôi là sự thật, nếu không đúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.
- Nếu anh khai đúng sự thật thì tôi hứa sẽ tìm cách giúp đỡ anh, anh muốn làm việc tôi sẽ xin việc cho anh làm, anh muốn ở nhà làm ăn tôi sẽ bảo vệ anh, không để cho ai dọa nạt anh cả. Nhưng theo luật nhà binh thì anh bị tạm giam, anh ra trại giam nghỉ, mai sẽ tiếp tục làm việc. Tên đồn trưởng bảo tôi ký vào biên bản, xong bảo tên thư ký đưa tôi ra trại giam và sau đó tên đồn trưởng bận đồ thường dân, đội nón cối, đi ra cổng vào thôn Gia Độ.
Tên đồn trưởng vừa đi xong, tên thư ký ra mở cửa trại giam gọi tôi vào đồn. Nó đang kéo ghế mời tôi ngồi thì tôi chủ động hỏi ngay.
- Xin lỗi anh có phải là trung sĩ Tâm (vì trong lúc lấy cung tên đồn trưởng thỉnh thoảng gọi tên nó là trung sĩ Tâm ) .
Tên trung sĩ chưa kịp trả lời thì tôi hỏi tiếp :- Trước đây anh Tâm có yêu cô Trương ở Gia Độ phải không ?
Tên Tâm hỏi lại :
- Làm sao anh biết ? Thấy thái độ của nó có vẻ thật thà, tôi trả lời tiếp.
- Anh tưởng chúng tôi ở ngoài không hiểu gì trong đồn này cả sao! Trong đồn này có bao nhiêu người, bao nhiêu súng đạn và ai thế nào chúng tôi đều biết cả.
Im lặng một lúc rồi nó bảo :
- Trước đây tôi có yêu cô Trương, nhưng sau nghe bà con bàn tán: con Trương lấy Việt gian, sợ liên lụy đến cô ta tội nghiệp nên chúng tôi bỏ nhau rồi.
Tôi giải thích tiếp :
- Nhân dân rất sáng suốt, họ biết không phải ai đi lính cho Pháp đều là Việt gian cả. Họ hiểu có người là Việt gian phản động thật, nhưng cũng có người bị bắt, vì hoàn cảnh gia đình hoặc vì kinh tế, họ không vơ đủa cả nắm như anh tưởng đâu. Nó thanh minh :
- Tôi là học sinh ở Huế, bị chúng bắt đi lính, nhưng tôi sợ bà con hiểu lầm, tội cho cô Trương. Nói xong nó bảo: ông Thắng đồn trưởng sắp về rồi, thôi anh ra lô cốt nghỉ, để ông ấy gặp thì lôi thôi lắm. Tôi vào lô cốt, tên trung sĩ lấy tấm tôn đóng cửa và từ đó trở đi thỉnh thoảng nó đưa nước và thuốc ra cho tôi uống.
Chiều hôm đó khoảng 5 giờ chiều tên Tâm mở cửa trại giam gọi tôi ra ăn cơm. Ra sân tôi nhìn ra phía hàng rào cổng trước để tìm người nhà, thấy mẹ tôi hai tay vịn vào hàng rào đang khóc, thì một tên lính cầm nắm cơm và gói thịt gà đưa cho tôi bảo là cơm của bà cụ gởi vào.
Tôi vừa cầm nắm cơm thì một tên lính khác đến giật nắm cơm bẻ làm nhiều mảnh và trả lại cho tôi. Xong nó dùng tay chỉ ngược vào mặt nó và bảo :
- Tao là Việt gian đây, bọn bây làm gì tao thì làm, vợ con tao có tội gì mà giết vợ tao ?
Trong lúc đó đã có đám đông lính đứng vòng quanh tôi (vì là giờ nghỉ). Nhìn quanh tôi thấy trung sĩ Tâm cũng đang đứng phía sau lưng. Tôi nghĩ bụng bọn này là lính chiến, không liên quan gì đến việc cung khai, tên Tâm thư ký phụ trách công tác lấy cung, thì tôi đã gây được cảm tình với nó. Tôi suy nghĩ trong hoàn cảnh này, nếu ta tranh thủ cảm hóa, làm chuyển hướng được tư tưởng một vài tên lính trong đồn thì cũng như đã tiêu diệt được một vài tên địch ngoài mặt trận, nên không sợ, tôi bình tĩnh và tranh thủ thời cơ làm công tác tuyên truyền. Thế là bắt đầu một cuộc đấu khẩu giữa tôi với nó, tôi nói :
- Tôi cam đoan với anh là chúng tôi không bao giờ giết vợ con các anh cả. Đóng quân ở đây chắc anh đã thấy rõ: các thôn xung quanh đồn các anh đóng đều có người đi lính cho Pháp mà vợ con họ vẫn ở nhà, chúng tôi có bắt ai, giết ai đâu, vì chúng tôi biết các anh đi lính có nhiều hoàn cảnh khác nhau, vợ con các anh đều là nạn nhân vô tội, nên không những không bắt, không giết, mà chúng tôi còn đối xử với vợ con các anh rất tử tế, chúng tôi muốn thông qua vợ con các anh, lôi kéo các anh bắt tay với chúng tôi để cùng nhau kháng chiến cứu nước. Nếu thực tế vợ anh bị nhân dân giết thì có lẽ vợ anh là người đã có nhiều tội ác với nhân dân (một số lính cười).
- Các anh bảo các anh kháng chiến, chúng tôi không muốn kháng chiến sao ? Nhưng các anh có gì để kháng chiến, trong lúc Pháp thì súng lớn súng nhỏ, tàu bay tàu bò! Có giỏi thì dàn trận đánh nhau với nó, tại sao cứ rình trong bụi chờ tụi nó đi qua giật quả bom cái rầm, rồi chạy trốn, để cho nó bắn giết tàn sát nhân dân. Kháng chiến theo kiểu các anh thì dân chết hết, độc lập ai hưởng ?
- Anh nói rất đúng, Pháp có súng lớn súng nhỏ tàu bay tàu bò, còn ta thì mới giành được được độc lập, trong tay không có tấc sắt. Vì lẽ đó nếu dàn trận đánh tay đôi thì ta sẽ bị Pháp tiêu diệt ngay. Do đó mà ta chủ trương đánh du kích, vì đánh du kích thì vũ khí gì cũng đánh được, không có súng thì đánh bằng gậy gộc, dao mác, cuốc xẻng, một hai người cũng đánh được, ai đánh cũng được, đàn ông, đàn bà, người già trẻ con đều là chiến sĩ; ở đâu đánh cũng được, trong nhà ngoài ngõ, giữa chợ trên đường, trong rừng, dưới sông vv... ở đâu cũng là chiến trường. Có như vậy mới đánh lâu dài với Pháp được, chính giặc Pháp rất sợ lối đánh du kích của ta. (Một số lính cười). Còn tàn sát nhân dân, đó là bản chất của kẻ đi xâm lược, giận cá chém thớt là hành động dã man, không phải là quân tử (một số lính cười). Nói đến đây trung sĩ Tâm, đến dắt tay tôi đưa vào trại giam, vừa đi vừa cho tôi biết đó là tên trung sĩ rể thầy Đẹo (vợ thầy Đẹo là người làng tôi), anh bảo tôi rằng nó say rượu anh cãi với nó làm gì. Có lẽ trung sĩ Tâm thấy tình hình có thể xảy ra bất lợi cho tôi, nên đã cắt ngang câu chuyện
Sáng hôm sau tên đồn trưởng gọi tôi vào và gọi trung sĩ Tâm chuẩn bị lấy cung lần thứ hai. Lần này tên đồn trưởng không ngồi, nó đứng đối diện với tôi, với bộ mặt giận dữ nó chỉ tay vào mặt tôi nói:
- Tôi cho anh biết, những lời khai của anh hôm qua đều là láo cả. Hiện nay anh còn làm việc và ở ngay giữa xã này, không phải đã nghỉ việc và ở chiến khu như anh nói. Bây giờ tôi cho phép anh khai lại cho đúng sự thật, tôi sẽ bảo đảm lời hứa hôm qua đối với anh. Nếu anh không khai lại cho đúng thì anh đừng trách tôi.
Tôi bình tỉnh trả lời :
- Tôi hiểu hôm qua ông ra ngoài làng chắc có kẻ đã đâm điểm, xuyên tạc sự thật để ông giết tôi, đây cũng là chuyện thường tình. Vì trong thời gian tôi làm việc cho Việt minh, một trăm người thương thế nào cũng có năm ba người ghét do một sự bất mãn nào đó, cho nên tôi bị bắt là một dịp tốt để họ trả thù! Cũng như ông làm việc cho Pháp ông có tin rằng tất cả nhân dân ở đây đều thương ông không ? Chắc chắn có người thương nhưng cũng có người ghét, những người ghét ông chắc họ cũng rình rập, nếu có dịp tốt chắc họ cũng sẽ giết ông. Tôi yêu cầu ông không nên nghe những lời bậy bạ, mà giết người vô tội. Còn tôi, tôi đã khai hết sự thật với ông rồi, không lẽ tôi lại bịa ra một sự thật giả dối để khai lại với ông. Ông giúp đỡ được gì thì tốt, không giúp đỡ được thì tôi đành chịu chứ tôi không còn gì là sự thật để khai lại cả.
- Tôi không biết nghe ai cả, nhưng tôi biết là anh khai láo, nếu anh không khai lại tôi sẽ đưa anh lên cấp trên; anh khôn thì anh sống, anh bống thì anh chết.
Thế là sáng hôm sau chúng áp giải tôi lên cho an ninh huyện Triệu Phong.
Đến chi an ninh tại đồn Bộ Kẹo ở chợ Sải, chúng giam 3 ngày rồi mới gọi lên lấy cung, khi chúng đưa tôi vào phòng Chi trưởng an ninh thì lại gặp một chuyện rất bất ngờ. Chi trưởng an ninh Triệu Phong là tên Hoàng Xuân Lãm, Lãm không phải là bạn thân, nhưng rất quen biết nhau. Sau ngày khởi nghĩa tôi làm ở Ủy ban Thị xã, Lãm là cán bộ thông tin tỉnh Quảng Trị, tôi ở Gia Độ, Lãm ở Phúc Lộc nên tuần nào chiều thứ bảy tôi đợi Lãm để cùng về nhà và sáng chủ nhật Lãm đợi tôi để cùng đi. Có lẽ vì thế mà Lãm phải giam tôi tới 3 ngày để suy nghĩ cách đối xử khi đối diện với tôi. Hoàng Xuân Lãm hỏi và tôi trả lời :
- Anh tên gì ở đâu và làm gì ?
- Anh lạ gì tôi mà hỏi.
- Tôi không quen biết gì anh cả, anh khai đi.
- Anh bảo không quen, nhưng với tôi thì rất quen, mới xa nhau hơn một năm làm sao quên nhau được.
Số nhân viên cán bộ ngồi các bàn bên cạnh ngơ ngác nhìn nhau và cười. Tên Lãm đổi sắc mặt quát lớn :
- Anh nên nhớ, anh đã bị bắt, là một tên tù, không được ăn nói bậy bạ.
Bỗng có một tên lính Lê dương xuất hiện đưa giấy báo Phòng Nhì mượn anh Hồ Xuân Lai. Tên Lãm bảo chưa lấy cung yêu cầu chậm lại mấy phút, nhưng tên lính Lê dương tiến lại gần tôi đưa ra chiếc còng số 8, tôi đút tay vào và tên lính dẫn đi với sự ngơ ngác của tên Hoàng Xuân Lãm và bọn an ninh huyện Triệu Phong. Lên đến phòng Nhì Quảng Trị không ngờ lại gặp Trợ Phong đại biểu Hội đồng Nhân dân và anh Đậu thôn An Cư, lúc đó đã 12 giờ trưa cơ quan phòng Nhì đã đóng cửa, tên Lê dương để tôi ngồi tại gốc cây cạnh Trợ Phong. Sau khi hỏi thăm nhau về tình hình bị bắt, chúng tôi đã thống nhất với nhau không khai báo gì cả, chúng có hỏi thì bảo không quen biết nhau để chúng khỏi hỏi lằng nhằng phiền phức. Khoảng 13 giờ 30 chúng đẩy tôi vào phòng giam kín và ở đây hơn hai tuần lễ, mỗi ngày chỉ cho ra hai lần để ăn cơm trưa và tối; xong lại đẩy vào phòng giam. Cùng giam ở phòng kín còn có một số người khác không quen biết, chỉ hỏi nhau về hoàn cảnh bị bắt và tình hình gia đình vợ con, ngoài ra không ai nói với ai điều gì cả.
Lần đầu tiên chúng gọi lên gặp tên chủ mật thám. Tên này người Tham Triều tên gọi là Đội Trọng. Tôi đứng đối diện với nó cách bức tường phía sau lưng khoảng nửa mét . Câu hỏi đầu tiên của tên Đội Trọng là:
- Mày có quen với Trợ Phong không ?
Đúng là câu hỏi mà chúng tôi đã dự đoán trước.Tôi trả lời ngay:
- Không quen biết gì cả!
Thế là tên Trọng bắt đầu đấm đá túi bụi, vừa đánh vừa bảo:
- An Cư và Gia Độ mà không quen nhau à?
Tôi trả lời tiếp :
- Vì hai làng cách nhau một con sông lớn, nên chưa bao giờ tôi biết Trợ Phong là ai cả!
Tên Trọng lại tiếp tục đánh, vừa đánh nó vừa bảo :
- Mày làm Phó Chủ tịch, Trợ Phong là Hội đồng Nhân dân tại sao không biết ?
Tôi trả lời vì hai xã khác nhau. Nó lại đánh. Tên Trọng đang đánh thì tên Đội Hưởng, Phó mật thám xuất hiện. Tên Hưởng nguyên là đại biểu Hội đồng Nhân dân thôn Dương Lộc, thuộc xã Phong Gia nay là xã Triệu Độ. Tên Hưởng bảo tên Trọng: Anh này quen, để anh khai, đánh anh làm gì. Tên Trọng ngưng đánh, hai tên nói chuyện với nhau một hồi, xong tên Hưởng đưa tôi về phòng riêng của nó, kéo ghế mời tôi ngồi, pha nước mời tôi uống. Xong nó bảo : May tôi sang kịp, nếu không thì thằng Trọng sẽ đánh chết anh, tôi với anh không có thù hiềm gì với nhau cả, anh đừng sợ tôi, anh cứ khai báo thật thà, tôi sẽ tìm cách giúp đỡ anh.
Tôi trả lời :
- Trước đây anh và tôi đều cùng làm việc cho Việt minh, không những quen biết nhau, mà còn rất hiểu nhau, bây giờ gặp nhau trong hoàn cảnh này, anh giúp đỡ được gì thì tốt, không giúp được thì thôi, có gì đâu mà sợ nhau.
Tên Hưởng đưa giấy viết cho tôi, bảo anh cứ khai đi, tôi sẽ nói chuyện với tên quan Hai xin tha cho anh. Tôi viết một mạch những lời khai y như đã khai ở đồn Gia Độ, ký tên rồi đưa cho nó. Nó đọc xong, nói :
- Anh khai thế này thì khó đấy! Những việc anh khai trước đây nó biết cả rồi, nó chỉ cần biết hiện nay anh đang làm gì và làm với ai, anh phải khai sự thật thì tôi mới có điều kiện để giúp anh.
Tôi trả lời :
- Sự thật hiện nay tôi đã khai cả rồi : Ở chiến khu, tăng gia sản xuất, nhớ nhà về thăm thì bị bắt! Còn gì đâu là sự thật nữa để khai thêm.
Tên Hưởng suy nghĩ một hồi rồi bảo:
- Thôi được anh cứ về trại nghỉ, để tôi xem có cách gì cứu anh được không. Nhưng khai như thế này thì hơi khó đấy!
Sau lần này, chúng còn gọi lên hai lần nữa, mỗi lần cách nhau khoảng một tuần, và như những điệp khúc Đội Trọng đánh thì Đội Hưởng đến can rồi đưa về phòng đưa giấy viết, động viên tôi khai lại, cả ba lần tôi đều viết lại tờ khai y như những lời khai tại đồn Gia Độ. Cuối cùng tên Hưởng thốt lên:
- Anh kiên quyết quá! Tôi muốn giúp anh, nhưng chúng biết anh khai chưa thật, nên rất khó. Tôi sẽ cố gắng, nhưng nếu không được thì anh thông cảm cho. (Không hiểu thật tình hay giả dối). Nằm xà lim tiếp tục thêm khoảng ba tuần nữa.
Một hôm tên đội Hưởng cùng với tên lính Lê dương mở cửa gọi tên tôi. Ra khỏi xà lim tên Hưởng nói với tôi : Thế là anh khỏi chết, nhưng anh còn phải bị giam, vì chúng chưa tin anh đâu? Tên lính Lê dương đưa tôi đến nhà giam ở đình Thạch Hãn và tôi trở thành một tên tù thật sự.

Tóm lại trong quá trình đối mặt với kẻ thù từ đồn Gia Độ, đến chi an ninh Triệu Phong và Ty mật thám của địch, tôi đã đánh lừa được bọn chúng, bọn chúng không khai thác được một điều gì ở tôi, mặc dù bọn chúng biết rất rõ những hoạt động cách mạng của tôi, đồng thời tôi còn cảm hóa được một số binh lính địch tại đồn Gia Độ và đồn Bộ Kẹo ở chợ Sải.

TỔ CHỨC VƯỢT NGỤC
Tuy không đủ chứng cớ để xử bắn tôi, nhưng chúng biết tôi là phần tử nguy hiểm, nên Sở mật thám mật báo cho đề lao Quảng Trị quản thúc tôi tại trại giam, không cho đi lao động khổ sai. Mỗi buổi sáng tôi đều phải xếp hàng điểm danh, nhưng khi phân phối tù đi lao động xong, tôi lại bị đẩy vào trại giam cùng với số người bệnh nặng không đi lao động được, mặc dù tôi chẳng ốm đau gì cả. Suốt ngày quanh quẩn trong trại giam, sách báo không có để đọc, xung quanh mình chỉ có một số anh em đau ốm bệnh tật, do bị đánh đập tra khảo kiệt sức! Buồn quá, tôi nghĩ ra cách nhờ một số chị em đi lao động bên ngoài, kiếm cho một ít vải và cây bút chì, vẽ khăn mặt và áo gối, rồi nhờ chị em thêu giúp để gửi tặng anh em chiến sĩ ở ngoài mặt trận. Dần dần những chị em bị bắt có người thân tham gia kháng chiến đều nhờ tôi vẽ khăn và áo gối để thêu tặng cho người thân và chiến sĩ.
Một hôm tên Huấn đề lao, vào kiểm tra trại giam, thấy tôi đang vẽ khăn mặt, nó đứng xem, thấy tôi vẽ đẹp, đã nhờ tôi vẽ giúp một đôi áo gối để nhờ chị em thêu giúp, tên Huấn tâm sự : Hoàn cảnh của tôi cũng giống như anh, tôi là thư ký Ủy ban Kháng chiến xã ở Cam Lộ, một hôm địch càn, tôi đang sốt rét không chạy được, nên bị địch bắt đưa về Quảng Trị. Chúng giam tôi một năm rồi cho ra làm đề lao. Khi đưa anh đến trại giam, bên phòng Nhì thông báo cho tôi: Không được cho anh đi làm, phải quản thúc anh tại chỗ, thấy anh buồn tôi muốn giúp anh, nhưng không biết bằng cách nào! Chỉ còn một cách là bố trí cho anh làm cai, để anh có việc làm cho đỡ buồn.
Tôi hỏi : Cai gì ? Nó bảo : Cai tù!
Tôi trả lời là tôi không biết làm cai. Hơn nữa tôi là tù lại làm cai tù, thì anh chị em tù họ còn coi tôi ra cái gì! Nếu anh thương tôi, thì cho tôi đi lao động khổ sai, còn làm cai tù thì tôi không làm được! Có lẽ tôi bị giam đã hơn 3 tháng, hơn nữa ở đây còn có hàng ngàn tù nhân, chắc phòng Nhì cũng chẳng còn quan tâm đến tôi nữa, anh cố gắng sắp xếp cho tôi đi làm, tôi rất cảm ơn. Tôi cũng như anh, chỉ mong hết tù để ra làm ăn, còn trốn tránh đi đâu mà anh sợ. Tên Huấn làm thinh, nhưng khoảng hai tuần sau, một buổi sáng, sau khi phân phối tù đi làm hết, Huấn gọi tôi bảo: Sở quan Ba đã có 2 người làm, nay xin thêm một người nữa, tôi bố trí cho anh xuống làm ở đó cho đỡ buồn. Có lẽ Huấn biết ở sở tên quan ba Pháp có lính gác cẩn thận khó bề trốn thoát nên đã bố trí cho tôi đi làm ở đó và mỗi ngày 2 lần tên lính ở sở quan ba Pháp đến nhận tù và trả tù tại trại giam.
Làm ở đây hơn một tháng thì tên trung sĩ Thí lính bồi của tên quan ba Pháp (cũng là người áp giải tù đi về từ trại giam đến sở làm việc) tổ chức cưới vợ. Hôm đó tôi được ở lại sở cả ngày để phụ giúp đám cưới.
Cô dâu là người thị xã, sau khởi nghĩa có quen biết bạn bè với tôi. Lúc tan tiệc khách về hết, hai vợ chồng đang ngồi nói chuyện, tôi đang dọn dẹp bàn ghế, thấy vợ tên lính là người quen nhưng không dám hỏi! Bỗng nhiên cô ta hỏi trước: Ủa anh Lai làm gì ở đây ? Tôi trả lời : Làm tù chứ làm gì! Cô ta hỏi tiếp: Anh làm gì mà bị bắt? Tôi trả lời: Họ muốn bắt ai thì họ bắt, chứ tôi có làm gì đâu. Tên lính ngạc nhiên hỏi vợ: Em cũng quen anh Lai à? Cô vợ trả lời: Anh Lai là người thị xã với nhau làm sao không quen!
Từ đó trở đi trung sĩ Thí tin tôi là người thị xã và thông qua cô vợ nó bắt đầu có cảm tình và tin tưởng tôi không trốn nên dần dần tên Thí không quản lý tôi chặt chẽ như trước nữa, thỉnh thoảng nó còn sai tôi ra chợ mua các thứ lặt vặt cho vợ nó! Một thời cơ rất thuận lợi để tôi tổ chức vượt ngục an toàn. Nhà lao Thạch Hãn lúc đó chưa có chi bộ Đảng, tôi biết một người là đảng viên cũng bị giam lỏng như tôi là đồng chí chủ tịch, người ở Tham Triều, nhưng là chú ruột của tên Trọng chủ mật thám, nên chỉ quan hệ bình thường không dám bàn bạc việc tổ chức chi bộ Đảng. Tuy thế tôi đã tìm hiểu, tổ chức được một nhóm quần chúng tốt tại nhà lao, gồm các đồng chí bộ đội thuộc Trung đoàn 95 bị bắt gồm có: Anh Lý Đình Đảng Trung đội trưởng, anh Thành Tiểu đội trưởng và anh Gia trinh sát trung đoàn và một số chị em phụ nữ tốt gồm có: cô Ba, cô Con ở Đông Hà, cô Ngọc ở Nại Cửu, chị Trợ Tân ở Hải Lăng và chị Bí vợ anh Lương An cán bộ Tỉnh ủy Quảng Trị. Chúng tôi thống nhất với nhau, đi làm bên ngoài ai nắm được tình hình gì của ta và của địch tối về phải thông báo cho nhau biết.
Riêng tổ nam giới có thêm nhiệm vụ điều tra đường sá, tình hình nhân dân vào ra thị xã và quy luật canh gác ở các sở làm việc, chuẩn bị cho kế hoạch vượt ngục. Khó khăn nhất là trong tổ chức vượt ngục của chúng tôi có 4 người lại đi làm ở 3 sở khác nhau, đặc điểm lao động khác nhau, sự canh gác quản lý của địch cũng khác nhau nên rất khó hành động thống nhất khi có thời cơ thuận lợi. Sau một thời gian nắm được đường sá, tình hình đi lại của nhân dân và quy luật bố phòng của địch. Chúng tôi quyết định ngày vượt ngục và thống nhất cùng trốn một ngày, nếu trong ngày đó ai chưa trốn được thì hôm sau cũng phải tiếp tục trốn ngay, nếu chậm trễ khi địch có kế hoạch đối phó thì sẽ gặp khó khăn! Một buổi trưa đi làm về, thì được tin anh Lý Đình Đăng và anh Gia đã trốn được, lập tức chiều hôm đó tôi tranh thủ trốn ngay bằng cách trà trộn trong dòng người đi chợ về qua cầu nổi trước nhà máy nước, qua khỏi cầu đi dọc theo bờ sông, về đến Hậu Kiên thì trời bắt đầu tối, tôi ghé vào một nhà dân cạnh đường xin nước uống, nghỉ chân chờ tối tìm cách vượt đường số một lên chiến khu. Tôi trình bày hoàn cảnh trốn tù và yêu cầu gia đình giúp đỡ dẫn qua đường để khỏi đi lạc vào đồn địch hoặc gặp các ổ phục kích của giặc. Cụ chủ nhà cảnh giác bảo: Thôn này có Hội tề, không ai biết đường lên chiến khu cả, anh nên đi ngay, ngồi lâu Hội tề biết thì chúng bắt nộp lại cho Tây đấy! Thấy tôi có vẻ lo lắng buồn rầu, ông cụ nói tiếp: Thôi anh ngồi đây một lát, có ai đến thì tránh đi, để tôi đi hỏi thăm có ai biết đường tôi sẽ nhờ họ giúp đỡ.
Khoảng 30 phút sau ông cụ trở về cùng với 3-4 người xô cửa bước vào nhà, tôi thấy trong số đó có đồng chí Trương Huyện ủy viên. Đồng chí Trương chạy đến ôm lấy tôi và nói : Đúng anh Lai đây rồi, làm sao trốn được? Thôi về nhà tôi nghỉ, đợi tôi họp xong sẽ về huyện luôn. Đúng 2 giờ sáng chúng tôi vượt qua đường số Một lên chiến khu (Trấm) gặp Huyện ủy. Tay bắt mặt mừng và từ đó tôi đã trở lại cuộc sống tự do và tiếp tục công tác bình thường. Đồng chí Hào, bí thư Thị ủy nói: Tôi thường xuyên theo dõi tình hình của anh ở trại giam, chưa kịp tổ chức đưa anh ra thì anh đã tự ra trước rồi.

còn tiếp...